Đàn ông được nuông chiều, dung dưỡng sẽ nảy sinh những thói xấu. Và sau đó lại diễn ra cuộc tranh cãi đùn đẩy trách nhiệm giữa những người xung quanh.
Đàn ông hư tại mẹ
Ngay từ hồi mới về làm dâu nhà, chị Thùy đã thấy lạ vì những người đàn ông trong nhà, từ bố chồng đến chồng và hai chú em hầu như không bao giờ đụng tay vào việc gì trong nhà. Nghe nói trước đây, từ chợ búa, giặt giũ quần áo đến nấu nướng, lau dọn nhà cửa... đều một tay mẹ chồng làm. Và vì thế, chị cũng dần lý giải được tại sao mỗi lần nhờ vả chồng việc gì, cô thấy ngay mẹ anh tỏ vẻ rất khó chịu. Đến cả bữa ăn, những gì ngon lành nhất cũng là để cho những người đàn ông, còn hai người đàn bà là mẹ chồng và Thùy "ăn gì chả được". Anh Thành cũng là người thương vợ. Mỗi lần thấy chị làm gì, anh định giúp nhưng lại ngại mẹ.
Rồi hồi Thùy sinh em bé được 5 tháng, công việc ở cơ quan nhiều, con lại hay quấy khóc, anh Thành xung phong giúp vợ vợ giặt quần áo. Có hôm, bà mẹ nhìn thấy liền hốt hoảng: "Ối giời ơi, có mấy cái quần bé tí mà cũng phải đến tay chồng. Con để đấy, tí nó làm, vào nghỉ đi, cả ngày làm mệt rồi, không phải đụng đến cái gì hết". Thùy ấm ức: "Mình cũng cả ngày vất vả chứ có chơi đâu. Đi làm về lại cho con ăn, dọn dẹp nhà cửa, chỉ muốn chồng chia sẻ chút thôi chứ có gì nặng nhọc đâu...". Lần khác, thấy anh Thành cho con ăn, bà cũng vội chạy vào: "Cái Thùy đâu mà để bố phải đút bột thế này. Thôi, đi ra đằng khác để mẹ làm cho".
"Đấy, bây giờ làm bố rồi mà anh ấy có biết làm gì đâu. Nhiều khi mình thấy mệt mỏi quá mà cũng chẳng dám lên tiếng nhờ vả gì. Không biết còn chịu được cảnh này bao lâu nữa", chị Thùy tâm sự.
Đàn ông hư tại vợ
Chị không phải người hiền lành. Nhưng từ ngày chồng bị tai nạn giao thông và phải nghỉ việc ở nhà, chống nạng đi quẩn quanh thì chị nhin chồng như nhịn cơm sống, chỉ sợ chồng mặc cảm “ăn theo” vợ.
Từ một người cưỡi xe phân khối lớn đi dọc ngang đông – tây – nam – bắc, bây giờ ngồi nhà cãi nhau với đài, báo, tivi, lão chồng trở nên cáu bẳn và lao vào rượu để giải khuây. Mỗi lần say (hoặc viện cớ say) lão đem tất tật vợ con, nội ngoại ra chửi. Vợ đi làm về muộn – chửi. Con nấu cơm nát – chửi. Hàng xóm bật tivi to khiến lão không ngủ được – chửi.
Anh chị em, bạn bè, họ mạc thấy chị cứ nhũn như chi chi thì xót ruột thay. Mụ bảo chắc kiếp trước mình xù nợ nên bây giờ phải “kéo cày” bù lại. Rồi một ngày, khi cả hai đứa con về thăm bà ngoại, lão lại lôi rượu ra và bắt đầu chửi. Thấy mụ vợ lầm lũi, nhẫn nhịn như cái bóng thì lão nổi đóa: “Á à, mày dám khinh thằng này à? Ít nhất tao nói thế thì mày cũng phải cất cái mồm lên mà cãi giả một tiếng chứ? Mày coi tao là liệt sĩ à? Hôm nay tao sẽ đi mua một cân thuốc nổ cho nổ tung cái nhà này lên…” Đến nước này thì con mèo nhung đã dựng bờm lên thành sư tử. Chị quẳng ngay một tập tiền ra trước mặt lão chồng và gầm lên ngang ngửa: “Tiền đây, mày cầm đi mua luôn hai cân. Hôm nay con tao không có nhà, tao với mày cùng chết. Mày tưởng tao ham sống lắm hả? Tao đã chết từ cách đây mười năm, khi mày đâm xe vào người ta và tao phải bán tất tật nhà xưởng để đền bù cho mày khỏi phải ngồi tù rồi”. Lão chồng đang ở thế tấn công, lần đầu tiên thấy vợ “cong ăn cong, thẳng ăn thẳng” thì ớ ra. Từ đấy, trật tự, kỷ cương trong nhà được lập lại. Lão chồng tuy chưa cai được rượu, nhưng mỗi lần phê phê, thấy vợ về là lẳng lặng bỏ vào trong phòng. Hai đứa con yên tâm ngủ ngon, không lo nửa đêm bố dựng mẹ dậy nghe chửi.
Vậy đàn ông hư tại ai? Những cuộc tranh luận kiểu này chả bao giờ đi đến hổi kết. Lý thuyết nào cũng tìm thấy đầy các thí dụ hùng hồn trong thực tế. Nhưng tất cả các bà mẹ và các cô vợ đều không ai chịu thừa nhận sai lầm của mình.