Đây là kết luận chắc như đinh đóng cột của một người phụ nữ 35 tuổi, đã lập gia đình và đang sinh sống hạnh phúc. Từ trải nghiệm của bản thân và thực tế cuộc sống, chị đã đưa ra nhiều quan điểm rất thú vị xung quanh chuyện trinh tiết của cả đàn ông và phụ nữ.
Chào chị! Theo tìm hiểu của chúng tôi về chị, chị có một gia đình khá hạnh phúc. Nếu không ngại, chị có thể nói về điểm mấu chốt nhất trong vấn đề xây dựng và giữ hạnh phúc của chị?
Điểm mấu chốt nhất trong hạnh phúc gia đình của chúng tôi là sự thẳng thắn trong mọi quan điểm. Ngay từ khi yêu nhau, bản thân tôi đã rất thẳng thắn nhiều việc. Đối với đàn ông, người phụ nữ phải chủ động thẳng thắn.
Người đàn ông chỉ đợi cơ hội để mập mờ trong mọi thứ. Tôi không kỳ vọng rằng chồng tôi cũng cư xử quá rõ ràng. Cả vợ, cả chồng, ai cũng cần một số góc riêng. Tôi không muốn động chạm đến những góc đó. Đàn ông mà thật thà quá chắc chỉ có người không biết gì.
Tôi hay đùa chồng tôi: Đàn ông thích lấy vợ còn trinh. Rồi anh ta chẳng biết làm gì với cái trinh của người vợ. Anh ta sẽ quên cái đó để hú hí với những cô chẳng có cái trinh nào cho anh ta. Nhưng khi lấy chồng, người phụ nữ toàn lấy phải ông chồng chẳng còn trinh… (cười).
Vốn dĩ tôi định nói câu chuyện theo một hướng khác, nhưng chị vừa nhắc tới việc còn trinh hay mất trinh. Chị nghĩ thế nào về việc này?
Có hai vấn đề: Một là vấn đề cái màng trinh; hai là vấn về trinh tiết như thế nào. Đa số mọi người dừng việc hiểu trinh tiết ở cái màng trinh. Tôi không bàn sâu về trinh tiết hay cái màng trinh. Nhưng mọi người đừng thiển cận cho rằng cái màng trinh là thứ người phụ nữ phải ôm khư khư để khẳng định giá trị. Giá trị của người phụ nữ cả truyền thống lẫn hiện đại đều có 4 yếu tố: Công, dung, ngôn, hạnh chứ không phải cái màng trinh.
Tôi thương mấy chị cứ giữ khư khư cái màng trinh của mình, đề cao nó đến mức cực đoan, cuối cùng lấy phải ông chồng phá xong cái màng trinh hiện nguyên hình là một tên đểu. Tôi thương mấy cô gái yêu dâng hiến rồi bị người yêu phụ bạc. Cô ta nghĩ mình hết giá trị. Tôi thương mấy cô gái ban phát vốn trời cho của mình thái quá…
Cái màng trinh dành cho một người đàn ông, một người mà chúng ta nghĩ là xứng đáng. Nếu chẳng may, đó là người không xứng đáng vì lòng người khó đoán thì ta phải nghĩ gì? Làm sao đánh đồng việc cố tình ném cái màng trinh của mình vào chỗ không hay với việc tai nạn cuộc đời? Cái đó chỉ dành cho lương tâm của mỗi người.
Nếu bạn yêu một người, yêu trọn vẹn họ, tình cảm của bạn sẽ là thiêng liêng. Nhưng nếu bạn vơ cả đống đàn ông về phía mình và lên giường với bất cứ ai bạn thích thì tình cảm bạn sẽ bị tổn thương đầu tiên. Bản thân bạn sẽ tự khinh bỉ bạn trước, đến một ngày nào đó.
Giống như một cô gái xấu điên đảo, cố gắng dùng phấn son để che khuyết điểm thì lúc bỏ phấn son ra, cô ta vẫn phải soi gương và biết rằng mình xấu. Có điều, cái xấu hình thức là do khách quan. Còn cái xấu về mặt tâm hồn buông thả là cái mà người ta bị dằn vặt hơn nhiều. Đây là tiền đề để nói về trinh tiết, chứ không phải màng trinh. Đó là vấn đề xấu hổ.
Chị nói vậy, thế khi lấy chồng, chị “còn” hay “mất”?
Tôi có quyền bàn về chuyện trinh tiết mà không bị xã hội ném đá vì khi tôi lấy chồng thì chồng tôi được hưởng trọn vẹn việc tôi còn màng trinh. Nhưng cái đó qua rất nhanh. Tôi vẫn đùa chồng tôi: Anh có thể biết em còn trinh, nhưng em không thể biết anh "còn" hay "mất".
Khi đàn ông ngồi với nhau thường bàn luận xem cô nào "còn", cô nào "mất". Nhưng đúng là phụ nữ thì không bàn về chuyện đó. Chị “bàn” về chuyện "còn", "mất" của đàn ông như thế nào?
Vấn đề cô đặt ra hay đấy. Tôi hay nói với mấy cô chưa chồng: Các cô sống như trên mây trên gió. Phụ nữ ở đâu ra mà cứ nghe mấy thằng đàn ông tán tỉnh, nói ngon nói ngọt là "khôn ba năm dại một giờ". Đến khi bị đá thì khóc. Còn cô nào lì lợm thì thách thức với đời. Phụ nữ thách thức với đời thì chỉ bị đời đập cho đau đớn thôi.
Khó để kiểm tra chuyện "còn - mất" của đàn ông. Nhưng có một nguyên tắc cơ bản mà các cô nên nhớ chính là việc thử đàn ông. Thử tâm lí đàn ông thì chỉ nhận được những lời nói dối. Nhưng cái thử cơ bản, làm được là thử sức khỏe, sinh lí thì các cô nên làm.
Nếu cô nào muốn lấy chồng, hãy xem “giống” anh ta thế nào. Phải biết nhà cửa, họ hàng, nòi giống nhà anh ta. Phải xem cách anh ta cư xử trong gia đình. Rồi xem gia đình anh ta có nhiều người khỏe mạnh hay ốm đau. Sau đó, thì mời anh ta đi kiểm tra sức khỏe toàn diện. Nhiều anh chẳng hiểu sao, người yêu bảo đi khám sức khỏe trước hôn nhân thì nhảy dựng lên: Anh không sao và nhất định không chịu đi khám.
Cô nào muốn sống thử trước hôn nhân cũng phải sáng suốt kiểm tra sức khỏe sinh lí của anh ta. Nhỡ cái anh ta vô sinh hoặc mang mầm bệnh gì đó thì sao? Nhiều cô lấy chông về rồi mới té ngửa mắc những chứng bệnh liên quan đến bộ phận sinh dục rất quái đản. Hóa ra là do chồng trước đó đã lăng nhăng nhiều.
Tính đàn ông "còn - mất" thì thật nực cười. 90% đàn ông mất trinh trước khi lấy vợ rồi đấy thôi, thế mà vẫn tự hào với vợ vì mình đàng hoàng, đạo mạo.
Vậy, theo chị, người phụ nữ nên giữ gìn màng trinh như thế nào?
Khó nói vấn đề này lắm. Màng trinh chỉ có một, nhưng cuộc đời cạm bẫy nhiều. Quan trọng là hiểu biết về bản thân, hiểu biết cuộc sống và ứng xử phù hợp. Màng trinh rất quan trọng, nhưng nó không phải thứ để người phụ nữ lệ thuộc vào.
Việc này có rất nhiều ý kiến trái chiều. Tôi không muốn kết luận điều gì, chỉ mong chị em sáng suốt.
Cảm ơn chị về một cuộc trò chuyện thú vị. Chúc chị luôn hạnh phúc!