NAM GIỚI » Đàn ông yêu

Tấm danh thiếp cũ và giọt nước mắt muộn màng của cụ ông

Thứ ba, 01/08/2017 22:16

Trong cuộc đời, chúng ta sẽ gặp rất nhiều người, nhưng luôn có một người khiến chúng ta tươi cười rạng rỡ và đau đớn vô cùng

Câu chuyện về một người đàn ông già khắc khổ cầm mảnh giấy đã nhòe gần hết những con số nguệch ngoạc chạy khắp nhà ga để nhờ 1 cuộc điện thoại khiến nhiều người không ngừng suy ngẫm về cái gọi là duyên phận, là gặp gỡ định mệnh và lựa chọn của con người. Trong nhà chờ đông đúc của chuyến tàu ở Cát Lâm, Trung Quốc, ông cụ Tô ôm chiếc túi vải cũ chạy hết nơi này đến nơi khác để nhờ 1 cuộc gọi cho một người bạn cũ. Phải 5 lần 7 lượt thì mới có 1 người trẻ cho cụ Tô gọi nhờ. Vài phút sau, cô bé cho cụ Tô mượn điện thoại bỗng lặng người khi thấy giọt nước mắt lăn trên gò má cụ. Ông cụ bật khóc như một đứa trẻ rồi ngồi sụp xuống giữa ga chờ khi con tàu chuẩn bị lăn bánh.

Sau những phút bối rối, cô gái trẻ lặng im nghe ông cụ dốc hết nỗi lòng về câu chuyện xảy ra từ nhiều năm trước. Câu chuyện về người phụ nữ từng là tuổi thanh xuân của người đàn ông đang run đôi vai gầy, người phụ nữ không phải là vợ ông nhưng lại là người duy nhất luôn khiến ông cười rạng rỡ và đau đớn vô cùng.

Vốn sinh ra từ một vùng quê nghèo khó, người đàn ông họ Tô phải đi làm thuê để kiếm thu nhập cho gia đình. Bởi vậy, thời trai trẻ, chàng trai tên Tô Vĩ cũng vùi chôn tình cảm của mình với người con gái cùng làng tên là Tuệ Lâm. Cô gái trẻ biết được nỗi lòng chàng trai, bản thân cũng cảm nắng chàng nhưng phận làm con gái sống dưới nếp lề lối ngày xưa vốn không nghĩ đến chuyện chủ động trong tình cảm nên cứ âm thầm chờ đợi nửa kia ngỏ lời. Cô và anh, cả 2 đều chọn cách im lặng với mỗi nỗi trăn trở riêng trong lòng mình.

Cho đến 1 ngày, Tuệ Lâm biết mình phải cùng gia đình chuyển đến Tân Cương ở miền Tây Nam Trung Quốc, cách biệt quê nhà hàng ngàn dặm, cặp đôi trẻ này mới dám thổ lộ tình cảm của mình dành cho nửa kia. Họ vội vàng, cuống quýt bởi thời gian bên nhau không còn nhiều, họ yêu nhau thực sự, từng kỷ niệm, từng giây phút bên nhau vờ như không nhưng kỳ thực đều rất đáng nhớ. Và rồi họ phải chia tay nhau trong nỗi niềm tiếc nuối không nguôi, giá như họ nói với nhau sớm hơn, liệu có phải mọi thứ đã khác. Giờ kẻ Bắc, người Nam, chia xa ngàn dặm, đến gặp nhau cũng khó nói gì đến bên nhau trọn đời.

Thời gian trôi đi, dù vẫn dành cả ký ức cho nhau, vẫn không ngừng hoài niệm về nhau nhưng cả 2 đều bị cuốn theo dòng xoáy của cuộc đời, ai cũng có gia đình riêng, có mái ấm riêng, và chỉ xem nhau là người cũ.

Cho đến 1 ngày người đàn ông tên Tô Vĩ tình cờ gặp lại “người cũ” tại Bắc Kinh, họ chỉ kịp hỏi thăm nhau về sức khỏe, uống với nhau 1 chén trà rồi lại phải tạm biệt. Không phải họ không có thời gian, cũng không phải họ không còn tình cảm. Những gì họ nghĩ về nhau, dành cho nhau vẫn vẹn nguyên như lúc ban đầu. Khoảnh khắc gặp lại, cả vùng trời của tuổi trẻ, của mối tình đầu như ùa về sống dậy trong cả 2. Thế nhưng họ đều biết, cả 2 đều có cuộc sống riêng, ai cũng đã trưởng thành, không nên làm phiền cuộc sống của nhau.

Dù vậy, người phụ nữ tên Tuệ Lâm vẫn để lại 1 mẩu giấy ghi số điện thoại của cô, mong rằng Tô Vĩ có thể liên lạc với mình để trò chuyện như 2 người bạn tâm giao. Bởi cô vẫn tin rằng, mình đã một lần vụt mất tuổi trẻ, nhưng bây giờ mình vẫn chưa già, mình chỉ muốn gặp người mình muốn gặp, nói chuyện với người mình thích khi còn có thể. Về phần ông Tô, thời gian sau đó gia đình ông rơi vào hoàn cảnh khốn đốn với món nợ của đứa con trai lớn gây ra vì cờ bạc, rượu chè nên dù đã lớn tuổi nhưng gánh nặng vẫn oằn trên đôi vai ông. Gánh nặng cơm, áo, gạo tiền khiến ông không nghĩ đến việc liên lạc lại với người phụ nữ Tuệ Lâm nữa.

Vậy là ước mong gặp được người mình thích của bà Lâm cũng bị vùi dập theo thời gian, đến nỗi khi cả 2 già đi, bà vẫn chỉ biết ngóng trông trong vô vọng bởi không có 1 mối liên hệ nào để bà có thể gặp ông. Còn ông Lâm, thi thoảng lại bất chợt suy nghĩ về bà, cái thi thoảng đó, lạnh lùng đến độ tóc cả 2 đã ngả màu bạc trắng theo màu thời gian.

Thời gian gần đây, ông mơ nhiều về Tuệ Lâm, trong cơn mơ ông thấy bà Lâm chơi vơi cố níu tay mình, nhiều đêm ông còn mơ lại cảnh chia ly thời trẻ của 2 người. Ông bắt đầu nghĩ đến việc liên lạc lại với người phụ nữ ấy, ông nghĩ rồi, dù gì cũng đã chín chắn, đã trải qua nhiều biến cố của cuộc đời, bây giờ, gặp gỡ nhau nói vài câu chuyện như 1 người bạn tâm giao có lẽ lựa chọn tốt nhất để bù đắp cho tình cảm của chính bản thân mình.

Nhưng ông không thể ngờ rằng, khi ông quyết định đi tìm lại tuổi thanh xuân của mình thì cũng là lúc bà Lâm đã gần đất, xa trời. Nghe giọng ông trong cuộc gọi đến với số lạ, ở đầu giây bên kia bà đã không giấu nổi nước mắt. Giọt nước mắt của một người bạn già, một thời tuổi trẻ, cũng là giọt nước mắt của người phụ nữ lấy chồng xa xứ với bao nỗi nhớ nhung, tủi cực.

Bao năm qua, bà vẫn giữ hình bóng ông – người khiến bà một lòng thương nhớ, một lòng tin yêu. Bà chỉ mong ước sau cuộc gặp gỡ của 2 người, ông sẽ liên lạc với bà để có thể làm bạn với ông, để thi thoảng hàn huyên, chia sẻ dù chỉ qua điện thoại nhưng mãi đến hôm nay, khi bà nằm trên giường bệnh thì mới nhận được cuộc gọi, mới được nghe giọng ông. Bà quyết tâm không đổi số điện thoại để nhận được cuộc này. Sau nhiều biến cố, số điện thoại là thứ duy nhất bà quyết giữ nguyên đến cùng, thử hỏi mấy ai một lòng ngóng trông, một lòng hi vọng như thế. Sau bao nhiêu hờn trách, bao nhiêu tiếc nuối, chỉ 1 câu xin lỗi của ông, bà đã ấm lòng. Người ta bảo “đủ xa sẽ cũ, đủ lạ sẽ quên” nhưng có lẽ tình cảm bền đẹp trong 2 con người đó dẫu có bao lâu, bao xa vẫn vẹn nguyên như phút ban đầu. Bởi lẽ, “mọi sự non nớt đều là đẹp nhất, niềm tiếc nuối cuối cùng đều để lại ấn tượng sâu sắc nhất”, vì 2 người vẫn chưa dứt duyên, dứt tình, dứt lòng thương nhớ nên tình cảm vẫn khiến họ day dứt không nguôi.

Cuộc gọi đó, là cuộc gọi đầu tiên và cũng là cuối cùng mà 2 người có với nhau khiến ông Tô nuối tiếc, ngậm ngùi. Còn ở bên kia, bà Lâm nhắm mắt, khóe mắt lăn ra 1 giọt nước, còn bờ môi mỉm cười hạnh phúc. Với bà Lâm, đến phút cuối đời được nghe giọng ông đã là một điều tuyệt vời, là cái kết viên mãn mà có nằm mơ bà cũng không dám nghĩ đến. Hóa ra, tận cùng của hạnh phúc đôi khi lại là nước mắt! Còn người ở lại vẫn dằn vặt đau khổ, ông nghĩ lại khoảnh khắc từ biệt ngày thanh xuân, rồi lúc chia ly sau lần hiếm hoi gặp lại, và phút giây hiện tại khi bà Lâm rời xa cõi đời… cả 3 lần đều khiến ông đau đớn vô cùng. Cũng bởi ông không nói ra tình cảm của mình, cũng bởi những bộn bề, những ngược xuôi trong cuộc sống trở thành lý do biện minh cho việc chia ly. Ngày mà bà Lâm rời đi, có lẽ bầu trời vẫn xanh, nhưng xanh màu xanh rất khác, không còn là màu xanh của sự hi vọng nữa mà trở thành cô đơn, thành mênh mang nỗi nhớ khôn nguôi của một người ở lại nhớ về một người từng thương.

Bởi chúng ta nợ nhau một tuổi trẻ, nên sau này, nhớ nhau mãi không quên!

Tình yêu, đến cuối cùng vẫn phải là đi bên cạnh nhau, là mang đến cảm giác nhớ nhung, hạnh phúc cho nhau. Cuộc đời giống như những đường thẳng, nếu có duyên thì trên đường đời ta được gặp nhau, được yêu nhau và được ghi lại những dấu ấn trong cuộc đời nhau. Nếu không con đường đó đi qua cuộc đời, giao nhau và rồi lại đi về hai hướng xa mãi, ngày một cách xa. Để rồi khi xa nhau rồi, nhiều người mới thấy họ còn nợ nhau cả một tuổi trẻ. Thế nên mới có những người ôm hoài một mối tình si, dù có đến với người sau nhưng lòng không ngừng nhung nhớ, hoài niệm.

Bởi vậy, nếu yêu nhau chân thành, hãy trân trọng những phút giây ở bên nhau, để nếu lỡ mai này có phải rời xa nhau thì vẫn có thể mỉm cười hạnh phúc bước tiếp con đường không còn nửa kia mà không hối tiếc điều gì về nhau!

BaothethaoTPHCM
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới