Lúc còn nhỏ, tôi thường phải nghe lời bà nội cằn nhằn rằng “con gái học giỏi chỉ tổ ế chồng”. Lúc đấy không hiểu chuyện gì, tôi chỉ cười trừ nghĩ bà nội cổ hủ, ngày nay làm gì còn có chuyện đó nữa. Con gái càng giỏi thì tương lai mới có thể cưới được người chồng giỏi giang hơn mình chứ. Và thế là tôi kiên trì theo đuổi con đường của mình. Từ khi học cấp 2, tôi luôn đứng đầu trường, đến khi tốt nghiệp đại học thì được học bổng sang Mỹ.
Ngay sau khi du học về nước, với CV tốt, tôi được nhận ngay vào một công ty nước ngoài với mức lương khá cao và sau nửa năm thì được đề bạt lên vị trí trưởng phòng. Đáng nhẽ ra tôi đã có một cuộc sống hoàn hảo nếu như tôi không sinh ra và lớn lên là người Việt Nam và quả thật, tương lai của tôi đang bị nhấn chìm trong cái quan niệm cổ hủ với những anh chàng người Việt “không thể chịu nổi”.
Khi còn du học bên Mỹ, tôi từng yêu một người bạn nước ngoài cùng trường. Anh ấy rất ga lăng và chúng tôi luôn chia sẻ được cùng nhau mọi vấn đề. Tuy nhiên, bố mẹ tôi sợ “mất con” nên ngay khi tôi vừa tốt nghiệp, mẹ tôi đã nhanh chóng sang tận nơi bắt tôi chia tay và trở về. Sau gần 1 năm thì tôi cũng nguôi ngoai chuyện cũ, trước sức ép chồng con của gia đình và bản thân cũng muốn tìm một ai đó để yêu, tôi cũng bắt đầu chủ động để ý những người con trai xung quanh mình. Nhưng quả thật, con trai Việt Nam bây giờ kỳ cục đến mức tôi không thể chịu đựng nổi.
Môi trường công ty nước ngoài lại toàn người trẻ trung nên trong công ty tôi có khá nhiều anh chàng “nhắm tới được”. Tôi cũng có để ý một anh và tấn công anh ta bằng cách nhắn tin và mời đi ăn ở một nhà hàng sang trọng bậc nhất Hà Nội. Sau khi ăn xong, tôi đi vệ sinh ra thì thấy anh ấy nhìn hóa đơn với vẻ mặt rất căng thẳng nên tôi giành việc trả tiền. Tôi nghĩ rất đơn giản vì tôi vừa là sếp của anh ta, thu nhập lại cao gấp đôi, người nào có tiền thì trả thôi, có gì quan trọng đâu. Thế mà sau hôm đấy, anh ta trở nên lạnh nhạt, tránh mặt tôi như thể tôi đã gây ra tội lỗi gì. Dò hỏi mọi người tôi mới biết anh ta tâm sự rằng tôi chỉ thích chứng tỏ rằng tôi giàu có hơn anh ta rồi cưới tôi về thì chỉ tổ bị đè đầu cưỡi cổ, có “bà sếp” trong nhà chẳng coi chồng ra gì. Tôi nghe mà thấy buồn cười. Lúc tôi yêu người bạn bên Mỹ, tôi đi làm thêm có thu nhập khá, chúng tôi đi chơi thì vẫn share tiền, kể cả tôi trả tiền toàn bộ cũng có làm sao đâu.
Lần thứ 2 là một anh chàng con của bạn bố mẹ tôi. Lần này tôi quyết định cuộc hẹn hò đầu tiên không liên quan đến ăn uống nữa, chúng tôi cùng đi xem phim rồi đi shopping mua một ít đồ mà tôi cần. Mọi chuyện vẫn tốt đẹp cho đến khi chúng tôi cùng nhau đi shopping. Như thói quen bình thường, tôi mua đồ theo những gì mình thích, tôi có tiền, sao lại phải cân đo đong đếm chuyện mua cái gì, không mua cái gì. Lúc đầu anh ta nói “em thích gì cứ chọn đi, anh mua tặng hết”. Đến lúc tôi chọn một cái túi Gucci thì anh ta nhăn mặt tỏ ý không vui. Dù hơi khó chịu nhưng tôi vẫn rút ví ra trả tiền bình thường. Sau đấy tôi chủ động trả hết. Thế mà kết thúc cuộc hẹn hò đấy, anh ta về nói với bố mẹ là không thể quen tôi vì “không nuôi nổi người vợ tiêu tiền không biết nghĩ”. Tôi thấy đàn ông Việt thật kì quái. Họ vừa muốn tỏ vẻ, tự đòi mua đồ tặng cho con gái, sau đấy lại trách chúng tôi tiêu tiền không biết nghĩ. Nếu không có tiền thì thôi, tôi đâu cần ai nuôi tôi đâu.
Lần thứ 3 mới là chuyện bi hài nhất trên đời, người đàn ông này hơn tôi 5 tuổi, đang làm chủ một cửa hàng quần áo. Tôi cũng không quan tâm đến anh ấy làm nghề gì vì điều đó đâu có quan trọng. Nhưng từ lần đầu tiên gặp nhau, anh ta liên tục nói đi nói lại với tôi câu này: “anh không biết tiếng Anh nên anh không thích ai nói tiếng Anh trước mặt anh dù em có đi du học ở đâu về đi nữa.” Thật buồn cười, khi tôi yêu người Mỹ, anh ta chẳng bao giờ cấm tôi nói tiếng Việt chỉ vì “anh không hiểu”. Ngược lại, anh ấy luôn cố gắng hiểu ngôn ngữ của tôi bằng mọi cách. Còn đàn ông Việt Nam thì luôn cho mình cái quyền “được cấm” con gái làm những gì mà họ không thích. Sau đấy, anh chàng kia liên tục đưa cho tôi những “quy định” mà theo anh ta là chuẩn mực như: “việc trong nhà thì đàn bà phải lo hết, anh thích thì giúp, không thích thì thôi”; rồi đến “nếu chúng ta cưới nhau, em phải nghỉ việc ở đây, quen làm sếp ở công ty rồi về nhà cũng đòi làm sếp à…”. Lần này thì đến lượt tôi chạy mất dép trước đống quy định của anh chàng này.
Mọi người thường hay đùa tôi là giỏi quá nên không ai dám yêu. Mỗi lần như thế tôi đều cay đắng nghĩ, nếu tôi không phải người Việt Nam, nếu tôi không phải chịu đựng những người đàn ông phong kiến ở đây thì dù tôi có giỏi hơn như thế này, chắc chắn đã có người yêu lâu rồi. Nhiều lúc nhìn mẹ tôi rồi những người bạn đã lấy chồng người Việt, tôi vừa thấy sợ lại vừa thấy thương cho con gái Việt. Họ thông minh nhưng phải tỏ ra khù khờ, họ giỏi giang nhưng lại phải giấu mình đằng sau lưng đàn ông. Tất cả chỉ vì những người con trai trong nền văn hóa Việt Nam luôn tự cho mình có quá nhiều quyền, có quá nhiều thứ phải “hơn người”. Cái gì họ cũng muốn mình là nhất nên họ không dám yêu một người con gái giỏi hơn mình.
Giờ đây cả nhà tôi đều liên tục lo lắng đến việc chồng con của tôi. Mọi người trong họ thì thi nhau lấy tôi ra “tấm gương” rằng “con gái cứ ngu một tí cho dễ lấy chồng” khiên tôi vừa tủi thân lại vừa bực bội. Đây đúng là chuyện nực cười “chỉ có ở Việt Nam” mà.