Chào nữ hoàng kiêm con ở Thanh Huyền!
Xin lỗi vì đã dùng lại chính từ chị tự thuật về mình. Tôi không hề có ý châm chọc, giễu cợt hay chê bai chị đâu. Đơn giản, tôi thấy chị cam chịu đổi vai áo từ người yêu được chiều chuộng sang người vợ nhẫn nhịu dễ dàng quá. Chị coi đó như là thiên chức, trách nhiệm và số phận của chị vậy.
Chị đừng vội bao biện tôi quy chụp cho chị những từ không đâu. Bởi nếu chị có ý thức về giá trị bản thân mình thì sẽ không bị chồng coi thường.
Bất giác, chồng chị đã thiếu tình thương với vợ bởi chị chẳng biết thương chính bản thân mình. Thế nên chị than thở cũng chỉ thiệt thân thôi. Chị tự biến mình thành hoa dạt bèo trôi thì cũng đừng nên trách chồng hay đổ lỗi cho những người xung quanh mới phải.
Tôi, một người đàn ông đã hiểu cho tình cảnh của phụ nữ chứ mấy ai thấu tâm tư của đấng mày râu. Tôi muốn làm người chồng hoàn hảo, người cha mẫu mực. Song vợ tôi, con tôi và những người bên tôi đã tước mất của tôi cái quyền cao quý ấy.
Mà họ tước quyền đàn ông của tôi bằng cách đánh hội đồng và dứt doát mới sợ chứ. Khi cái mầm mống bình quyền trong tôi vừa trỗi dậy sẽ bị ném lửa vào thiên rụi tức thì.
Hơn hai mươi năm sống trong cảnh cảm thương mẹ, chị và em, tôi thề lòng sẽ làm người đàn ông tử tế trong gia đình. Tôi không muốn giọt nước mắt và sự khóc khan sẽ lặp lại với vợ và con gái tôi.
Yêu nhau ba năm, kết hôn hai năm, cuối cùng tôi đã thành chồng và được làm cha như mong đợi. Cái kế hoạch nhân tâm nung nấu bao năm cũng đến hồi được thể hiện. Tôi vui ra mặt và hãnh diện vì điều đó.
Trong lúc vợ trông con, tôi tranh thủ ngiặt qua chậu quần áo của cả nhà trước khi đưa vào máy giặt cho sạch sẽ, thơm tho. Cuối ngày, vợ tôi thu quần áo với cái mặt nhăn nhó. Vợ bảo: “Ngâm comfo chưa đủ thời gian nên nắng mất mùi đồ của con rồi”. Không sao, tôi sẽ cẩn thận hơn.
Lần sau, vợ quăng ngay cái váy vàng vào người tôi quát lớn: “Sao anh vô tâm tới mức giặt đồ màu với đồ màu sáng. Nhìn cái váy vàng loang lổ màu đỏ này xem đi”. Tôi tưởng hàng vợ mua trong shop xịn nên bền màu. Ai dè, phải nghe điệp khúc tức tưởi của vợ: “Trời ơi, hơn triệu của tôi đi tong rồi”.
Tôi đi chợ thì vợ chê mua đắt, nấu cơm thì vợ trách “nấu bữa cơm mà lâu như mỏ bò”, quét nhà thì vợ bảo “mất tiêu đâu cái xúc xắc của con trên sàn nhà”… Nói chung tôi bị vợ liệt vào hàng “đoảng, đần”.
Không sao, “đoảng, đần” mà nuôi được vợ đẹp, con khôn, tôi cũng cam chịu. Người ta bảo hạnh phúc của đàn bà nằm ở nụ cười. Dù vợ tôi có cười hô hố chứ chẳng cười mỉm thì có sao vì tôi cũng nghĩ chẳng ai hoàn hảo cả.
Nhưng vợ tôi được sướng sinh bướng. Nàng hỉ hả đi lu loa với hàng xóm và cơ quan tôi về “chồng vụng”. Mấy bà hóng chuyện ở xóm kết tội tôi là “đàn ông mặc váy”, còn đồng nghiệp cười bảo: “dại thế, để vợ nó cưỡi lên đầu”.
Trong lúc bị tứ bề chỉ trích “vì tôi đã giành quyền đàn bà của họ”, vợ tôi lại dõng dạc tuyên bố: “Từ nay đừng có mó tay vào việc nhà là phúc cho vợ rồi”. Trời ơi, thì ra bao lâu nay tôi bị coi là cướp không công to việc lớn trong nhà của vợ, khiến cô ấy không được đóng vai vợ đảm.
Tôi chỉ muốn làm người chồng tử tế, thương vợ, yêu con. Tôi định vị được giá trị của vợ trong gia đình. Vì thế tôi yêu thương và tôn trọng cô ấy, chia sẻ việc nhà với vợ. Song ai cho tôi quyền được bình đẳng?
Nhìn mấy anh Tây trẻ “tay xách nách mang” đồ đạc để vợ chuyên tâm bế con mà tôi khâm phục quá. Đến bao giờ phụ nữ Việt mới ý thức đầy đủ về quyền làm chồng của cánh mày râu chúng tôi?
Tôi hy vọng giấc mơ được làm người chồng hoàn hảo của đàn ông Việt sẽ trở thành hiện thực trong ngày không xa. Nhưng từ giờ tới lúc đó, tôi vẫn bị xem là “đoảng, đần, cướp phần việc nhà của vợ”.
Xin các chị em một lần suy nghĩ lại để cánh đàn ông sống đúng với giá trị đích thực của mình. Nếu không, các anh em, chúng ta có nên làm cuộc cách mạng đòi nam quyền chứ nhỉ?