Ai cũng nói tôi may mắn vì lấy được một tiểu thư con nhà giàu lại xinh đẹp làm vợ. Trong khi đó, nhà tôi nghèo và phải chạy ăn từng bữa. Đến giờ, tôi cũng không thể hiểu được tại sao em lại chọn tôi trong khi có hàng tá các anh chàng công tử theo đuổi.
Sự chênh lệch về kinh tế có thể thấy rõ trong đám cưới. Khi nhà vợ "đắp vàng" lên người con gái trong ngày cưới thì mẹ tôi chỉ có hai chỉ vàng tặng con dâu. Lúc đó, tôi cảm thấy xấu hổ hơn là tự hào khi lấy vợ giàu.
Sau khi kết hôn, tôi chấp nhận ở rể. Vì nhà tôi ở quê không tiện cho công việc. Hơn nữa, nhà vợ vừa rộng lại neo người. Vợ chồng tôi cũng chưa có nhiều tiền để có thể ra ở riêng. Dù biết là sẽ mang tiếng là "ăn bám" nhà vợ nhưng tôi đành phải chấp nhận điều đó.
Bố mẹ tôi lặn lội từ quê lên thành phố ăn Tết để gần con cháu (Ảnh minh họa)
Trong khi tôi loay hoay với công việc "giời ơi đất hỡi" và thường xuyên chuyển chỗ làm thì vợ lại kiếm được rất nhiều tiền. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng vợ tôi đã làm quản lý cho một công ty của Nhật chuyên về xuất khẩu đồ gỗ. Thu nhập của tôi chẳng thấm vào đâu so với số tiền vợ mang về. Tôi cảm thấy nhục khi số tiền mình làm ra không đủ trang trải sinh hoạt cá nhân, thậm chí có tháng phải xin thêm tiền vợ.
Biết được điều này nên nhà vợ ngày càng khinh thường con rể. Đôi lúc tôi cảm thấy mình như một "phế nhân" vô dụng trong gia đình này. Điều khiến tôi đau lòng là vợ cũng dần bị "nhiễm" tư tưởng của bố mẹ. Cô ấy không còn ngọt ngào như lúc mới yêu nữa. Đôi lúc vợ tôi còn như ra lệnh và chì triết chồng: "Có thế mà anh không làm được nữa à", "Tôi làm cả ngày mệt mỏi mà nhờ có thế anh cũng thái độ à", ... Vì biết mình mang phận "ở nhờ" nhà vợ nên tôi cắn răng chịu đựng. Tôi không muốn to tiếng chửi mắng vợ mình để bố mẹ nghe tiếng.
Lấy nhau được hai năm thì vợ tôi sinh em bé. Vì sinh con vào những tháng cận Tết và phải kiêng cữ nên cô ấy không về quê được. Bởi vậy năm hết Tết đến, bố mẹ tôi muốn lên thành phố đón năm mới cùng con cháu. Khi nói ra điều này, vợ tôi tỏ ra không hài lòng lắm. Nhưng tôi tin vợ mình vẫn biết cư xử phải phép với bố mẹ chồng.
Hôm đó, nhà vợ tôi đón tiếp thông gia bằng thái độ khinh khỉnh. Khi thấy bố mẹ chồng lên, vợ tôi hô người giúp việc cất đồ đạc cẩn thận vì: "Lỡ trong nhà mất đồ gì mà nghi cho ông bà thì tội lắm". Thấy vậy, bố mẹ tôi buồn lắm nhưng vẫn cố tươi cười. Khi lên thăm con, bố mẹ tôi có đem theo cặp gà nhưng nhanh chóng bị vợ đem ra nhà hàng nhờ họ sơ chế vì sợ nhốt ở nhà bẩn.
Đọc xong lời nhắn của bố mẹ mà tôi cảm thấy vô cùng đau đớn (Ảnh minh họa)
Dù là hàng thông gia nhưng bố mẹ tôi được tiếp đón như người dưng vậy. Quá quắt hơn là nhà vợ không muốn cho ông bà nội đụng vào cháu vì sợ thằng bé bị "bẩn" sẽ ốm. Bởi vậy, mẹ tôi bế cháu chưa ấm tay đã bị bố vợ đòi lại. Bởi vậy, bố mẹ tôi chỉ biết ngậm ngùi nhìn cháu từ xa. Bố mẹ tôi không biết dùng đồ công nghệ nên thấy tã hay đồ con dâu bẩn đã đem đi giặt tay. Lúc sau vợ tôi chê mẹ chồng giặt bẩn và cho hết vào máy giặt lại.
Trước đêm Giao thừa một hôm, bố mẹ tôi đã không chịu được mà phải về quê. Khi tôi đi mua đồ về đã thấy bố mẹ đã đi từ lúc nào. Bố mẹ tôi trước lúc về để lại bức thư viết: "Mẹ thấy ở trên này không hợp nên về quê cho thoải mái con ạ. Con ở lại giữ gìn sức khỏe. Tết vợ và cháu không về được thì con cố gắng thu xếp về quê vui Tết cùng bố mẹ nhé". Đọc xong, nước mắt tôi trào ra trong vô thức. Tôi có cảm giác mình vừa đau đớn vừa bất lực. Không biết tôi còn có thể nín nhịn và chịu đựng vợ đến bao giờ nữa.