Nhưng xã hội ngày nay đã có nhiều thay đổi nên quan niệm xưa cũng đã không còn là chuẩn mực. Anh đã nhận ra điều đó từ trong chính gia đình mình khi chị là người giỏi xoay xở kiếm tiền, đối nội đối ngoại đều tốt hơn anh. Có vợ giỏi giang, tháo vát, anh vừa mừng lại vừa lo. Là đàn ông mà kiếm ít tiền hơn vợ thể nào cũng có lúc chạnh lòng. Đấy là chưa kể việc chị mải lo kiếm tiền nên nhiều khi bỏ bê nhà cửa, không chăm lo nuôi dạy, bảo ban con cái. Chị luôn nghĩ có tiền là giải quyết được mọi việc nhưng anh thì nghĩ khác. Sống trong một mái nhà mà hai quan niệm về hạnh phúc trái ngược nhau nên không thể tránh được nhiều phen cãi vã, nhất là từ khi ngôi nhà mới khang trang được xây lên.
Lấy nhau được bốn năm, anh chị vẫn sống cảnh nhà thuê chật chội. Chị ao ước có một mái nhà riêng đến mức ngày nào cũng nói với anh điều đó. Ban đầu, chị vẽ ra một bức tranh quá đỗi yên bình, thường bắt đầu mọi chuyện bằng câu: “Khi nào có nhà…”. Anh say sưa nghe chị nói và mường tượng ra trước mắt mình hình ảnh chị hạnh phúc chọn mua từng chiếc rèm cửa, bộ ấm chén, những chậu hoa nhỏ xinh hay màu sơn tường mà chị thích. Anh mong chị có những giấc ngủ thảnh thơi sau giờ làm việc, mong có ngôi nhà rộng rãi để chị bày biện cuộc sống theo ý thích, để cuối tuần có thể mời bạn bè đến nhà chơi, quây quần bên nhau trong bữa cơm đầm ấm.
Ở trọ cũng có thể làm được những việc ấy nhưng nó bức bí, ngột ngạt bởi ý nghĩ đó không phải nhà mình, tất cả chỉ là tạm bợ. Cái ý nghĩ tạm bợ ấy giày vò tâm can chị, đến mức nếu lỡ tay mua sắm quá nhiều, chị lại trách móc bản thân phung phí, cần phải thắt lưng buộc bụng hơn. Đêm nằm trong vòng tay anh, chị thở dài vì lãi ngân hàng xuống thấp, vài trăm triệu gửi tiết kiệm tiền lãi chẳng được là bao. Anh xót chị nên càng cố gắng hơn.
Như đã chán với việc ngồi tưởng tượng ra một ngôi nhà yên bình luôn nằm ở thì tương lai, sự chờ đợi khiến chị mệt nhoài qua mỗi lần chuyển chỗ trọ, lang thang khắp nơi không tìm thấy một căn phòng ưng ý. Chị từng phát điên khi nhìn hóa đơn điện nước tính theo giá kinh doanh với chiếc đồng hồ cũ chập chờn tăng vọt; từng uất ức với thái độ săm soi của những người chủ nhà khó tính tận thu đến vài nghìn tiền vệ sinh hay tiết kiệm đến từng giọt nước. Chị từng nhiều lần thức đêm đến mệt nhoài để thu dọn đồ đạc thuê xe ba gác chở đi giữa trời mưa nắng. Anh biết và anh hiểu tất cả cảm giác hỗn độn ấy. Nhưng, cách chị chì chiết anh là thằng đàn ông hèn không biết cách kiếm tiền để vợ con mình khổ cực thì anh không thể chịu đựng được. Chưa khi nào chị và các con thôi là nguồn động lực để anh cố gắng hết sức mình. Không phải thứ gì muốn là có được ngay. Chị cần phải cho anh thời gian, nhất là trong thời buổi khó khăn, người khôn của khó này.
Chị bắt đầu buông lơi gia đình và lao vào kiếm tiền. Khi ngôi nhà mới rộng rãi, khang trang này được xây lên phần lớn nhờ vào tiền của chị, thì dường như ngôi nhà đã không còn là mái ấm. Lúc cơm lành canh ngọt thì không sao, nhưng hễ có chút chuyện xảy ra là chị lại lôi việc mình đã vất vả thế nào để có được ngôi nhà để ca cẩm. Chị trách anh làm khổ đời chị. Anh biến chị từ một công chức nhàn hạ thành con buôn đầu tắt mặt tối. Chị còn trách lúc yêu nhau anh lừa dối chị bằng đủ lời hứa hẹn, thề thốt tốt đẹp để cuối cùng sự thực quá phũ phàng. Anh chỉ biết ngậm ngùi chứ chẳng lẽ lại ngồi phân bua hơn thiệt. Chị vịn vào cớ bận làm ăn để thoái thác công việc gia đình. Con học hành thế nào, ăn uống ra sao chị còn không cần biết thì việc anh nghĩ những gì đâu đáng để chị bận tâm. Chị không biết anh cũng mệt mỏi khi vừa đi làm vừa quán xuyến gia đình thay phần của chị. Anh cô đơn trong ngôi nhà mới mà chị lúc nào cũng chỉ muốn anh phải cảm thấy mình là kẻ chịu ơn. Anh ước gì chị sớm nhận ra hạnh phúc không nằm ở ngôi nhà hay vật chất tiện nghi mà nó nằm ở tình yêu thương và sự cảm thông chia sẻ, thứ mà hình như đã rơi rớt đâu đó trong chặng đường mưu sinh vất vả này. Đã có lúc anh muốn thốt lên rằng: “Có thể em đã xây nhà rất tốt, nhưng chỉ mình anh thì làm sao xây nên tổ ấm?”.