Đó cũng là câu chuyện của một anh chồng bị vợ sỉ nhục coi khinh khi phải để vợ trả tiền trong lúc đi ăn, vì đang trong lúc công ty khó khăn không có tiền. Bức thư khiến người đọc vừa sót xa vừa cảm thấy mình cần nhìn lại mình và biết yêu thương trân trọng hơn chồng/vợ của mình.
Cụ thể bức thư của người chồng viết cho vợ:
“Vợ!
Anh viết bức thư này cho em bởi trong cuộc sống có những việc không thể nói trực tiếp, nhất là với tính cách của em sẽ biến câu chuyện bình thường thành một cuộc cãi vã khủng khiếp không có kết quả. Em hãy bình tĩnh đọc nó và suy nghĩ nhé.
Ở phương Tây, khi cưới nhau, có một tục lệ rất hay, cha cố sẽ đặt tay lên Kinh thánh và hỏi cô dâu chú rể: Con có nguyện bên cạnh người này mãi mãi, trong hạnh phúc hay khó khăn, khi vui sướng hay khổ đau không?
Hai người sẽ lần lượt trả lời “I will” lúc đó cha mới tuyên bố hai người thành vợ chồng. Anh kể câu chuyện trên để em thấy, đã là vợ chồng là phải bên nhau khi hạnh phúc hay khó khăn, và phải làm điều đó suốt cuộc đời mình.
Ngày mình quyết định kết hôn, anh không có gì, toàn bộ tiền cưới còn được cô chú cho vay để cưới. Anh yêu em và tin em sẽ đi cùng anh suốt cuộc đời vì chúng mình bắt đầu từ hai bàn tay trắng.
Suốt những năm tháng qua, anh đã cố gắng cùng em xây dựng gia đình nhỏ của mình hạnh phúc, cùng nhau vượt khó khăn.
Anh luôn tự hào về điều đó và chưa bao giờ làm điều gì có lỗi với em và con. Anh luôn chăm chỉ làm ăn, không cờ bạc, rượu chè, không tiêu xài hoang phí. Nhưng rồi mọi chuyện dần xấu đi, em không còn là người vợ của anh năm nào.
Em đã thay đổi quá nhiều, nghĩ đến tiền nhiều hơn, đòi hỏi anh phải suy nghĩ cho em nhiều hơn. Em cứ bình tĩnh đọc tiếp, đừng vội vàng sôi máu.
Hai tháng kể từ Tết ra đến nay là giai đoạn cực kỳ khó khăn của công ty anh. Anh không có lương hai tháng, không thu nhập ngoài, anh đã tiết kiệm tối đa có thể để không lấy tiền của em.
Em có biết những hôm anh vội đi không ăn sáng ở nhà là anh nhịn không? Buổi trưa thay vì gọi cơm 30 nghìn đồng, anh ra ngoài ăn hai cái bánh bao 12 nghìn đồng không? Anh không muốn kể hết ra đây những gì anh đã tiết kiệm trong hai tháng qua.
Anh biết rõ đêm nào em cũng kiểm tra cái ví lép kẹp của anh nhưng chưa bao giờ cho vào đó dù chỉ một nghìn dù em biết anh không có tiền.
Anh buồn hơn nữa là không thể mua cho em quà 14/2 nhưng thay bằng sự cảm thông và thấu hiểu, ngày nào em cũng hành anh, hỏi anh bao giờ mua quà cho em hoặc kể chuyện chồng người này mua cho vợ mình cái nọ cái kia với vẻ khó chịu.
Anh cảm thấy bất lực vô cùng và càng buồn hơn vì sự vô tâm của em. Đến tận hôm nay em vẫn hỏi anh bao giờ mua cho em quà. Em gửi vào tài khoản của anh 20 triệu thì anh cũng chỉ dám tiêu lẹm vào đó 400 nghìn đồng.
Hôm sinh nhật mời em đi ăn hải sản vậy mà em cũng trách anh đã tiêu của em. Chiều nay thì có vẻ mọi việc đã đi quá giới hạn chịu đựng của anh.
Em biết đấy, bao năm nay vợ chồng đi ăn hay cafe chưa bao giờ anh để em trả tiền, đó là sĩ diện, là trách nhiệm của người đàn ông. Nhưng chiều nay đi café với chú Đức và vợ chồng anh Hoàn, anh chỉ còn duy nhất 100 nghìn đồng trong túi.
Em vừa trả tiền vừa nói rất to với anh, trước mặt khách quanh đó và con bé thu tiền: “95 nghìn đồng, tôi đi cafe toàn chỉ để trả tiền mà thôi, lần sau không bao giờ tôi đi thế này nữa”.
Anh nhìn vào mắt em, trong mắt em chỉ có sự tức giận, coi thường và khinh bỉ. Anh không sợ người xung quanh hiểu cái gì mà anh sợ chính người anh gọi là vợ đang đứng hiên ngang nói ra với mình câu đó.
Nhục, một cảm giác rất rõ ràng trong anh bên cạnh nỗi buồn khủng khiếp. Em không còn hiểu anh, không còn thông cảm, không còn trách nhiệm với anh nữa rồi.
Anh đã bị tổn thương, bị xúc phạm nặng nề. Anh đã định bắt xe ôm đi ngay lúc đó, đã định nổi nóng, nhưng anh biết làm thế sẽ vô dụng bởi em không bao giờ hiểu anh nghĩ gì nữa rồi.
Em đã thay đổi quá nhiều, không còn cảm thông, không còn tôn trọng anh nữa. Với em, anh phải có trách nhiệm hiểu em, chiều em và em không cần phải biết anh nghĩ gì, cần gì nữa.
Sau hết cả mọi chuyện, anh lại thấy sợ hãi, phải chăng sau này nếu vì một lý do nào đó anh không thể kiếm được tiền, anh không thể lao động, em có cho anh ăn không, có chăm sóc anh không hay em sẽ mỉa mai sự bất lực và kém cỏi đó?
Hoặc em vẫn sẽ cho anh ăn nhưng kèm theo sự sỉ nhục như hôm nay. Lúc đó anh còn dám nuốt miếng cơm, miếng nhục đó không hay chỉ mong chết đi cho nhẹ đầu. Cuộc sống mà, chẳng ai dám khẳng định mọi thứ sẽ không xảy ra hay cả cuộc đời chúng ta là màu hồng.
Hôm nay anh đã bắt đầu nghi ngờ tình yêu và trách nhiệm gia đình, trách nhiệm với chồng của em. Anh đã hiểu nỗi đau của người chồng không kiếm được tiền, hôm nay anh đã hiểu em không còn là em của 6 năm trước.
Còn đâu người đã bên anh lúc khó khăn nhất, còn đâu người sẵn sàng chia sẻ chút tiền còm để giúp anh lúc phá sản, còn đâu người đã đưa cả chiếc xe máy để anh đi khi chưa cưới nhau?
Em cứ hỏi anh cần gì ở em nữa, em phải làm gì? Anh chỉ cần em là em của ngày xưa, hiểu và cảm thông cho chồng, hoàn thành tốt nghĩa vụ của người vợ. Để anh có lòng tin lúc anh ngã xuống thì có bàn tay tin cậy của vợ ở bên để anh dũng cảm tiến lên phía trước. Để anh tin rằng ngay cả khi anh mất hết tất cả thì vẫn còn người vợ bên cạnh mình.
Anh cũng không biết em có đọc và hiểu hết được những gì anh nói ở đây không hay không đủ bình tĩnh để đọc hết bức thư này. Với em bây giờ, anh sợ em không đủ bình tĩnh để đọc”.