Nhung (Quận 3, TP HCM) là một tiểu thư chính hiệu. Gia đình Nhung không hẳn là quá giàu có nhưng cô là con gái út nên rất được chiều. Con gái lớn hai mươi mấy tuổi đầu nhưng Nhung không hề phải động tay vào việc gì. Việc to việc nhỏ trong nhà đều có mẹ và ô sin làm hết.
Yêu Nhung, biết mười mươi cô chẳng hề đảm đang, tháo vát nữ công gia chánh nhưng Hùng tin rằng học là biết thôi, chẳng phải là vấn đề gì to tát.
Hùng nghĩ thế cũng không sai, nhưng không thành vấn đề chỉ là với những người phụ nữ có tinh thần cầu tiến, sẵn sàng học hỏi. Còn như Nhung, lối sống tiểu thư, chảnh chọe đã ăn vào máu cô rồi, khó bề mà thay đổi được.
Ngày đầu tiên về làm dâu, Nhung đã khiến cho cả gia đình nhà chồng và Hùng choáng váng khi của cô nhìn đồ đạc trong nhà rồi phán “xanh rờn”: “Mẹ ơi, thời này ai còn dùng những đồ này nữa ạ! Vừa cổ hủ, vừa không tiện nghi gì cả. Bên nhà con là con bắt mẹ con thay hết rồi, không thì lúc mời khách đến chơi nhà, xấu hổ chết!”.
Thế là cái gì trong nhà thay được là cô thay hết, sao cho phải "sang chảnh" toàn tập mới được. Cái nồi cơm điện mẹ chồng vừa mua được mấy tháng cô cũng cho nó “nghỉ hưu” trước thời hạn để tậu về loại hiện đại và sành điệu hơn. Tủ lạnh vẫn còn dùng ngon nhưng cô chê bé tí, phải loại hơn 500 lít mới oách trong khi ấy cả nhà tổng vị chi có 4 người.
Bố mẹ chồng Nhung chưa hết hãi hùng thì cô lại đưa ra đề nghị mới, đó là thuê ô sin. Hùng thấy hơi ngượng với bố mẹ, nên nói khéo với vợ: “Đợi khi nào sinh bé thì đưa bác sang em ạ. Nhà mình có việc gì đâu, mẹ đã nghỉ hưu nên làm được gì thì mẹ sẽ làm giúp em, tối về em vào bếp nấu bữa cơm, dọn dẹp qua loa nhà cửa để cả nhà vui vẻ. Có gì anh cũng sẽ xắn tay vào giúp em!”.
“Anh vẽ chuyện. Cái thời nào rồi mà cứ phải con dâu tự tay cơm nước. Những nhà cao sang họ đều thuê ô sin ‘cân’ hết cho nhàn thân! Anh yên tâm, lương ô sin em sẽ trả!” - Nhung gạt đi.
Ngán ngẩm với suy nghĩ của cô con dâu sang chảnh, lấy chồng nhưng không muốn làm vợ, làm dâu, bố mẹ Hùng liền “đuổi” 2 người ra riêng. Nhung mừng như có hội. Hùng thì méo mặt, khóc thầm trong lòng.
Ước mơ nhỏ nhoi là được vợ vắt cho cốc nước cam, nấu cho món ăn anh yêu thích hay đơn giản là ủi cho anh cái áo thôi mà sao xa vời quá. Bác giúp việc nấu ngon thật đấy nhưng nếu chỉ là được ăn ngon thôi thì anh đi ăn hàng cho nhanh.
Rồi thì nhiều hôm anh phải ăn cơm một mình do Nhung còn bận đi sắm đồ hiệu đang sale, đi spa làm đẹp. Nhà có 2 người, muốn đợi cô về ăn cơm cho có vợ có chồng thì Nhung hớn hở khoe trong điện thoại: “Em vừa lựa được cái áo khoác sành điệu lắm. Giờ còn phải đi đổi màu sơn móng tay không thì không theo kịp xu hướng mất!”.
Lại nói đến chuyện ăn mặc. Không phải đồ hiệu Nhung nhất quyết không mặc. Hễ nhìn thấy ai mặc đồ rẻ tiền là Nhung bĩu môi mỉa mai: “Đồ nhà quê!”. Hùng đến não lòng với cô: “Áo cà sa không làm nên thầy tu đâu em ạ!”. “Thật không? Em nói cho anh biết nhé, thầy tu mặc áo cà sa hàng hiệu chắc chắn vẫn được trọng vọng hơn áo cà sa rẻ tiền!” - Nhung phản bác.
Ngày nào Nhung cũng dậy từ rất sớm nhưng cô chưa bao giờ nấu cho chồng được bữa ăn sáng nào. Bởi cô còn bận trang điểm, làm đẹp, thử hết bộ váy này đến bộ váy khác. Nhiều hôm, Hùng đã ăn sáng xong xuôi mà vợ vẫn còn loay hoay trước tủ quần áo.
Thế là hôm đó, Nhung vác bụng đói đi làm. Hùng đã bao lần nhắc vợ về vấn đề này, nào là kiểu gì cũng phải ăn sáng đã, để đảm bảo sức khỏe, nào là em đi làm chứ có phải đi dự tiệc đâu, có cần thiết phải trang bị kĩ càng thế không?
“Anh không biết em có danh hiệu gì ở công ty à? ‘Nữ hoàng sang chảnh’ đấy anh ạ! Em phải thể hiện sao cho xứng với cái danh hiệu ấy chứ! Bụng lép kẹp vì chưa ăn sáng cũng chẳng ai biết, nhưng mặc xấu là cả công ty chúng nó nhảy xổ vào khinh thường ngay!” - Nhung thản nhiên. Còn Hùng líu lưỡi trước lí do vợ đưa ra. Anh chẳng bao giờ nghĩ, cái sự làm đẹp nó lại được nâng lên đến mức sống còn như thế.
Hôm rồi về quê nội ăn giỗ, Hùng lại được một phen muối mặt với láng giềng, họ hàng gần xa. Chung quy cũng chỉ bởi cái sự ưa sang chảnh của Nhung.
Nhìn nhà cửa cũ kĩ và đồ đạc đời cổ, Nhung cười như nắc nẻ: “Bây giờ vẫn có người dùng ti-vi đen trắng hả anh? Em tưởng mấy cái đồ này cho vào bảo tàng hết rồi chứ?”. Nhung “mở volume” quá to, thành ra có kha khá người ở đám giỗ cũng nghe thấy. Thế là những lời xì xào Nhung chảnh chọe, kiêu kì, cậy thành phố hiện đại chê người nhà quê thi nhau rộ lên.
Tối ấy, đáng lẽ theo dự định là 2 người sẽ ngủ lại một đêm, sáng hôm sau mới về. Nhưng oái oăm thay, Nhung nhất quyết đòi ra khu trung tâm, tìm khách sạn ngủ chứ không ngủ lại nhà họ hàng.
Cô chê chăn chiếu cũ kĩ, sợ chấy rận. Hùng giận tím mặt, nhưng không thể điều đình được với vợ. Anh đành cáo lỗi có việc gấp, đưa Nhung về ngay trong tối. Ở lại rồi Nhung ra khách sạn ngủ thì anh đúng là không biết giấu mặt vào đâu.
Về đến thành phố cũng khá muộn, 2 người rủ nhau đi ăn đêm. Đến quán sang chảnh quen của Nhung nhưng khách đông, kín hết bàn. Hùng định kéo Nhung đi ăn quán khác mà cô nhất định không chịu, muốn chờ bằng được có bàn trống.
Theo cô, chỉ có quán này mới đủ tầm sang chảnh, ăn ở quán úi xùi thì thà nhịn đói còn hơn. Hùng vừa mệt vì đi đường xa, bụng thì đói meo, thế mà chờ dài cả cổ chưa được gọi đồ ăn. Anh bực tức bỏ về trước: “Anh đi ăn quán khác đây! Em ôm lấy cái sang chảnh ấy mà sống!”.
Thực ra đây chỉ là giọt nước làm tràn ly. Sức chịu đựng của anh với sự sang chảnh của vợ đã đến giới hạn rồi. Nếu Nhung không hiểu ra và có sự thay đổi, anh sợ, anh không thể sống hòa hợp với cô được nữa…