Là quý ông 29 tuổi, đã kết hôn hơn 2 năm và cũng vừa ly hôn, anh Nguyễn Huy Hùng (Tôn Đức Thắng, HN) thấy mệt mỏi với người phụ nữ là vợ của mình vì cho rằng vợ anh đòi hỏi quá nhiều.
Hãy cùng nghe nỗi sợ hãi của người đàn ông khi "vớ" phải một bà vợ hay đòi hỏi hoặc thậm chí khóc lóc, ai oán vì những đòi hỏi ấy của mình không được đáp ứng.
Phụ nữ li hôn thường hay rơi vào cảnh bi kịch của cuộc đời. Tôi nói đến những người phụ nữ bình thường chứ không phải những người phụ nữ lăng loàn. Anh là một người đàn ông đã li hôn, anh đối diện với việc đó như thế nào?
Cảm giác có lẽ cũng như những người phụ nữ, có điều diễn đạt chắc khác hơn.
Anh diễn đạt như thế nào?
Đó là sự chấp nhận cuộc sống. Tôi là đàn ông, tôi không khóc lóc nhưng tôi hút thuốc nhiều hơn. Tôi tránh mọi việc nói liên quan về vợ cũ của mình. Ở một góc nào đó, cô ấy cũng đang tâm sự với ai đó rằng tôi là một thằng đàn ông tệ bạc hoặc nghe kinh hơn thế nhiều.
Tôi suy sụp. Khi người đàn ông mất gia đình, xã hội bênh phụ nữ, nói phụ nữ thiệt thòi. Ừ thì đối với những người đàn ông khác tôi không biết, nhưng tôi biết rằng mình mất mát ½ cuộc đời. Tôi mất vợ, mất quyền ở với con.
Không ai hiểu được cuộc sống hậu li hôn của người đàn ông. Vợ tôi còn có con để an ủi. Tôi phải sống cuộc sống một mình. Những buổi tối, tôi nhớ cồn cào cảnh sinh hoạt gia đình, dù vợ có mặt nặng mày nhẹ thì vẫn là sự gắn kết. Có những hôm tôi thèm cảnh gia đình đến mức cháy cả tâm can…
Tại sao anh không nói với chị ấy và hàn gắn mối quan hệ?
Nếu tôi có muốn mà cô ấy không muốn thì cũng chịu. Cô ấy không nguôi ngoai hoặc không nhìn nhận cuộc sống hôn nhân theo cách khác thì nếu tôi và cô ấy có quay lại cũng lặp lại một câu chuyện tương tự như trước đó nó đã xảy ra. Và chúng tôi lại li hôn thôi.
Tôi mệt mỏi với người phụ nữ là vợ của mình. Đàn ông hay phụ nữ, theo tôi cũng chỉ có mục tiêu vun vén gia đình hạnh phúc, đủ đầy. Tuy nhiên, con đường mang tên gia đình, trên đoạn đường đi tôi thấy có nhiều đoạn khúc khủy, người ta dễ bỏ đoạn đường đó. Thực tế, nó không phải một đường ray để ta chạy thẳng, ta hay đâm xuống vực chỉ vì cứ tưởng nó là đường ray.
Anh cũng tưởng cuộc sống gia đình là một đường ray?
Cũng có thể nói vậy. Tôi hay bất cứ người đàn ông nào khi lập gia đình cũng đều tự tin về sự chín chắn lựa chọn của mình. Đàn ông có trách nhiệm dẫn dắt gia đình. Tôi đã lập kế hoạch cụ thể. Nhưng tôi vẫn cho cái cỗ xe gia đình mình lao xuống vực.
Vậy hôn nhân đổ vỡ là do anh?
Do cả tôi và vợ tôi. Mà tôi cũng không muốn nhắc và tìm hiểu là do ai. Tôi đã từng tự hỏi bản thân mình: Nếu mình như thế này thì kết quả sẽ như thế nào? Cuối cùng, tôi tự trả lời: Cái gì cũng có giới hạn. Mình không thể cố trong hôn nhân.
Câu nói của anh chưa rõ nghĩa. Giới hạn ở đây là gì? "Cố" trong hôn nhân là gì?
Người ta có thể cố nhiều việc, nhưng không thể cố yêu thương. Vợ tôi cũng giống như tất cả những người phụ nữ khác, mặc kệ chồng cố nhiều việc và cố cả trong yêu thương. Yêu thương là điều cao nhất trong tình cảm. Nó cũng là điều không thể điều khiển hay đòi hỏi.
Vợ tôi hay nói: Anh không hiểu em. Tôi hỏi lại: Như thế nào là hiểu em? Cô ấy không trả lời được rõ ràng. Và đúng là càng ngày tôi càng không hiểu cô ấy thật. Là do cô ấy thôi. Cô ấy thách đố chồng mình chơi trò đoán tâm lý, để ý những chi tiết.
Bản thân người đàn ông, nếu thỏa mái, người ta có thể quan tâm mọi thứ của vợ. Nhưng khi không thỏa mái, quan tâm là cách bóp nghẹt mọi cảm giác và làm cho người đàn ông cảm thấy không lối thoát. Không phải riêng vợ tôi đâu, tôi thấy nhiều người phụ nữ như thế lắm.
Nếu nói phụ nữ sâu sắc như cơi đựng trầu cũng không sai đâu. Cô chỉ biết rằng cô đau, cô vất vả. Nếu chẳng may tôi so sánh sự vất vả của tôi với vợ, lập tức vợ tôi và những người phụ nữ khác sẽ nhảy lên phản ứng: Tôi không phải đàn ông. Rằng đàn ông không bao giờ trải qua những thiệt thòi của phụ nữ nên không bao giờ thông cảm được; rằng các ông có đẻ được đâu; rằng các ông có nhiều lợi thế,…
Chẳng lẽ lại đi tranh cãi với các bà rằng các bà cũng không thể hiểu những khó khăn của đàn ông? Tôi sợ những người phụ nữ đòi hỏi. Tôi sợ hơn nữa những người phụ nữ khóc lóc, ai oán vì những đòi hỏi của mình không được đáp ứng. Bi kịch thay là rất nhiều người phụ nữ Việt Nam như thế.
Xin anh nhớ cho là phụ nữ Việt Nam được đánh giá là những người vợ tuyệt nhất thế giới đấy nhé!
Phụ nữ Việt hay chê đàn ông Việt là những đứa trẻ chưa trưởng thành. Trong mắt tôi, các chị là những cô bé chưa trưởng thành. Nếu có tiêu chuẩn phụ nữ Việt là những người vợ tuyệt nhất thế giới thì tôi thấy phải có thêm tiêu chuẩn phụ nữ Việt là những người lắm nước mắt, hay ăn vạ nhất thế giới.
Phụ nữ khổ là do tư duy của các chị. Các chị thích bao bọc, thường trực ý nghĩ phụ thuộc và lười biếng trong tư duy. Lúc nào các chị cũng bảo chồng, con và công việc chiếm hết thời gian của các chị. Thực ra thì các chị buôn chuyện nhiều hơn làm việc nhiều. Các công việc sắp xếp khoa học sẽ ổn hết. Nhưng các chị lúc nào cũng rối rắm lên. Như thế là kém rồi.
Ngay cả việc không nhờ được chồng, không nhờ được con cũng là điều kém nốt. Bởi các chị cho họ đặc quyền đặc lợi như thế ngay từ đầu nên họ mới lờ các chị đi. Chính các chị làm hư hỏng họ rồi kêu ca về họ. Tựu chung lại, tôi nghĩ phụ nữ Việt Nam giỏi kêu ca, than vãn với những thứ mình làm sai thay vì nhận điểm sai về mình.
Bản thân anh cũng có nhận cái sai về mình đâu?
Chỉ dừng lại ở góc độ: Chỉ ra vấn đề là ở đâu chứ không phải tranh luận ai sai hơn ai. Chị có thể công nhận hoặc không công nhận điều tôi nói, nhưng cứ im lặng đi đã. Tôi không phủ nhận đàn ông có nhiều thứ tệ, nhưng phải rõ ràng đó là câu chuyện liên quan sau.
Anh có nghĩ mình kết hôn lần nữa?
Tôi không đóng sầm cánh cửa hôn nhân của mình. Nhưng tôi không kỳ vọng một cuộc hôn nhân mới. Tôi sẽ sống theo cách của tôi. Nếu có một người phụ nữ tôi thấy phù hợp, tôi sẽ lấy. Nhưng tôi đoán là nhiều chị em bảo tôi nên ở vậy để cho lành thế giới của người phụ nữ (cười).
Đó là việc riêng của anh. Xin chia sẻ với anh về những mất mát trong hôn nhân và mong anh sẽ hạnh phúc với lựa chọn của mình!