Tôi năm nay 52 tuổi, là cán bộ đã nghỉ hưu. Ngày trẻ, tôi và vợ kết hôn rồi thoát ly khỏi quê hương, đi làm vùng kinh tế mới từ sớm. Ra đi với hai bàn tay trắng, cuộc sống có quá nhiều khó khăn, hai vợ chồng tôi quyết định sinh con muộn, để bọn nhỏ không phải chịu cảnh nghèo đói, túng thiếu.
6 năm sau, khi kinh tế đã khá giả, vợ chồng tôi sinh con đầu lòng và sinh tiếp một bé nữa hai năm sau đó. Cả hai đều là con gái. Xinh xắn, đáng yêu và giống nhau đến mức mọi người hay nhầm hai đứa là chị em sinh đôi. Con em thậm chí còn nghịch ngợm, lanh lợi và cao nhỉnh hơn chị một chút. Trong xóm không có trẻ con nên hai chị em tự bầu bạn, cùng lớn lên. Mặc dù suốt ngày chành chọe không yên, nhưng hai đứa rất yêu thương nhau.
Thời gian trôi qua nhanh, hai cô công chúa bé bỏng ngày nào của chúng tôi đều đã học cấp 3. Muốn con được hưởng nền giáo dục tốt nhất, chúng tôi cho con theo học tại một trường điểm cách nhà 45km. Hai chị em ở trọ cùng nhau, cuối tuần được nghỉ mới về nhà thăm bố mẹ.
Xinh xắn, đáng yêu và giống nhau đến mức mọi người hay nhầm hai đứa là chị em sinh đôi (Ảnh minh họa)
Tôi không bao giờ quên được mùa hè năm ấy, khi mà tôi vĩnh viễn mất đi đứa con đầu lòng hiền lành, ngoan ngoãn. Con bé lúc ấy học lớp 12, phải ở lại trường ôn thi Đại học, không được nghỉ hè. Sinh nhật em, nó xin nghỉ một hôm, định về đưa em đi chơi. Số phận nghiệt ngã, một chiếc xe mất lái lao vào con bé. Vào đến viện chờ con cấp cứu, vợ tôi ngất lên ngất xuống, tôi thẫn thờ như một người mất hồn. Mọi thứ diễn ra quá bất ngờ.
Bác sĩ nói con tôi không thể qua khỏi. Tôi bất lực van xin bác sĩ cứu con mình, rồi cũng phải tuyệt vọng gọi điện về nhà, dặn dò con út:
- Tí con dọn dẹp nhà cửa, thu gọn hết bàn ghế cất vào trong buồng cho bố. Còn bây giờ, con gọi bác Khánh sang nghe máy, bảo bố cháu nhờ tí việc.
- Bố mẹ ở dưới đấy có mệt không? Hay một người về để con xuống trông thay cho?
- Chị con bị nặng lắm... chắc không qua được đâu.
Con bé khóc nấc lên và nói:
- Bố! Bố đừng đưa chị về hôm nay, hôm nay là sinh nhật con...
Bệnh viện trả con tôi về. Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, chẳng đau đớn nào có thể so sánh bằng. Bất công quá, con bé xinh xắn, nhẹ nhàng, hiếu thuận và đang ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời, có biết bao hoài bão còn dang dở đang chờ nó.
Sau đám tang là quãng thời gian vô cùng khó khăn, vợ tôi suy sụp, không lúc nào ngừng khóc, cứ nghĩ đến con mà đau thắt từng khúc ruột. Nhưng đứa con gái út của chúng tôi, nó không những chẳng đau buồn gì, còn vẫn vô tư cười đùa với các bạn. Hai chị em lớn lên cùng nhau, gắn bó với nhau, vậy mà chị mất, nó có thể thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Là nó chưa lớn. Hay nó vô tâm, vô tình?
49 ngày. Vì đi thoát ly nên ở đây chúng tôi không có anh em họ hàng, ngày lễ to nhỏ gì cũng chỉ làm một mâm cơm cả gia đình với nhau. Chưa bao giờ tôi thấy mâm cơm lại thê lương, cô độc như lần này. Có lẽ không khí quá ngột ngạt, con út bật tivi lên xem phim. Tôi không nhịn được nữa, bao nhiêu đau thương và oán hận dồn nén, tôi trừng mắt, trút hết lên đầu con bé:
- Mày có biết suy nghĩ không? Chị mày vì mày mà chết. Nó chết vào sinh nhật mày. Thế mà mày vẫn còn ở đấy mà cười nói, xem phim được à? Mày là cái loại vô tâm! Vô tình!
- Sao anh lại nói con như thế?…
Tôi chỉ nhớ lúc đó vợ thảng thốt, xen lẫn đau lòng, kìm nén. Còn nó, vẫn trưng ra bộ mặt vô cảm như mọi khi - mỗi lần bị chúng tôi trách mắng, chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng ăn hết bát cơm rồi đứng dậy.
Thời gian quả thực có thể xoa dịu mọi nỗi đau. Mới đấy mà cũng đã 9 năm tôi qua, chúng tôi không còn đau buồn như trước nữa. Con út thì vẫn như vậy - vẫn cười nói và khó nắm bắt. Tôi luôn cho nó là một đứa vô tâm, vô tình, cho đến một hôm. Tìm con bé để đi mua một số thứ chuẩn bị cho ngày giỗ, tôi lên phòng nhưng con bé không có ở đó, quyển nhật ký để ở trên bàn. Tôi không muốn xen vào đời sống cá nhân của con nhưng lướt qua mắt tôi có chữ "chị". Con bé đã viết gì đó về chị nó. Tò mò, tôi lật giở từng trang mà nghe sống mũi cay cay.
(Ảnh minh họa)
Hóa ra, suốt từ hồi đó đến giờ, con bé mà tôi cho là vô tâm, vô tình như nó lại luôn sống trong đau khổ, dằn vặt như vậy. Ai cũng dặn dò nó là chỗ dựa của bố mẹ, không được buồn bã, người nhà càng khóc nhiều, chị nó ở bên kia sẽ càng bất hạnh nhiều. Thế rồi, nó cứ cố cười vui để vợ chồng tôi không phải suy nghĩ, lo lắng gì cho nó; cố cười để xua đi tâm trạng u ám của chúng tôi. Con bé đã chịu ám ảnh bởi câu trách móc oán hận của tôi biết bao nhiêu, rồi tự đổ lỗi cho mình về cái chết của chị nó. Nó tự cho rằng bản thân không có quyền và tư cách được hạnh phúc. Trong đám tang chị nó, con bé đã phải đi viện vì đau bụng, tái xanh mặt mũi, không đứng cũng không ngồi nổi. Người ta nói nó khóc nhiều quá nên bị thắt ruột. Làm thế nào mà một đứa trẻ có thể gồng mình lên chống chọi được với sự hiểu lầm, trách mắng từ chính bố mẹ mình suốt bao năm trời như vậy? Kể từ ngày chị nó mất, tôi chưa từng nhìn thấy một giọt nước mắt của con bé, cứ ngỡ nó mạnh mẽ, vô cảm… Nhưng hóa ra, tôi mới chính là người tàn nhẫn, vô tâm. Hai đứa vẫn luôn yêu thương nhau nhiều như thế.
- Bố làm gì đấy? Sao bố lại đọc nhật ký của con?
- Bố xin lỗi, bố…
- Bố xuống nhà đi, mẹ tìm bố đấy!
Nói rồi nó cầm quyển sổ đút vào ngăn bàn, quay đi, bỏ xuống dưới nhà. Lúc quay đi, tôi vẫn kịp nhìn thấy, từ khóe mắt con bé, rơi nhanh một giọt nước trong veo.