Phàm là phận làm chồng, ai mà chẳng… “nể” vợ mình. Điều này dường như là hiển nhiên, chỉ một số ít mày râu được vợ “nể” lại. Tuy vậy, số phận của những ông chồng “nể” vợ đôi khi cũng có sức mạnh vô hình biến thành cái “oai vệ” tức thời. Và cũng ngay khoảnh khắc ấy, chính các bà vợ lại là người dịu dàng, nhu mì, hiền hậu đến lạ thường.
Sức mạnh từ … bia rượu
Hùng, nhân viên kế toán một công ty may mặc ở quận Bình Tân, TP.HCM, là một ông chồng vô cùng … “nể” vợ. Anh biết lo làm ăn, chịu thương chịu khó, hết lòng vun vén hạnh phúc gia đình nhưng tiếng nói của anh trong nhà vẫn không được “nặng ký” cho lắm. Chính vì sự “nể” vợ mà chị Lan (vợ anh) cứ lấn lướt chồng mình thường trực, làm cho anh mất đi vị thế trụ cột trong nhà.
Tuy nhiên, cũng có đôi lúc anh “ăn gan trời”, dám lớn tiếng với vợ, sai vợ làm đủ thứ chuyện, thậm chí giữa đêm khuya còn ra lệnh cho chị chạy ra chợ mua cháo gà, mà là gà… ta mới chịu. Những lúc ấy, chị Lan bỗng dưng hiền như nai, khác với sự đanh đá thường ngày. Chị không dám nói lại chồng nửa lời, ngược lại còn im thinh thít, lắng nghe, vâng dạ đến phát tội.
Ấy là những lúc anh Hùng nhậu say. Biết tính chồng hễ nhậu vào có ai nói khích, nặng lời, lớn tiếng là máu “ma men” nổi lên, không kiểm soát lí trí, đập phá đồ đạc, đánh vợ, đánh con không thương tiếc. Có lần chị Lan bị đánh bầm mặt, sưng bả vai, chiếc ti-vi siêu phẳng trở thành đống sắt vụn … nên chị bắt đầu sợ tính xấu của chồng trong cơn say. Từ đó chị rút ra kinh nghiệm, thấy chồng nhậu say về là cung phụng hết mình, không dám làm anh phật lòng vì chị nghĩ tài sản mà bị đập phá thì cũng chính mình bỏ tiền ra mua lại, thôi thì nhịn “thằng say” để bảo vệ tài sản và sức khỏe cả nhà.
Tuy nhiên, khi men đã bốc hơi đi, anh Hùng tỉnh rượu, đến lượt chị Lan “trả đũa” lại. Chị là người mẹ nhã nhặn, nên đợi lúc vắng mặt con, hoặc trong phòng riêng, chị mới tra tấn màng nhĩ của chồng. Những lúc này, anh Hùng trở lại ngoan ngoãn như đứa con đang ngồi nghe mẹ giáo dục, hạch tội. Mặc dù sự “nể” vợ của anh Hùng bị bạn bè chế nhạo vì cái tính “ét-vê” (SV: Sợ vợ) nhưng anh không mấy bận tâm, vì anh biết rằng cũng đôi khi anh làm cho vợ mình sợ khiếp vía. Nói vậy chớ anh cũng không nhớ mình đã hành động những gì, vì lúc đó đã “quắc cần câu” rồi!
Sức mạnh từ… tiền lương
Ngày lĩnh lương của anh Toàn, nhân viên công ty bao bì ở Quận 6, TP.HCM, được xem là một ngày tuyệt vời nhất trong tháng. Anh hay ví von rằng ngày đó có thể sánh ngang với ngày Quốc tế phụ nữ, ngày Valentine hay ngày Phụ nữ Việt Nam. Ngày này, anh được vợ chăm chút từ A đến Z, phục vụ tận tình như các cô “chân dài” trong quán nhậu. Chỉ cần vừa bấm chuông cửa thôi là vợ anh chạy ra đon đả ngay, mặt tươi cười như hoa, cử chỉ âu yếm đến bất ngờ.
Bước vào nhà, anh càng ngạc nhiên hơn khi ngôi nhà bừng sức sống vì sự ấm cúng. Vợ anh tắt hết điện chỉ đốt nến thơm, rồi xịt nước hoa khắp phòng và đặt một lọ hoa hồng thơm ngát giống y như trong nhà hàng sang trọng. Trên bàn, thức ăn đã bày biện sẵn với nhiều món nhậu mà anh rất thích, lại thêm vài lon bia Heiniken ướp lạnh.
Nghĩ lại ngày thường, anh nào có được vợ chăm chút như thế đâu. Đi làm về kêu rát cuống họng mới chịu chạy ra mở cửa, mà với vẻ mặt hầm hầm khó coi. Bữa cơm thì lúc nào cũng nhạt thếch, không nhạt vì vị thức ăn thì cũng nhạt vì thái độ của vợ. Mỗi khi thấy anh mua ít lon bia về là chị không vui, gây sự, miệng cứ càm ràm suốt buổi đến nỗi anh chịu không nổi, phải bỏ ra quán tìm bạn lai rai. Mà ra khỏi nhà thì chuyện càng trở nên “bi đát” hơn, chị hung hổ nặng nhẹ anh: “Anh đi luôn đi, đừng về nhà! Ở nhà nhậu cho an toàn, cho khỏe thì không chịu. Bày đặt ra quán cho tốn kém rồi sinh ra nhiều tật xấu”.
Chính vì vậy mà anh không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này, phải tận dụng triệt để để bù đắp lại 29 ngày trong tháng bị vợ hành. Thế là anh sai vợ quay như chong chóng, nào là: Bê thêm thức ăn, khui bia, đánh giày, xoa bóp, châm thuốc lá… Thậm chí, cái kênh phim mà mỗi buổi tối chị vẫn ghiền xem phim nhưng nay lại tự nguyện chuyển qua kênh bóng đá cho anh thưởng thức. Hết bia, chị còn hỏi anh có dùng thêm không để chạy ra ngoài quán mua, kẻo khuya quá người ta đóng cửa. Ai lại nỡ từ chối lời đề nghị vô cùng dễ thương ấy, nhất là những tay khoái “ma men” như anh.
Tuy nhiên, qua hôm sau, cuộc sống trở lại bình thường. Anh không còn được lên thiên đàng nữa mà đã rớt xuống địa ngục. Anh đã chuẩn bị trước điều này nên xem đó cũng là chuyện bình thường. Lương đã trao tay cho vợ rồi, cơ hội làm “ông hoàng” cũng “phá sản”. Sáng hôm sau anh dắt xe đi làm, chị đã oang oang: “Dắt xe nhẹ nhàng thôi, để cho người ta ngủ thêm chút chứ! Bực mình!”. Anh lắc đầu ngao ngán, nhưng cũng ngoan ngoãn làm theo lời vợ như một sự thôi miên. Dù chỉ được một ngày hiếm hoi trong tháng, nhưng anh cảm thấy vui vô cùng.
Cần tôn trọng nhau
Sức mạnh vô hình có thể tiềm tàng và đến một lúc nào đó bộc phát thường trực nếu như người vợ không biết “hạ nhiệt” thái độ của mình. Lúc đó mọi chuyện sẽ càng trở nên rối rắm hơn khi cả hai đều có tính “Trương Phi”. Người vợ cần phải biết tôn trọng chồng, đừng vì một sự tác động mãnh liệt nào đó mà biến mình thành kẻ nô lệ hoàn cảnh. Hãy chứng tỏ mình là người vợ đảm đang, thương chồng bằng sự dịu dàng nhưng quyết đoán, chứ không phải sự “gia trưởng” hay cơ hội.
Về phần người chồng cũng thế, đừng cậy men rượu mà đập phá tài sản trong nhà, động thủ chân tay với vợ con. Nếu biết say quá chén sẽ sinh sự thì nên hạn chế ăn nhậu, hoặc cai được rượu bia thì càng tốt. Gia đình thực sự hạnh phúc nếu như cả vợ và chồng biết góp sức mạnh của mình vào việc xây dựng cho mái ấm thêm vững bền. Đừng vì “bắt mạch” được nhược điểm của người phối ngẫu mà ra sức lấn lướt là điều không nên.