NAM GIỚI » Đàn ông yêu

Ly dị vì vợ ích kỷ và tính toán từng đồng

Thứ hai, 13/04/2015 21:00

Anh mệt mỏi với người vợ lúc nào cũng so đo tính toán từng đồng và vô cùng ích kỷ. Anh chẳng biết mình sẽ cố được bao lâu hay sẽ phải ly dị sớm?

Anh và chị lấy nhau cũng không hẳn vì tình yêu mà phần lớn là do mai mối từ hai bên gia đình. Bố mẹ anh biết chị từ lâu nên quý và muốn chị làm con dâu, còn anh đi học xa nhà từ nhỏ nên cũng chỉ quen biết chị sơ sơ. Đến lúc cả hai trưởng thành, hai bên gia đình đã ngầm nhận nhau là thông gia và vun vén tình cảm cho anh và chị. Anh thấy chị cũng hiền lành biết vun vén cho gia đình, còn chị thấy anh là người tử tế, không lăng nhăng. Đám cưới được tổ chức giản dị với lời chúc phúc từ hai bên gia đình và láng giềng.

Cưới xong, anh chuyển chị lên thành phố để anh tiện công tác. Ban đầu hai người chỉ thuê một căn nhà nhỏ, sau này cả hai tích cóp mua được một mảnh đất ở ngoại thành và xây được căn nhà hai tầng. Đồ đạc sắm sửa trong nhà cho dù chưa đắt tiền nhưng cũng tạm đầy đủ. Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi, hiện tại anh đã không thể chịu đựng được và muốn ly dị vợ.

Anh chẳng phàn nàn quá nhiều về chị, nhưng có một thứ mà khiến anh phiền lòng mãi. Đó là tính ích kỷ và kẹt xỉ của chị. Chị chắt bóp từng đồng từng hào, chẳng bao giờ dám mua sắm gì cho bản thân cũng như trong gia đình. Quần áo của chị cả năm lúc nào cũng chỉ có mấy bộ, mỗi lần muốn mua sắm một bộ mới là chị nâng lên đặt xuống mãi rồi mặc cả, kì kèo khiến mấy bà bán hàng cũng nản không muốn bán cho chị. Chị luôn than nghèo kể khổ để được mọi người cho quần áo cũ.

Lắm khi ra đường anh phát ngại vì nhìn chị quá lôi thôi trong mấy bộ quần áo nhàu nát. Có lúc anh đưa cả triệu bạc cho chị đi làm tóc cho gọn gàng, nhưng rồi anh biết chắc rằng chị lại chọn một quán tóc rẻ tiền và làm cả mái tóc chỉ hết 250 nghìn và số còn lại chị lại cất đi. Và thể nào chị cũng trở về nhà với mái tóc xơ xác và xấu xí.

Anh muốn ly dị người vợ ích kỷ và tính toán từng đồng (ảnh minh họa)

Chị tiết kiệm cho chị đã đành, kể cả anh và con cũng phải gánh hậu quả. Chị chỉ ra chợ khi đã vãn người, lúc đó còn miếng thịt ế nào chị sẽ kì kèo mua với giá rẻ, hoặc vài mớ rau của người bán rong bán vội để về chợ, tất nhiên chị sẽ mua với giá bằng nửa so với buổi sáng. Vì thế bố con anh ít được ăn những đồ ăn tươi, thậm chí chị còn muối cả một âu cà mặn chát để ăn dần phòng những hôm không mua thức ăn do ra chợ đã hết đồ. Chị còn không muốn anh chơi với bạn bè hay ít liên lạc với người thân để đỡ bị nhờ vả tốn tiền.

Chẳng những chị mà bố con anh cũng chỉ có mấy bộ quần áo cũ kĩ và sờn chỉ. Mà nào có phải nhà anh nghèo khổ quá gì, tiền lương hàng tháng của anh cũng được hơn chục triệu, cộng với tiền lương của chị nữa, mà nhìn bố con anh trông chả khác gì nông dân. Nhiều lúc đồng nghiệp nhìn anh ngán ngẩm với chiếc thắt lưng đã sờn, đôi giầy suýt há mõm. Họ đâu biết rằng toàn bộ số tiền của anh đã bị chị tịch thu chỉ vài tiếng sau khi anh lĩnh lương. Anh đã cố thông cảm rằng vì chị tiết kiệm nhưng nhìn nhà anh lúc nào cũng khổ sở khiến anh chán nản.

Anh không biết mình có nên tiếp tục hay dừng lại với người vợ trong đầu chỉ nghĩ đến tiền (ảnh minh họa)

Bố mẹ anh lên chơi, chị nhăn nhó suốt ngày vì phải chi tiêu thêm tiền ăn tốn kém, đôi lúc chị mở thùng gạo ra than gạo nhanh vơi, chị than nước mắm dầu ăn vừa mới mua đã hết, chị than tháng này lại phải trả thêm bao nhiêu là tiền điện… Bố mẹ anh nhiều lúc tính hay quên, cứ ra vào nhà vệ sinh lại quên tắt điện, chị cằn nhằn: “Bố mẹ anh đúng là con nhà lính tính nhà quan, chả phải trả đồng tiền điện nào nên sẵn thật, ở nhà con trai mà cứ như ở khách sạn ấy, ai mà đi theo tắt điện suốt ngày được”. Anh đã giải thích với chị, nhưng quan trọng là không phải chị khó chịu về hành vi của bố mẹ chồng, mà chị xót tiền. Tính kẹt xỉ đã làm cho đầu óc chị chỉ mụ mị quẩn quanh với tiền bạc.

Rồi các cụ cũng biết chị khó chịu nên thu xếp về quê sớm, chị chẳng cho bố mẹ chồng đồng nào rồi anh lại phải vay tạm bạn bè mấy trăm để đưa cho bố mẹ trả tiền xe. Anh kêu bắt taxi cho bố mẹ ra bến xe cho đỡ mệt thì chị gạt đi bảo: “Anh chở bố mẹ ra bến xe bằng xe máy ấy, làm gì đã đến mức què quặt đâu mà đi taxi”. Anh trừng mắt nhìn chị, bố mẹ anh lủi thủi lên xe con trai chở về, nhưng hôm đó vừa ra ngoài ngõ được một đoạn thì anh bị công an bắt vì chở ba và bị phạt tiền. Gọi về cho chị, chị chẳng hỏi han được câu nào, vừa nghe anh nói bị công an phạt mất tiền là chị rống lên: “Giời ơi, anh ngu thì ngu vừa thôi chứ, sao không xuống xe mà xin lại đi nộp phạt, tháng này hết bố mẹ anh hành rồi lại đến anh hành tôi, tôi cắt hết, cho bố con anh nhịn ăn luôn để biết mặt”.

Anh đưa bố mẹ ra bến xe, mẹ anh chỉ nắm tay anh rồi ngậm ngùi: “Mẹ xin lỗi con, ngày xưa mẹ muốn con cưới vì tưởng rằng có người vợ chu đáo tiết kiệm, không ngờ lại làm con khổ thế này, thôi thì con muốn quyết định ra sao tùy con”.

Trở về nhà, thấy vợ anh đang kể tội anh với hàng xóm về tội bị công an phạt. Chị luôn mồm chửi anh là ngu, là ăn hại… Không nói không rằng, anh quay trở lại công ty và nhắn cho chị một tin: “Nếu em không thay đổi, anh sẽ thay đổi, anh chịu đựng như vậy là quá đủ, em ích kỷ không chỉ với tiền mà với chính cả những người thân yêu nhất quanh mình, và anh cũng sẽ làm thế với em”. Anh nghĩ rằng, chỉ có ly dị mới khiến mình cảm thấy thoải mái.

Ánh Tuyết (Theo Giadinhvietnam.com)