Tôi lập gia đình khi đã 35 tuổi. Do mải mê phấn đấu cho công việc, tôi chẳng thiết tha, mặn mà gì với chuyện hẹn hò, yêu đương. Mãi sau, do bố mẹ giục quá, tôi đành chấp nhận đi xem mặt theo lời mai mối của đám bạn thân.
Cô gái ấy kém tôi tận 13 tuổi, trẻ trung, hồn nhiên. Em không quá xinh đẹp, sắc sảo nhưng tính tình hòa nhã, gần gũi và tốt bụng.
Chẳng hiểu tại sao, gặp tôi, em lại say mê rồi quyết tâm theo đuổi bằng được. Nhờ sự tư vấn và giúp sức từ đám bạn tôi, cuối cùng tôi cũng bị chinh phục bởi cô gái hồn nhiên ấy.
Vợ tôi trẻ trung, hồn nhiên và hơi trẻ con (Ảnh minh họa)
Ngày cưới, đồng nghiệp, khách mời rồi họ hàng, ai cũng mừng cho tôi cưới được vợ trẻ trung, xinh đẹp lại con nhà gia giáo.
Em vốn là freelancer nên công việc khá thoải mái về thời gian. Sau khi cưới xong, tôi bàn với em xin việc ổn định vào một công ty nào đó hoặc có thể đến công ty của tôi làm việc như một nhân viên bình thường. Tuy nhiên, em nói muốn tự mình xin việc, không muốn phiền hà đến chồng hay người quen.
Nghe em nói vậy, tôi thấy rất hài lòng. Là vợ sếp nhưng em luôn sống độc lập, không đòi hỏi chồng phải thế này, thế kia. Em sống giản dị, chẳng đua đòi hàng hiệu hay check-in ở các địa điểm, nhà hàng sang trọng.
(Ảnh minh họa)
Em bảo chỉ cần tôi luôn yêu thương em thật lòng là đủ. Em chẳng mơ giàu sang hay quyền quý cao xa. Ấy vậy mà, sau chưa đầy 2 tháng kết hôn, tôi chẳng biết là mình nên vui hay nên buồn khi lấy được em nữa!
Số là do rảnh rỗi nên em lên Facebook gần như 24/24. Công việc của em cũng giải quyết trên đó luôn. Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu như em chỉ làm việc và trò chuyện với bạn bè qua mạng xã hội. Đằng này, trang cá nhân của em ngày nào cũng có đến cả chục bài đăng mới - từ lúc chúng tôi ngủ dậy, ăn sáng, tôi đi làm, cho đến cả những điều tôi nói với em cũng được chia sẻ hết với mọi người. Và dĩ nhiên, bài đăng nào em cũng tag tên tôi vào.
Một sáng nọ đến công ty, ngay ở cầu thang máy, tôi đã nghe xì xào sau lưng mình: "Vợ sếp là "mọt Facebook" đấy nhé, cái gì cũng cập nhật lên hết, nên bà mới vào làm, cứ cẩn thận không lại bị đưa lên mạng đó". Hóa ra là lời một nhân viên cũ "dặn dò" người mới đến công ty tôi.
Cả buổi sáng bận việc đến mờ cả mắt, chưa có thời gian vào đọc báo nhưng ngay khi vào nhà vệ sinh, tôi lại nghe chuyện từ hai phòng bên kia:
- Này, hình như hôm qua nhà sếp cãi nhau à? Thảo nào sáng nay thấy sếp cứ mệt mỏi ấy, chẳng nói gì mấy.
- Sao ông biết?
- Thì tôi có theo dõi Facebook vợ sếp mà. Đúng là vợ chồng mới cưới có khác.
...
Tôi đã trao đổi lại với vợ mình về chuyện này, nhưng có vẻ chỉ được một vài ngày, sau đó mọi thứ lại y nguyên như cũ. Cho dù tôi có yêu cầu em không tag tôi vào bài viết thì đồng nghiệp ở công ty vẫn biết được mọi thứ đang diễn ra trong cuộc sống của hai vợ chồng.
(Ảnh minh họa)
Lại một ngày nữa, sáng sớm vào công ty tôi đã thấy nhân viên của mình đang chăm chú xem ảnh trên máy tính.
- Đấy, đã bảo là đồ hiệu hẳn hoi mà. Sếp nghe vậy mà cũng tâm lý phết nhỉ. Hay tặng quà xa xỉ cho vợ thế, ước gì mình chỉ được một nửa như chị ấy.
- À, tối qua vợ sếp nướng thịt bị cháy xong vợ chồng sếp phải đi ăn mì à? Thế hay trưa nay mọi người rủ sếp đi ăn bù lại đi. Đằng nào nay cũng cuối tuần rồi.
- Ôi nhìn sếp mình khi ngủ gật buồn cười thế. Mà không ngờ sếp còn bị chảy dãi nữa chứ.
Tôi đến "nản toàn tập". Mỗi ngày đến công ty lại là bao chuyện xì xào, bàn tán của nhân viên về chính cuộc sống của mình.
Đành rằng những chia sẻ trên Facebook là quyền của mỗi người, nhưng không phải vì thế mà chúng ta quá lạm dụng, để mọi thứ từ cái nhỏ nhặt nhất đều "phơi bày" trên đó. Đặc biệt là khi có sự theo dõi và quan tâm của rất nhiều người, đôi lúc sẽ dẫn đến những hiểu nhầm tai hại.
Tôi bắt đầu cảm thấy ngột ngạt và khó chịu bởi cách sống cũng như kiểu suy nghĩ quá hồn nhiên của vợ mình. Không biết phải nói thế nào thì cô ấy mới từ bỏ được thói quen này đây?