Lời khuyên của Sloan Sheridan-Williams, một chuyên gia người Anh với hơn 30 năm kinh nghiệm tư vấn về cuộc sống và các mối quan hệ, uy tín trên thế giới sẽ giúp chị em phụ nữ nhận biết các dấu hiệu hàng đầu chứng tỏ họ đang bị người yêu hoặc bạn đời đang lừa dối.
Mất nhiều thời gian để trả lời các câu hỏi
Nếu người yêu hoặc chồng của bạn dừng nghỉ trước khi trả lời các câu hỏi khó về sự chung thủy của anh ta trong mối quan hệ giữa hai người, đây có thể là dấu hiệu tiết lộ anh ta đang nói dối. Theo chuyên gia Sheridan-Williams, sự chậm trễ trong hồi đáp thường do bộ não của người yêu/chồng bạn đang mất thời gian ngụy tạo các thông tin trước khi nói cho bạn nghe về chúng. Những kẻ nói dối có thời gian trả lời lâu hơn, vì họ thường cần thêm thời gian để tìm ra câu trả lời khiến chúng có nghe có vẻ trung thực.
Thời gian phản ứng của một người trước các câu hỏi quan trọng có thể được so sánh với thời gian hồi đáp căn bản xác định ở đầu cuộc đối thoại. Nếu nó dài hơn, nhiều khả năng chủ nhân đang tìm cách che giấu sự thật. Một kẻ nói dối được phát hiện sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra những câu trả lời trực tiếp cho các câu hỏi trực tiếp một cách kịp thời.
Dùng quá nhiều từ/cụm từ chêm như à, ừ, ờ thì, ...
Khi bạn hỏi ai đó một câu hỏi trực tiếp có - không và họ bắt đầu trả lời bằng cụm từ "ờ thì", nó đồng nghĩa, họ sắp đưa ra câu trả lời mà họ biết bạn không mong đợi. Tương tự như sự chậm trễ trong thời gian hồi đáp, việc sử dụng các từ/cụm từ chêm ám chỉ, người mà bạn đang đối thoại cần thêm thời gian để ngụy tạo các câu trả lời hoặc câu chuyện không đúng sự thật 100%. Và người yêu hoặc chồng của bạn có thể sử dụng những từ/cụm từ như à, ừ, ờ thì, ... để đạt được mục đích đó. Những từ/cụm từ như vậy rất dễ nghe thấy qua điện thoại khi bạn loại bỏ tất cả các tín hiệu khác.
Trở nên đề phòng và đánh lạc hướng chú ý
Theo bà Sheridan-Williams, bạn có thể phát hiện những kẻ nói dối thiếu chuyên nghiệp thường chỉ tìm cách lảng tránh, thay vì sử dụng các từ chêm không cần thiết. Họ sẽ trở nên đề phòng. Những người cảm thấy mình bị dồn vào chân tường thường sử dụng nghệ thuật đánh lạc hướng để giúp họ tránh bị "ngộp thở". Họ có thể trả lời câu hỏi của bạn bằng một câu hỏi kiểu như "Em đang buộc tội anh lừa dối?" hay yêu cầu bạn lặp lại câu hỏi. Một số người đánh lạc hướng một cách công khai hơn thông qua việc buộc tội bạn có hành vi tương tự hoặc thứ gì đó hoàn toàn khác, giúp bạn rời sự chú ý khỏi vấn đề trong câu hỏi ban đầu.
Lảng tránh giao tiếp bằng mắt và chớp mắt nhiều hơn bình thường
Tăng chớp mắt là biểu hiện của sự bồn chồn, lo lắng và được coi là dấu hiệu đặc trưng giúp "bắt thóp" ai đó đang nói dối, do đây là sự thay đổi về mức độ giao tiếp bằng mắt.
Nhiều người tin rằng, một kẻ nói dối sẽ lảng tránh giao tiếp bằng mắt. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây phát hiện, con người sẽ phá vỡ giao tiếp bằng mắt một cách tự nhiên để giúp họ tập trung và ghi nhớ.
Các cử động mắt là biểu hiện liên quan đến quá trình nhận thức và thường được nhắc tới trong các phân tích thần kinh - ngôn ngữ học. Chẳng hạn như nhìn liếc về bên trái, lên trên là đang ghi nhớ hình ảnh, trong khi nhìn liếc sang phải thường gắn với việc tạo dựng âm thanh và từ ngữ, ví dụ như những lời nói dối.
Nuốt nước bọt và đằng hắng liên tục
Nuốt nước bọt hoặc đằng hắng giọng liên tục trước khi trả lời một câu hỏi có thể là dấu hiệu tố cáo đối tượng sắp nói dối, do sự bồn chồn và thiếu thoải mái có thể sản sinh ra các phản ứng sinh lý học. Cụ thể là, hoóc môn adrenaline được giải phóng ban đầu sẽ làm tăng sản sinh nước bọt, buộc chủ nhân phải nuốt vào, nhưng giúp bôi trơn cổ họng. Tuy nhiên, việc không ngừng sản sinh adrenaline sau đó sẽ ngăn chặn sản sinh nước bọt, dẫn tới khô cổ họng và hành vi hắng giọng sẽ tăng lên nếu các lời nói dối tiếp tục tuôn ra.
Bồn chồn, nóng ruột
Bồn chồn, nóng ruột là dấu hiệu phổ biến của việc nói dối, do sự lo sợ điều sai sự thật bị phát hiện. Đối tượng có thể bộc lộ hành vi bồn chồn với những vật ngẫu nhiên ở trước mặt họ hoặc ngay trên cơ thể họ do sự sợ hãi sản sinh ra năng lượng kích thích thần kinh. Các dạng gia tăng bồn chồn khác có thể bắt nguồn từ sự luân chuyển máu và các yếu tố cảm biến dối trá, chẳng hạn như sờ hoặc gãi mũi hay chạm vào phía sau tai.
Thiếu sự ăn khớp giữa ngôn ngữ cơ thể và lời nói
Những kẻ nói dối có xu hướng luyện tập những lời dối trá, chứ không phải cử chỉ, điệu bộ. Khi ngôn ngữ cơ thể và biểu hiện trên khuôn mặt của ai đó không khớp với lời nói của họ, bạn nên biết rằng mình đang không được nghe toàn bộ sự thật.
Cung cấp nhiều thông tin quá mức
Nội dung của một lời nói dối giống như nền tảng của một tòa nhà. Những kẻ dối trá có xu hướng nghĩ rằng, họ cần thêm thông tin để khiến lời nói dối có cấu trúc chặt chẽ. Vì lí do này, họ sẽ đưa ra quá nhiều thông tin để thuyết phục người nghe. Cách đối phó tốt nhất với một kẻ nói dối là tạo ra các khoảng lặng gây lúng túng, buộc họ phải tìm cách "lấp đầy". Các lí lẽ giả dối càng tuôn ra nhiều thì sự mâu thuẫn càng trở nên dễ nhận biết.
Thở phào khi bạn tỏ ra tin câu chuyện của anh ta
Một cách khác giúp bắt thóp người yêu hay bạn đời nói dối là cư xử cứ như bạn được anh ta cung cấp nhiều thông tin hơn đang có và cho phép anh ta hỏi bạn. Ở đây, bạn nên tìm kiếm các dấu hiệu thở phào nhẹ nhõm trên khuôn mặt anh ta, khi bạn để anh ta biết rằng bạn từng có ít thông tin hơn suy đoán. Sự giải thoát cũng có thể được biểu hiện ở ngôn ngữ cơ thể. Điều này có thể không ám chỉ "một nửa" của bạn đang lừa dối, nhưng chắc chắn cho thấy có những thông tin anh ta không muốn bạn biết.
Tư thế phòng thủ
Tư thế phòng thủ là một dấu hiệu ngôn ngữ cơ thể rõ ràng và hữu ích cho thấy khả năng tồn tại sự dối trá. Chúng ta có xu hướng khoanh tay khi muốn bảo vệ bản thân trước xung đột. Tư thế này tạo ra rào cản thân thể giữa cảm giác nguy hiểm và/hoặc câu hỏi gây khó chịu và người đặt ra câu hỏi đó. Người nói dối có thể đứng hoặc ngồi, khoanh tay trước ngực hoặc thậm chí sử dụng đồ đạc để tạo rào chắn, giống như đứng sau một cái ghế hay cái bàn. Vị trí của một người khi nói sự thật thường mở rộng hơn, cho phép bạn tiếp cận gần cơ thể họ, đặc biệt nếu cả hai đang có mối quan hệ tình cảm.