Ngày Trung đưa Chi về ra mắt, mọi người ở quê hào hứng đón chào như một sự kiện lớn. Vì đã 35 tuổi mà lần đầu tiên anh mới chịu đưa bạn gái về nhà. Vừa bước chân vào nhà, cả nhà còn chưa kịp thở phào vì trông Chi khá cao ráo và xinh xắn thì tiếng khàn khàn của Chi đã vang lên: “Dạ, cháu chào hai bác, em chào các anh chị, cháu tên là Chi, bạn gái của anh Trung ạ. Giọng cháu nó khàn khàn thế này là do bị di truyền đấy, ông nội cháu giọng khàn, bố cháu giọng khàn, giờ đến cháu cũng thế ạ….”.
Thế là Chi cứ thao thao bất tuyệt để giải thích về giọng nói của mình, cả nhà ai nấy đều im thin thít nghe Chi nói. Mọi người nghĩ rằng Chi là cô gái vui vẻ và dễ gần nên mừng lắm. Hôm đó nhà Trung có đám giỗ nên mọi người thịt hẳn một con lợn để cả họ đến cùng tổ chức ăn uống. Chi cũng lăng xăng chạy qua chạy lại nấu nướng và nhặt rau. Ngồi cạnh chị gái Trung, Chi ra vẻ thân tình góp ý: “Chị ơi, em bảo thật chị cười ít thôi, răng chị vổ quá, cười nhiều thế chồng chị anh ấy ngại đấy”. Chị gái Trung mặt mày tím tái chẳng biết nói câu gì…
Đến bữa ăn, Chi được ngồi gần mẹ chồng, vừa thấy chị gái của Trung gắp cho bà mấy miếng lòng lợn - món bà thích, Chi oang oang: “Ối giời, chị gắp cho bác ăn ít lòng lợn thôi, nhiều Cholesterrol lắm đấy, tuổi già rồi, ăn càng đơn giản càng tốt, ăn lắm rồi lại bị bệnh tật thì khổ con khổ cháu chị ạ”. Rồi Chi lại nhìn thấy bà bác của Trung đang ngồi gần ra chiều thông cảm bảo: “Bác năm nay mới có 52 mà nhìn già nhỉ? Đứng cạnh bác trai có khi nhìn như hai chị em ấy, ai lại còn kém tuổi mẹ cháu mà tóc đã trắng đầu thế kia bao giờ”. Cả nhà đờ người ra không ai nói gì thêm nữa, bữa ăn gượng gạo hẳn đi.
Từ đấy Trung ngại, ít khi đưa Chi về gia đình cho dù mọi người thỉnh thoảng có nhắc đến. Rồi đám cưới của Trung vẫn diễn ra, mọi người vẫn băn khoăn về tính vô tâm, vô duyên của Chi nhưng vì Trung lớn tuổi quá rồi, mọi người ngại ngăn cản, sợ rồi Trung chán, chẳng lấy vợ nữa.
Nhưng sống với nhau rồi, Trung mới biết sự vô tâm của Chi trong lời ăn tiếng nói và hành động nó làm cho anh mệt mỏi thế nào. Có lần anh đi ăn ngoài về và bị đầy bụng, Chi biết là do Trung ăn ngoài đường về, anh bảo cô đi nấu cho anh một cốc nước gừng để anh uống cho bớt đầy bụng, vì ngày bé mẹ vẫn hay làm thế cho anh, Chi chép miệng: “Mẹ anh chỉ khéo vẽ chuyện, đầy bụng thì ra bồn cầu móc một lúc cho nôn hết ra là khỏi đầy chứ làm sao mà phải uống nước gừng”. Trung giận lắm, anh ôm bụng đi nấu nước mà không nói với Chi thêm một câu nào, còn Chi thản nhiên nằm ôm máy tính lướtfacebook và chat với bạn bè. Bao nhiêu lần Trung đã góp ý với Chi là cần nghĩ trước khi nói, nhưng cô không chấp nhận thay đổi, cô bảo mình vốn chẳng có tâm ý gì khi nói nên ai muốn hiểu thì hiểu, chẳng hiểu thì thôi. Trung lắc đầu ngao ngán với tính bảo thủ của vợ.
Một lần khác, mẹ chồng phải bị đau ruột thừa và mổ cấp cứu ở bệnh viện tỉnh. Đêm đó, khi Trung nhận được điện thoại, anh vội vàng gọi vợ để sắp xếp đồ đạc về quê thăm mẹ. Chi vừa ngáp vừa nói: “Làm gì mà anh cứ cuống lên thế, mẹ mổ ruột thừa chứ có chết được đâu mà phải lo, cứ thong thả mà về, nhà thiếu gì người mà phải vội”. Trung chết đứng nhìn Chi, anh không nói không rằng tự mình ra luôn bến xe và bắt xe về quê mà không đi với Chi nữa. Mẹ Trung ra viện bình an vô sự. Chi gọi điện về hỏi thăm, biết tin bà đã khỏe, cô bô bô nói với mẹ chồng qua điện thoại: “Đấy, con đã bảo nhà con mà anh ấy không tin, mẹ chết được đâu mà phải lo”. Mẹ chồng ngán ngẩm lắc đầu, Trung chỉ biết cúi gằm mặt xuống mà không dám nói câu gì.
Ba tháng sau bố chồng bị ung thư dạ dày, vừa nhận được kết quả, mẹ Trung đã khuỵu xuống vì sốc. Bà đang nước mắt ngắn nước mắt dài thương chồng mình thì Chi ráo hoảnh: “Con đã nói trước rồi mà bố mẹ có nghe đâu, đã bảo tuổi già rồi ăn ít thôi, giờ đồ ăn cái gì cũng có hóa chất, ăn lắm vào hỏi làm sao mà chả ung thư cơ chứ”. Đến lúc này Trung không chịu nổi nữa, anh lôi xềnh xệch vợ mình về nhà, và hôm sau anh đã bỏ về quê để chăm bố.
Chẳng biết Trung đi rồi, ở một mình trong nhà Chi có thấy áy náy về những câu nói vô tâm và thiếu tình người của mình không.