Năm 2000, bố tôi bị bệnh, ông dần dần không thể tự mình đi lại được. Từ lúc đó, mẹ luôn là người ở bên chăm sóc, cơm nước tận tình cho bố. Dù thân hình nhỏ bé, nhưng mẹ tôi vẫn dìu bố lên xuống cầu thang hàng ngày một cách khéo léo mà chẳng cần nhờ ai. Do mệt mỏi trong người nên bố tôi thường hay tự ti, buồn bã, cáu kỉnh.Trong giai đoạn đầu sau khi bị bệnh, chưa thể thích nghi được với thực tại, ông đã có những biểu hiện trầm cảm, nóng nảy, thậm chí còn khóc lóc và chửi rủa người thân xung quanh mình. Với tình cảnh đó, mẹ tôi vẫn âm thầm nhẫn nhịn và bỏ qua. Mẹ vẫn thường bảo tôi: "Trước còn trẻ mẹ mày cũng nóng tính lắm, nhưng giờ nghĩ tội bố mày, thôi cứ để mặc cho ông ấy chửi, ông ấy đuổi, mẹ vẫn chịu được".
Thấy mẹ vất vả, tôi ngỏ ý muốn thuê giúp việc thì bà gạt phắt đi, mẹ nói:
- Mẹ không sao, cũng không thấy mệt. Bố mày bệnh tật đã hay suy nghĩ, giờ thuê giúp việc ông lại cho là cả nhà thấy ông phiền phức, không quan tâm ông. Mà để người khác chăm sóc bố mày mẹ cũng không yên tâm.
Mẹ tự mình chăm sóc chồng bị bệnh mà không hề kêu than (Ảnh minh họa)
Sự nhẫn nhịn cùng với các hành động quan tâm, chăm sóc chu đáo của mẹ và người thân là nguồn động lực mạnh mẽ giúp bố tôi lạc quan hơn cũng như chịu hợp tác điều trị bệnh tật. Nhưng năm tháng trôi qua, sức khỏe của mẹ cũng không còn được như ngày đầu. Tuy vậy hàng ngày bà vẫn cõng bố lên xuống cầu thang, đi lại xung quang nhà, vệ sinh cá nhân... việc mà người đàn ông khỏe mạnh còn thấy mệt vậy mà mẹ chưa bao giờ hé răng kêu nửa lời. Phải thừa nhận "con chăm cha không bằng bà chăm ông", có bàn tay lo toan của mẹ, tình trạng bệnh của bố tôi đã có nhiều tiến triển. Vậy mà còn chưa được hưởng phúc mẹ tôi đã vĩnh viễn rời xa thế giới này.
Hôm đó mẹ đưa bố tôi tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Trong lúc đó bà tranh thủ ra siêu thị bên ngoài bệnh viện mua ít đồ. Bất ngờ một chiếc xe bán tải vượt đèn đỏ đã đầm xầm vào bà, người dân xung quanh vội đưa mẹ tôi vào viện nhưng không kịp. Cũng trong buổi sáng hôm đó, khi mẹ đưa bố đi khám sức khỏe tôi đã từng điện thoại cho bà. Tôi hỏi:
- Vai mẹ có đau không, mẹ đừng cố sức quá. Con đã bảo để con đưa bố đi mà không nghe, tranh thủ vào viện mẹ cũng kiểm tra sức khỏe luôn đi.
Tôi nghe thấy tiếng bà cười trong điện thoại: "Mẹ không sao, mẹ vẫn tốt, con không biết mẹ con mạnh mẽ thế nào đâu". Đó là lần cuối cùng tôi nói chuyện với mẹ, ba giờ sau cuộc điện thoại đó tôi nhận được tin mẹ qua đời. Thậm chí tôi không được nói với mẹ lời cuối.
Tôi không quên cảm giác trống rỗng khi lao tới bệnh viện, khi nhìn thấy bố ôm mẹ trên giường bệnh khóc ngất đi. Nỗi buồn, đau khổ lúc đó khiến tôi như gục ngã.
Sau đám tang, tôi trở về nhà, lên phòng của mẹ và ngồi lại rất lâu. Tôi mở ngăn kéo chiếc tủ đầu giường của bà. Khi mở ra, tôi không khỏi bất ngờ khi trong đó là miếng đệm đầu gối, cao dán và thuốc giảm đau. Trong tủ đầy chặt thuốc, có những vỏ thuốc đã dùng hết...
(Ảnh minh họa)
Tôi đứng lặng người và nước mắt bắt đầu rơi, nghĩ tới những cơn đau mà mẹ phải chịu đựng khi cõng bố đi lại mỗi ngày. Tôi cảm thấy xấu hổ và hối hận tới tận xương tủy, thậm chí không còn sức lực để đóng ngăn kéo lại. Giờ tôi đã hiểu những câu nói hàng ngày của mẹ: "Mẹ ổn", "Người mẹ không có đau" hóa ra toàn là lời nói dối. Mẹ chịu đựng tất cả nỗi đau đớn, khó chịu của cơ thể vì không muốn bố con tôi lo lắng. Mẹ vẫn một mình chăm sóc bố, cõng bố lên xuống cầu thang mặc cơn đau vai, đầu gối... hành hạ.
Tôi mù quáng tin tưởng rằng mẹ có thể làm được tất cả mọi việc. Dù tôi biết một người khỏe mạnh như tôi nếu làm vậy trong nhiều năm trời cũng là việc khó khăn... Tôi tin lời mẹ nói như một cái cớ để biện minh cho sự bận rộn công việc bao nhiêu năm, không san sẻ công việc nhà với mẹ.
(Ảnh minh họa)
Tôi chỉ muốn nói, nếu có thể cho tôi một cơ hội quay lại thời gian, tôi sẽ giúp đỡ mẹ chăm sóc bố, mát xa vai và chân cho bà mỗi ngày. Tôi cũng muốn nói với mẹ, con đã biết hết sự thật rồi, mẹ đừng nói dối mẹ ổn nữa. Và cám ơn mẹ, thực sự cám ơn mẹ...