Thấy nhà của anh, tôi càng nể - một biệt thự bề thế ở trung tâm thị xã. Đang còn ngẩn ngơ với căn nhà, một phụ nữ gầy nhom, mặt đầy nếp nhăn, mặc bộ đồ tôn lửng rộng thùng thình tiến về phía tôi cười rổn rảng: “Anh Huy phải không? Lâu rồi không gặp”. Cứ nghĩ đó là chị giúp việc cho nhà anh, nhưng nhìn nụ cười có chiếc răng khểnh của người phụ nữ, tôi ngờ ngợ nhận ra Lan.
Phát ngượng vì vẻ sửng sốt của mình, tôi liến thoắng: “Lan khỏe không, hai ông bà ăn nên làm ra thế này mà mấy năm chẳng chịu đi họp lớp gì hết”. Anh bảo vợ làm vài món lai rai, Lan dắt chiếc 81 cũ mèm, trên người vẫn là bộ đồ lửng mặc nhà, chỉ thêm chiếc áo khoác để ra chợ.
Thấy ánh mắt ngơ ngác của tôi, anh thở dài: “Cậu cũng thấy lạ phải không. Tính Lan nào giờ vẫn vậy, qua loa đến không chịu nổi. Làm bà chủ mà trông còn thua cả cô công nhân trong xưởng”.
Anh kể, lúc mới ra trường anh xin được việc ở phòng văn hóa, Lan làm thủ thư. Lương ba cọc ba đồng nên rất khổ, nhiều lúc không tiền mua sữa hộp cho con, phải mua sữa xá bú đỡ. Gần đó có công ty Đài Loan, chuyên sản xuất đồ gia dụng làm từ lục bình, Lan tập đan lục bình rồi nhận hàng về làm. Anh thì tranh thủ giờ tan sở, lội sông cắt lục bình phơi khô cho vợ đan. Lan khéo tay, hàng làm ra sắc sảo, lại tự chế ra nhiều mẫu mới nên được ông chủ mời vào công ty phụ trách khâu kỹ thuật. Có thêm thu nhập, hai vợ chồng mới thoát được cảnh thiếu trước hụt sau. Mấy năm sau, ông chủ Đài Loan vì việc riêng phải bán xưởng, anh và Lan liều mạng cầm sổ đỏ, vay tiền hai bên nội ngoại mua lại công ty. Lên làm chủ nhưng vợ chồng anh vẫn ngày ngày cùng công nhân làm hàng, tạo mẫu mới. Công việc làm ăn phát triển, anh mở rộng nhà xưởng, sắm xe, mua biệt thự… Lan giờ ở nhà nhưng vài ba ngày lại vào công ty, giám sát công nhân, nhặt nhạnh từng cọng lục bình rơi, mẩu tre thừa…
Anh than, giờ thảnh thơi rồi mà Lan chẳng chịu đi đâu, cũng không sắm sửa gì. Đối tác mời ra nước ngoài tham quan, sẵn tiện du lịch cho biết đó đây, Lan tham công tiếc việc, sợ tốn tiền, nên cứ ngồi nhà. Anh bảo, nhiều khi tức đầy ruột, phải nghèo khó cho cam, có tiền thì phải biết hưởng thụ, quý trọng bản thân mình chút. Nhưng, Lan vẫn cứ vậy khiến anh nản, đi đâu cũng không dám dẫn vợ theo.
Ngẫm lại, thấy vợ tôi sao mà giống Lan. Hồi còn nghèo khó, nhờ vợ khéo thu vén nên không đến nỗi thiếu hụt. Mấy năm nay tôi vào làm ở một công ty nước ngoài nên thu nhập khá, vợ chồng tôi đã mua được nhà, sắm được xe. Khá giả rồi nhưng vợ tôi vẫn tằn tiện từng đồng. Rủ đi ăn nhà hàng, đi du lịch là vợ tôi giãy nảy, sợ tốn tiền. Bảo mua quần áo mới thì nói chẳng đi đâu, sắm chi lãng phí. Lý lẽ của vợ là còn lo nuôi con học đại học, lo sau này cưới dâu, lo tiền dưỡng già… Lắm nỗi đa đoan như thế, e là tới già vợ tôi cũng không biết nơi nào khác ngoài Sài Gòn, chẳng biết mùi vị món ngon ra sao.
Nhớ câu ca dao xưa: “Con cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”. Người xưa hay ví phụ nữ là con cò, vì tính cần mẫn, chịu khó. Nhưng vừa gánh vừa khóc nỉ non thì xem ra thân cò cơ cực lắm, tủi phận lắm, dẫu có là thiên chức, có là tình nguyện. Đó là chuyện của ngày xưa, là biểu tượng ca ngợi đức tính hy sinh cho chồng con của người phụ nữ Việt.
Thời nay, khi cuộc sống đã dư gạo dư tiền, những người phụ nữ như Lan, như vợ tôi sao không biết chăm chút cho mình, đổi hết lớp áo cũ cho nở mày nở mặt, cho bõ những ngày còng lưng gánh gạo? Những “con cò” ấy hẳn không ít lần khao khát được sống cho mình, được hưởng những điều mà chính họ đang dành cho chồng con. Họ có biết chồng mình dẫu trân trọng sự hy sinh, chịu khó ấy nhưng không hề muốn vợ mình đầu tắt mặt tối đến quên cả bản thân; khiến cho thân cò vốn mỏng manh, yếu đuối trở thành nhàu nhĩ trong mắt chồng. Những người-vợ-cò ấy có biết nhiều ông chồng rất bực cái tính “cò” của vợ, muốn vợ phải thương lấy thân? Vậy mà…