Phàm đã là đàn ông, hầu như ai cũng một lần phải đứng giữa chữ tình và chữ hiếu. Bởi vì mẹ và vợ đều là đàn bà. Những lúc ấy, mọi người sẽ đứng về phía mẹ hay phía vợ?
Gần đây, trên các trang mạng xã hội, chẳng hiểu sao mọi người lại hùa nhau bàn luận về một đề tài cũ rích nhưng mỗi người một câu trả lời. Đó là: “Nếu mẹ và vợ cùng rơi xuống nước, sắp chết đuối. Và nếu chỉ được chọn một, bạn sẽ nhảy xuống cứu ai?”. Sau đó, mọi người đua nhau vào trả lời, tranh luận rất xôm về chuyện “bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn”.
Tôi thì thấy chuyện này cũng chẳng có gì lấy làm khó xử cả. Tôi thấy cái chuyện nhỏ như con thỏ vậy mà cũng phải đem lên mạng bàn tán. Chẳng hiểu người nào vô công rồi nghề đến vậy.
Người nào xông vào lựa chọn còn dở hơi hơn. Kẻ thì khăng khăng cứu vợ. Kẻ lại khăng khăng cứu mẹ. Kẻ thì bảo chẳng cứu ai vì lương tâm không cho phép. Nói chung nhiều người có vẻ rất băn khoăn, đặt ra tình huống này, trường hợp kia để lựa chọn.
Riêng tôi, câu trả lời rất đơn giản. Tôi chẳng cần phải phân vân mà nhảy ngay xuống cứu vợ trước. Bởi vì với tôi, người quan trọng nhất, sẽ đi cùng tôi đến suốt cuộc đời chính là một nửa của mình.
Tôi nhớ một đoạn phim có tên "Người quan trọng nhất" trong chương trình Quà tặng cuộc sống cũng đồng quan điểm với tôi về điều này.
Mẹ và vợ tôi có thể nói là như nước với lửa. Từ lúc yêu rồi lấy em về, giữa mẹ và vợ luôn xảy ra những trận chiến tranh nóng có, lạnh có. Dù xảy ra chuyện gì, tôi luôn đứng về phía vợ, bênh vực em và đành phải có lỗi với mẹ.
Mẹ là người sinh ra tôi, yêu thương tôi nhất trên đời. “Nước mắt chảy xuôi”, một người mẹ không bao giờ bỏ rơi con, bỏ rơi máu mủ ruột già của mình. Vì thế, đàn ông vội sợ hãi khi đứng giữa mẹ và vợ. Nếu bạn buộc phải chọn một hãy cứ chọn theo trái tim mách bảo đi.
Nhưng tôi cũng xin đính chính thêm, mẹ bình thường thì chỉ cần thấy con buồn là sẽ mủi lòng xót xa. Như mẹ tôi thì “lì” hơn một tí song cứ thực hiện bài bỏ nhà ra đi, không bao giờ quay lại gặp bố mẹ là bà phải thay đổi thái độ ngay.
Đó cũng là chiêu mà tôi đã dùng để thuyết phục mẹ khi bà phản đối cho tôi qua lại với vợ. Mẹ căng thẳng tới mức đuổi tôi ra khỏi nhà, chửi bới vợ tôi thậm tệ. Nhưng khi tôi dọa bỏ nhà ra đi, bà phải sợ hãi lập tức đồng ý. Thậm chí bà còn tự sang nhà vợ dạm ngõ ngay ngày hôm sau.
Nói chung không có mẹ nào bỏ được con mình. Mẹ thì trước sau gì cũng là mẹ ta, không bao giờ thay đổi được. Còn vợ nếu không cố gắng giữ lấy thì sẽ thành vợ của thằng khác. Tìm được một người mình thật sự yêu và đồng cảm, chia sẻ với mình khó lắm chứ đâu phải đùa.
Vậy thì sao cứ bắt trái tim mình giả dối mà chọn mẹ để rồi ngậm ngùi, tiếc nuối khi đánh mất tình yêu của cuộc đời. Còn mẹ thì lúc nào mà chẳng ở đó, có mất đi được đâu mà phải sợ. Hơn nữa, tuổi già rồi cũng đến ngày bất chợt phải nhắm mắt xuôi tay, chỉ có vợ là có thể đồng hành với bạn được.
Tôi thấy, thêm một lý do đó nữa là các bà vợ đã thiệt thòi nhiều lắm khi lấy chồng: phải từ bỏ cuộc sống quen thuộc, đi sang một ngôi nhà lạ lẫm, sống với những người lạ lẫm… Nếu mẹ và con dâu xảy ra xô xát, chỉ có thể là do mẹ chồng không đủ bao dung.
Là người lớn, đáng ra bà phải hiểu cho con dâu, thông cảm cho những lỗi lầm của con dâu. Bởi vì, trước đây bà đều đã từng ở trong hoàn cảnh ấy. Đằng này, bà lại ích kỉ, gây gổ đại chiến với con dâu. Mẹ chồng như thế là sai gấp nghìn lần rồi.
Vì vậy, mỗi lần mẹ và vợ cãi cọ, tôi đều bênh vợ. Ừ thì cũng hơi khuất tất với mẹ nhưng đã có bố để cho mẹ trút bầu tâm sự, kể lể mọi hờn giận rồi. Bố tôi luôn đứng về phía mẹ, giống như tôi luôn đứng về phía em vậy.
Tôi thấy rất vô lí mỗi khi mẹ hờn giận con trai “vì tình bỏ hiếu”. Mẹ được quyền có chồng của mẹ ở bên cạnh, yêu thương mẹ thì tại sao vợ tôi lại không được. Nếu tôi mà cũng về phe mẹ, thật tội nghiệp vợ khi bị cô lập như vậy. Một người chồng thật sự yêu vợ như tôi sẽ không bao giờ để vợ phải khổ tâm thế cả.
Những dịp lễ tết của phụ nữ, mẹ cũng thật quá đáng khi so đo quà của vợ và mẹ. Mẹ tức tối khi tôi đưa vợ đi chơi riêng ở ngoài. Mẹ thích thì cứ kêu bố đưa đi dạo phố, tại sao cứ phải tranh giành với con dâu.
Mẹ có chồng của mẹ, con dâu có chồng của con dâu. Cứ ép con trai kè kè bên mình, bỏ rơi con dâu cũng là một hình thức “cướp chồng của người khác”, phá hoại hạnh phúc của người khác.
Là con, tôi cũng cảm thấy khó chịu mỗi khi mẹ giở thói ghen tị như vậy. Mỗi khi bà dở chứng, tôi toàn mặc kệ bà gào khóc, chửi bới tôi bất hiếu.
Mẹ sinh ra tôi, có công nuôi dưỡng tôi thật. Nhưng người sống với tôi đến hết cuộc đời lại là vợ tôi cơ. Vợ mới là người đồng cam cộng khổ, chịu đủ nhọc nhằn, chia sẻ gánh nặng cùng tôi. Mẹ cùng lắm cũng chỉ sống thêm được hai mươi năm nữa, còn vợ chắc phải đi cùng tôi thêm đến bốn, năm chục năm.
Vợ chồng quan trọng nhất là sự hòa hợp. Mà đàn bà lại chúa thù dai, nhớ lâu. Nếu bây giờ vì mẹ tôi gây xích mích với vợ, cô ấy buồn, hận tôi cả đời. Cuộc sống vợ chồng vì thế không hạnh phúc. Tôi sẽ khổ thêm 50 năm nữa.
Còn mắc lỗi với mẹ, cùng lắm bà chỉ khổ 20 năm thôi. Mà mẹ nào chẳng thương con, ai nỡ giận con lâu quá. Chỉ cần ngọt nhạt một tiếng xin lỗi, mẹ nào chẳng tha thứ cho con. Vậy mới có câu hát “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình” đó là gì.
Thiên chức bẩm sinh của người mẹ là hi sinh vì con cái. Để mẹ nhịn nhục như vậy trước con dâu, tuy là có lỗi, tuy là mẹ ấm ức. Nhưng đó là bà đang thực hiện bản năng của người mẹ chứ có gì đâu.
Còn tôi bênh vực vợ, đứng về phía vợ cũng chỉ là làm tròn thiên chức của một người đàn ông “Là bờ vai bảo vệ người con gái mình yêu thương”. Mỗi một người chỉ có một tình yêu duy nhất. Làm thằng đàn ông mà không thể bảo vệ nổi người mình yêu thì quá hèn nhát, yếu kém.
Nếu tôi nói chỉ vì tôi đặt nặng chữ tình mà mọi người nói tôi bất hiếu thì tôi xin phủ nhận không đúng. Bởi ngoại trừ thế, tôi vẫn chăm chỉ kiếm nhiều tiền và vẫn thường xuyên biếu tiền, mua quà cho mẹ. Tôi cũng chẳng bao giờ ăn nói thiếu lễ độ với mẹ tôi.
Chỉ có những khi mẹ gây chuyện với vợ, tôi cùng lắm là nói hơi to tiếng để át đi những lời khó nghe của đôi bên. Như thế thì đâu gọi là bất hiếu.
Nhiều người khi đứng giữa bên tình và hiếu sẽ chọn bên hiếu. Còn tôi thì nghiêng tới 90% về bên tình. Tôi có cả đời để trả chữ hiếu. Còn tình yêu lại có thể mất trong phút giây. Nếu vì hiếu bỏ tình, sau khi bố mẹ mất đi, chữ hiếu đã trọn vẹn, có lẽ tôi sẽ sống ân hận, buồn khổ cả cuộc đời còn lại vì đánh mất tình yêu.
Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. Hãy để Ngoisao.vn đồng hành và giúp bạn! Vui lòng gửi tới email:tamsu@ngoisao.vn. Chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật và đăng tải những điều mà bạn muốn chia sẻ! |