NAM GIỚI » Đàn ông yêu

Mùng 1 Tết đến chơi nhà người yêu tôi bị các cháu của em làm cho một vố xấu hổ chỉ muốn độn thổ

Thứ tư, 06/02/2019 09:30

Trong khi tôi bối rối không biết xử lý thế nào thì các anh chị và bố mẹ người yêu cứ nhìn lũ trẻ mà ôm bụng cười. Dường như người yêu tôi đã hiểu được tâm trạng khó chịu của tôi nên quát các cháu.

Tôi và em đều đang là sinh viên năm thứ 3 của một trường nổi tiếng. Gia đình tôi và em ở cùng xã với nhau, bố mẹ cùng là nông dân nên chẳng lấy đâu ra mà giàu có.

Mỗi lần về quê tôi có qua nhà em chơi và ăn cơm nên biết được nhà người yêu có 5 anh chị em với rất nhiều cháu lớn cháu nhỏ.

Mùng 1 Tết, nhà người yêu họp mặt đông đủ anh chị em, nên tôi dậy từ rất sớm để sửa sang cái mặt tiền đi chúc Tết bố mẹ vợ tương lai.

Vừa nhìn thấy tôi ở cổng các cháu chạy đến chào tôi rối rít, nhìn lướt qua cũng phải gần 10 đứa. Thật may tôi đã chuẩn bị sẵn phong bao lì xì ở nhà rồi nên rất tự tin nói:

- Bây giờ các cháu đứng thành hàng ngũ chỉnh tề để chú lì xì nào.

Thấy hàng ngũ đã tạm ổn tôi hãnh diện lôi ra xấp bao lì xì phát cho từng đứa. Khi đã xong nhiệm vụ tôi vào nhà ngồi uống nước với các hai bác và các anh chị. Câu chuyện đang rôm rả thì có một đứa lớn chắc học lớp 9 gì đó chạy vào nói với bà:

- Chú ấy lì xì cháu có 20 nghìn đồng mà bày đặt xếp hàng, thế mà con tưởng mình lớn phải được tờ 100 nghìn đồng cơ đấy.

(Ảnh minh họa)

Tôi dỗ dành cháu:

- À chú rút nhầm, đây đền cháu phong bao lì xì khác.

Thật may tôi còn để dự phòng được 2 túi tờ mệnh giá 100 nghìn đồng. Chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì lũ trẻ lại nhao nhao chạy đến trả lại phong bao lì xì cho tôi, chúng bảo:

- Sao chị ấy được tờ 100 nghìn đồng còn cháu lại chỉ có 20 nghìn đồng?

Trong khi tôi bối rối không biết xử lý thế nào thì các anh chị và bố mẹ người yêu cứ nhìn lũ trẻ mà ôm bụng cười. Dường như người yêu tôi đã hiểu được tâm trạng khó chịu của tôi nên quát các cháu:

- Chú và cô đều là sinh viên đang phụ thuộc vào bố mẹ lấy đâu ra tiền mà lì xì, các cháu không cầm thì đưa trả lại hết đây cho cô tiêu. Đúng là có voi đòi tiên, năm mới lì xì để cho may mắn. Đằng này lì xì xong may mắn chẳng thấy đâu chỉ thấy một lũ trẻ vòi vĩnh. Đưa hết tiền đây cho cô.

Thấy người yêu tôi nói mạnh quá các anh chị đỏ mặt không dám cười nữa và quát các con của họ đi chỗ khác chơi. Dường như bọn trẻ cũng sợ bị thu lại phong bao lì xì nên vội chạy biến mỗi đứa một nơi.

Đường đường là một lớp trưởng, học giỏi nhất nhì khoa, chưa bao giờ tôi lại bị bẽ mặt đến thế. Chỉ mong có cái lỗ chui tuột xuống để trốn ánh mắt chê bai của anh chị người yêu và thoát khỏi sự vòi vĩnh của bọn trẻ.

Từ sau giây phút đó tôi không còn tự nhiên và vui vẻ với mọi người trong gia đình nhà em nữa. Tôi có ác cảm với lũ trẻ nhà em lắm rồi. Có lẽ nếu còn yêu em thì sau này tôi phải dè chừng với bọn tiểu yêu tham lam này để khỏi bị mất mặt trước mọi người.

Không hiểu từ lúc nào hai từ lì xì nghe thật nặng nề và hình thức phô trương đến thế. Có khi nào Tết đến người ta thấy không thoải mái khi nhìn thấy trẻ con đi bên cạnh bố mẹ nó nữa hay không đây?

VA (Theo Nld.com.vn)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới