Hàng ngày luôn phải chứng kiến cảnh chị vợ hàng xóm chăm sóc chồng từng li từng tí, Thao thấy “thèm” và ghen tỵ cái cảm giác ấy. Anh ước ao được một lần vợ anh cũng chăm sóc chồng như thế.
Hai năm kết hôn và có một đứa con trai kháu khỉnh, tưởng rằng cuộc sống của Thao sẽ thật hạnh phúc… Vậy mà anh chợt nhận ra mình đang sống trong cảnh địa ngục của trần gian, luôn thèm cái cảm giác được vợ yêu thương và chăm sóc như những đức ông chồng có diễm phúc khác. Anh không biết nên liệt Lan vào danh sách lạnh lùng, ghen tuông, ích kỷ hay gì gì nữa vì ở mỗi yếu tố cô luôn dành “vé đầu”.
Trong gia đình, mọi việc Lan đều tự quyết định, kinh tế tài chính đều do cô nắm giữ. Lương của hai người cộng lại cũng chỉ đủ sinh hoạt và tiền mừng đám cưới, ăn tiêu tiết kiệm, ít khi vợ chồng anh mua sắm xa xỉ. Thao không cho đó là khổ mà khổ là tình cảm của hai người từ khi lấy nhau không còn mặn nồng như trước. Lan thay đổi trở thành một người phụ nữ khó gần gũi và sống cố chấp.
Bắt đầu từ việc Lan kiểm soát tiền lương của anh. Trước đây, mỗi lần lĩnh lương anh đều để lại vài trăm trong ví lỡ tiêu pha chuyện riêng, giờ anh phải nộp đủ 100%. Thậm chí Lan còn đi dò xét đồng nghiệp của anh xem tháng này lương có tăng không hay có thưởng gì thêm không. Thao thấy vợ thật quá đáng khi làm thế, nhưng nói ra thì anh lại nhận ngay một “rổ ca từ” khó nghe của vợ nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Buổi sáng, Thao thèm được vợ nấu một bữa ăn đầm ấm cho cả nhà như bao gia đình khác, Lan tỏ vẻ không bằng lòng. Mỗi sáng cô đề đặn rút ra 30 ngàn để trên bàn và dặn chồng: “Tiền bát phở với cốc café đấy nhé!”.
Nhiều khi Thao chỉn chu quần áo xong xuôi rồi định quay lại nựng vợ một cái thật yêu như mấy người bạn khoe là để tăng gia vị tình yêu thì Lan thẳng thừng đẩy anh ra: “Một đống tuổi rồi mà còn bày đặt sến, phát mệt!”.
Đã thế, Lan còn hay ghen bóng ghen gió với chồng. Nhắc đến chuyện này, Thao lại giật thót tim khi nhớ lại lần anh chở một cô đồng nghiệp về nhà do xe cô ấy bị hỏng. Bạn của Lan nhìn thấy, vội vã gọi điện báo cho Lan biết. Khi Thao vừa về đến nhà, Lan đã lồng lộn lên: “Cái thứ đàn bà gì mà mắt xanh mỏ đỏ, chưa chồng mà có chửa, thích đu trai rồi còn bám theo xe người khác như thế thì con này khinh. Còn cái loại đàn ông có vợ con mà thích đú đởn, trăng hoa thì tôi cóc cần”.
Lần ấy, không biết kiếm đâu ra mà Lan còn mang cả gói thuốc chuột để trước mặt chồng dọa tự tử. Thao phải năn nỉ mãi, gọi cả cô đồng nghiệp đó đến ba mặt một lời, chịu nhục chấp nhận xin lỗi Lan, lúc đó Lan mới hạ hỏa.
Từ sau cú sốc đó, Thao chợt nhận ra người con gái dịu dàng và nết na năm xưa anh dày công tỏ tình và mong muốn kết hôn nay đã biến thành một người đàn bà độc đoán và nhỏ nhen mất rồi. Nhiều đêm nằm vắt tay lên trán trăn trở, anh thấy mình đã quá hiền lành đến mức nhu nhược, nhịn nhục trước mặt vợ...
Một lần khác, Lan cố tình giấu tấm thiệp mời đám cưới của bạn Thao gửi cho anh. Đến khi Thao phát hiện, Lan ú ớ lấp liếm: “Ối! Em bận việc nên để quên trong ngăn tủ mà không báo anh. Thôi đằng nào giờ đám cưới cũng diễn ra mấy hôm rồi, mà mình không mừng thì họ cũng không có lỗ đâu”.
Thao giận sôi người khi không hiểu đầu óc vợ mình đang nghĩ gì nữa. Từ ngày lấy nhau, bạn bè hay gia đình của anh đều dần xa lánh anh, họ chỉ đến chơi một lần rồi biệt tích luôn khi gặp vợ Thao.
Tháng trước, khi mẹ Thao lên thăm cháu, bà vô tình làm vỡ cái bình hoa thủy tinh - quà của cô bạn đi du học ở Pháp tặng - món đồ Lan luôn gìn giữ. Không chút nể nang, Lan ra sức mắng nhiếc mẹ chồng: “Mẹ làm ơn ngồi một chễ xem ti vi cho con nhờ, cái bát vỡ còn sắm lại được chứ cái bình hoa đó mà vỡ thì con không sang Pháp mua lại được đâu”.
Sáng hôm sau, mẹ Thao một mực đòi Thao chở ra bến xe về quê. Bà sợ con trai buồn nên biện lý do ở nhà vườn tược không ai lo, bà phải về trông nom. Thao đành chở mẹ ra bến xe, vừa đi vừa nghĩ sẽ về cho vợ một bài học, lần này không thể nhịn vợ được nữa.
Vào nhà, anh quát luôn: “Cô quá đáng vừa vừa thôi, mẹ chồng mà cô cũng đối xử thế hả? Con dâu mà dám hỗn láo à?”. Chồng dứt lời, Lan đã nhảy dựng lên: “Tôi làm gì mà anh kêu tôi quá đáng? Anh định hù tôi đó à? Con này không biết sợ là gì đâu”.
Thao nghe vợ nói mà ngỡ đang nói chuyện với dân chợ búa. Anh không thể ngờ một cô giáo dạy Giáo dục công dân lại có thể phát ngôn vô văn hóa như vậy. Sẵn cơn nóng giận trong người, anh dang tay tát vợ một cái vào má thật đau để cảnh cáo. Lan ôm mặt chạy ra khỏi nhà trong uất hận...
Còn lại một mình trong căn nhà rộng, Thao buông người trên ghế, thẫn thờ như người mất hồn. Trong đầu anh hiện ra vô số câu hỏi cho cuộc hôn nhân của mình, cho người phụ nữ anh yêu và lấy làm vợ và cho cả cái cách anh chọn nhường nhịn vợ để êm ấm cửa nhà... Rồi đây cuộc sống vợ chồng anh sẽ đến đâu, liệu hai người có chia tay nhau và nếu chia tay thì đứa con trai anh sẽ sống thế nào?