NAM GIỚI » Tiêu khiển

Quần vợt Việt Nam: Giàu mà nghèo

Chủ nhật, 14/08/2011 12:55

Quần vợt Việt Nam đang có một thế hệ VĐV trẻ đầy tài năng. Chỉ có điều cơ quan quản lý của các VĐV lại có vẻ không đủ sức để hỗ trợ đến nơi đến chốn.

Trẻ chưa già, măng đã mọc nhiều

Những VĐV làm mưa làm gió của quần vợt Việt Nam vài năm nay như Quốc Khánh, Minh Quân, Thành Trung (nam)… hay Thùy Dung, Mai Huỳnh (nữ) chưa đến tuổi băm, nhưng phía sau họ đã có hàng loạt VĐV trẻ đầy tài năng kế tục xứng đáng. Thậm chí so về tài năng và tiềm năng vươn cao, họ có phần trội hơn.

Tay vợt trẻ Huỳnh Phi Khanh của TP.HCM.

Ngoài “tay vợt triệu đô” Nguyễn Hoàng Thiên đã trở nên quá nổi tiếng bởi liên tục được cọ xát đỉnh cao, cũng như gặt hái những thành công ở các giải đấu ngoài nước, năm nay chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều tài năng mới. Thông qua 2 giải đấu trẻ được tổ chức gần đây, những tài năng trẻ liên tục nở rộ. Ở đoàn TP.HCM, ngoài Hoàng Thiên còn phải kể những tay vợt trẻ khác như Sỹ Bội Ngọc, Huỳnh Phi Khanh, Khôi Nguyên vừa vô địch các lứa tuổi trẻ tại giải thanh thiếu niên xuất sắc toàn quốc vừa kết thúc ở Huế.

Ở đội TP.HCM còn phải kể đến một trường hợp đặc biệt, đó là tay vợt Việt kiều Mỹ, Tiffany Nguyễn. Cô cùng với 3 anh chị em của mình đều đam mê quần vợt và được bố đưa về đầu quân cho TP.HCM. Tại những giải U-12 tại bang Texas ở Mỹ cũng như các giải tại Việt Nam gần đây, cô đều không có đối thủ. Được biết, gia đình cô sẵn sàng cho cô nhập quốc tịch Việt Nam nếu thể thao Việt Nam cần.

Ngoài TP.HCM phải nói đến Bình Dương, nơi phong trào tennis đang được xã hội hóa mạnh mẽ. 3 tài năng trẻ của họ là Nguyễn Văn Phương, Lý Hoàng Nam, Hồ Huỳnh Đan Mạch mới đây đã đăng quang giải quần vợt quốc tế các lứa tuổi tại Thái Lan, cũng như tỏ rõ ưu thế của mình ở sân chơi quốc nội. Được dẫn dắt bởi HLV Trần Đức Quỳnh cũng như được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của gia đình, tương lai của 3 tay vợt này rất xán lạn.

Đó còn chưa kể đến tay vợt nữ số 1 Việt Nam, Huỳnh Phương Đài Trang hiện nay mới chỉ có 18 tuổi đang đầu quân cho đơn vị Đà Nẵng, cũng là một đơn vị mạnh của cả nước. Nhìn chung, quần vợt Việt Nam đang huy động được nhiều nguồn lực xã hội phát triển rộng khắp, tạo ra một thế hệ VĐV trẻ, đầy tài năng góp phần đưa quần vợt Việt Nam lên một tầm cao mới.

Nhưng dậm chân tại chỗ

Xét về mức độ hâm mộ ở Việt Nam, quần vợt có lẽ chỉ xếp sau bóng đá với hơn 3.000 sân trên cả nước. Tuy nhiên, cơ quan quản lý của nó là Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF) lại không theo kịp với nhịp độ phát triển của quần vợt nước nhà. Nếu như bóng đá đã tự chủ về tài chính từ lâu với số tiền huy động được từ các nguồn lực xã hội rất lớn (2.000 tỷ đồng trong năm 2010) thì VTF vẫn còn rất ì ạch. Nói đâu xa, số tiền mà tổ chức này huy động được trong nhiệm kỳ 4 từ 2004 đến 2009 chỉ là hơn 11 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả tiền ngân sách (30.000USD/năm), tiền hỗ trợ từ Liên đoàn Quần vợt thế giới... Nói trắng ra, VTF “bất lực” trong khoản kiếm tiền.

Cũng vì nghèo như thế, nên muốn thi tập huấn, thi đấu, phần lớn các tay vợt Việt Nam đều phải bỏ tiền túi ra. Các nước láng giềng như Trung Quốc hay Thái Lan đã có những tay vợt chơi trong các giải Grand Slam của thế giới, thì tại các giải đấu quốc tế nhỏ tổ chức trong nước, các tay vợt Việt Nam cũng chẳng chiếm được ưu thế. Bên cạnh đó, môi trường để phát triển của các nước này cũng hơn hẳn Việt Nam. Hàng năm các nước như Thái Lan, Malaysia... có đến hàng chục giải Future, vài giải Challenger, thậm chí là cả giải ATP World Tour 250 để cho các tay vợt trong nước có dịp cọ xát…

Không lẽ với một Liên đoàn đã được thành lập hơn 22 năm (27.05.1989), VTF lại khoán trắng cho các gia đình đầu tư cho các tay vợt, còn mình thì tổ chức được một vài giải đấu nhỏ lẻ hàng năm…

Báo Lao động
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới