Câu chuyện các cô gái trẻ bị kẻ si tình ra tay sát hại xảy ra liên tiếp gần đây khiến các cô gái đang yêu tỏ ra lo lắng, hỏi nhau cách phòng ngừa.
Như đã biết, sáng ngày 17/6 tên Nguyễn Thanh Hiệp sau khi đâm chị Trần Thị Thanh Huyền đã tự sát nhưng bất thành, cả hai trọng thương và được đưa đi cấp cứu. Điều tra ban đầu cho biết Hiệp ra tay hạ sát với chị Huyền vì cho rằng chị này có bạn trai và phản bội mình.
Cách đó không lâu, ngày 27/5, Nguyễn Thành Yên (Biên Hòa) cũng đã đâm chị B.N.T.M khi bị cô này nói lời chia tay với lý do không hợp tính nhau. Sau khi đâm chị M, Yên đã nhảy cầu tự tử.
Trước đó hơn một tháng, vào ngày 13/4, Đặng Văn Khuyến (28 tuổi, quê tỉnh Thừa Thiên Huế, tạm trú tại phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã đâm chị Lê Thị Thúy Hằng chết tại chỗ. Sáng hôm sau hung thủ tới công an đầu thú và khai hắn và chị Hằng đã từng yêu nhau khoảng 6 năm.
Nếu như các trường hợp xảy ra giữa các bạn trẻ tuổi từ 20-25, suy nghĩ còn chưa chín chắn, hành động xảy ra bột phát thì một người “tứ tuần” cũng không tránh khỏi sự bồng bột trong tình yêu. Không phải người yêu nhưng yêu đơn phương say đắm cũng đã khiến Nguyễn Phước Thành (39 tuổi) ở Đà Nẵng dùng xăng thiêu chết “người trong mộng” khi hay tin nàng đi lấy chồng.
Trao đổi với hàng xóm của Thành, một người cho biết “Thằng Thành nó hiền lắm, từ trước tới nay chưa gây gổ xích mích với ai trong xóm. Khi biết tin nó tưới xăng đốt con người ta, ai cũng bất ngờ. Mọi người đều trách nó sao hành động dại dột, thiếu suy nghĩ. Nó cũng lớn tuổi rồi sao mà hành động như trẻ con”.
Vấn đề là ở đó. Trước lúc ra tay, họ không có biểu hiện gì là hung bạo cả. Vậy, làm sao để phát hiện sớm bản chất của họ mà phòng tránh?
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Thị Tứ - Giảng viên trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, người lụy tình như vậy thường là những người phụ thuộc quá nhiều vào tình yêu, thậm chí trở thành nô lệ cho tình yêu. Nói cách khác, họ coi tình yêu đôi lứa lớn hơn mọi thứ trên đời.
Vì vậy khi tình yêu đó có nguy cơ mất đi họ vô cùng lo sợ và tìm mọi cách níu giữ bằng mọi giá. Khi người yêu kiên định từ bỏ thì họ vô cùng đau đớn hoặc tức giận từ đó có thể dẫn họ đến những hành vi không tự kiểm soát được.
Tùy tính cách mỗi người và tùy thuộc vào cách hành xử của người yêu cũ mà họ có những phản ứng rất khác nhau. Người có tính cách mạnh bạo và ích kỷ thường phản ứng mạnh như đe dọa, uy hiếp, tấn công… thậm chí sát hại người yêu, trong khi đó người yếu đuối thường phản ứng yếu ớt như khóc lóc, van nài, dọa tự tử… thậm chí tự tử thật.
Những người hành động tiêu cực với người yêu cũ sau khi chia tay như sát hại người yêu thường là những người lụy tình, mạnh bạo và bản tính ích kỷ, không xem người yêu là đối tượng để yêu thương mà họ xem người yêu như là công cụ để thỏa mãn lợi ích riêng của bản thân, từ đó họ coi người yêu là vật sở hữu của riêng mình, không yêu được thì tìm cách phá, hủy hoại, thậm chí sát hại người yêu.
Những con người này khi gặp thất bại trong tình trường, cộng hưởng với thất bại trên trường đời sẽ khiến họ mất đi niềm vui để sống và họ có thể hủy hoại luôn cuộc đời của họ. Những vụ việc “vừa ra tay sát hại người yêu vừa tự tử theo người yêu” mà báo giới nói đến trong thời gian qua đã minh chứng điều đó.
Khi được chúng tôi cho biết những trường hợp đáng tiếc xảy ra với các cô gái vị người yêu sát hại vừa qua, Phó Giáo sư tâm lý Nguyễn Thị Tứ đưa ra một số ý kiến nhằm giúp tránh những trường hợp như vậy, việc giải quyết cần có sự giúp đỡ, nỗ lực từ nhiều phía.
Nếu là người yêu, cần tế nhị khi chia tay và phải biết cách chia tay cho người kia ít bị tổn thương nhất.
Về phía bạn bè, người thân thì cần khuyên bảo giúp người lụy tình nhanh chóng thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của ái tình để can đảm chấp nhận sự thật, đứng dậy bước tiếp.
Về phía xã hội tạo thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ kỹ năng sống cho họ, nâng cao nhận thức cho họ về vấn đề này thông qua các kênh truyền thông và các tổ chức xã hội, lập thêm nhiều phòng tham vấn tâm lý
Và bản thân người lụy tình cần trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề này, mỗi người trưởng thành cần phải tự chịu trách nhiệm trước bản thân, gia đình và xã hội về những hành vi của mình, vì thế họ phải tự ý thức để giải quyết vấn đề này.
Với họ, khi gặp khó khăn nên tìm sự hỗ trợ từ phía gia đình, bạn bè, người thân, các tổ chức xã hội và các chuyên viên tâm lý.