Chị chủ tịch Công đoàn bất ngờ xuất hiện ở nhà trọ khiến anh em hết hồn. Ai cũng đinh ninh công ty sắp sửa cắt giảm lao động. May quá, lần này không phải vậy. Chị vừa trông thấy anh em quây quần, đã kêu lên: "Trời ơi, nhậu nữa hả?". Rồi chị sà xuống ngồi bên cạnh :"Cho chị một ly coi".
Không khí tự nhiên cởi mở hẳn. Tụi tôi lăng xăng lấy chén đũa, gắp mồi, rót rượu cho chị. Chắc cũng phải hơn 1 năm rồi mới thấy chị chủ tịch của chúng tôi xuất hiện ở nhà trọ. Lần trước là khi trong khu trọ có một nữ công nhân sinh con mà không có tác giả. Chị xuống hỗ trợ làm giấy khai sanh, đăng ký tạm trú cho hai mẹ con.
"Lâu lắm rồi không có ai đẻ nữa nên chị không xuống phải không?"- thằng bạn cùng phòng của tôi nói đùa. Chị chủ tịch háy nó: "Tui cũng không ham đi thăm mấy trường hợp như vậy đâu. Dù sao thì có chồng, có vợ đàng hoàng vẫn tốt hơn. À, mà nè, sao lâu quá không có đứa nào mời đám cưới hết vậy ta?".
Chưa ai lên tiếng trả lời thì chị đột ngột chỉ mặt tôi: "Thằng Tuấn chừng nào cưới? Định để con gái người ta chờ hoài sao?". Tôi thật sự rất cảm động trước sự quan tâm này nhưng cũng rất bối rối: "Dạ, tụi em… chia tay rồi". Nghe tôi nói vậy, chị tròn mắt: "Sao lại chia tay? Hồi trước công ty đi chơi, chị thấy hai đứa gắn bó lắm mà?". Tôi đành thù thiệt: "Xa xôi quá chị ơi. Em theo cô ấy về ngoài kia một lần, sợ luôn".
Nhà Hương, người yêu cũ của tôi ở Quảng Bình. Khi quen nhau, Hương cũng kể với tôi về gia cảnh của mình. Cha mẹ làm nông, nhà còn 4 đứa em đang tuổi ăn học. Hàng tháng, Hương phải dành dụm để gửi tiền về phụ giúp cha mẹ nuôi em. Thoạt nghe tôi nghĩ chuyện đó cũng bình thường vì bạn bè của tôi, 10 người thì hết 9 người đi làm công nhân là để lo cho gia đình. Hương của tôi cũng không ngoại lệ.
Vì yêu thật lòng và quyết đến với nhau nên dịp Tết hai năm trước, tôi theo Hương về thăm gia đình, cũng là để "ra mắt" cha mẹ vợ tương lai. Năm đó mãi đến 28 Tết chúng tôi mới được nghỉ. Lúc đó xe cộ cũng khó khăn nên đành phải đu theo xe dù. Sau hai ngày 1 đêm bị quăng quật trên xe, tôi cũng về tới quê của Hương.
Ở chơi mấy ngày Tết, lại vật vã đón xe trở vào. Sau lần đó, chẳng hiểu sau, tôi bỗng thấy... nản nản. Tôi nghĩ tới đường xá xa xôi, nghĩ tới bầy em nheo nhóc của Hương, nghĩ tới cha Hương bị bệnh cột sống có khi phải nằm một chỗ... Tự dưng tôi mất khí thế. 6 tháng sau, tôi quyết định nói lời chia tay.
Thằng Phong, bạn tôi thì bị người yêu bỏ sau 2 năm tìm hiểu. Lý do là vì lương công nhân bèo bọt quá, Phong không chăm sóc tốt cho người yêu nên cô ấy đi với người khác.
Trong khu trọ của chúng tôi ở phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP HCM cũng có mấy cặp để ý nhau nhưng mãi cũng không thấy cưới. Phần vì không muốn bị ràng buộc, phần vì công việc vất vả quá không còn sức để yêu, phần vì nhìn gương những người đi trước thấy nheo nhóc cực khổ quá nên sợ.
Nhưng lý do lớn nhất mà mấy thằng đực rựa ngại lấy vợ là vì nhắm mình không kham nổi vai trò trụ cột trong gia đình. Anh Huỳnh, lớn tuổi nhất đám, năm nay đã 42 tuổi mà vẫn là "chiến sĩ phòng không", nói với chị chủ tịch: "Cưới vợ mà không lo nổi cho vợ con thì cưới làm gì? Hơn nữa, mấy cô, mấy chị cũng chê tụi tui nghèo, mần không đủ ăn ở đó mà đèo bồng! Buồn lắm chị ơi. Tụi tui cũng ế mắc chết đây nè".
"Vậy hỏng lẽ tụi bây ở vậy luôn? Buồn chết..."- giọng chị chủ tịch buồn buồn. Bữa nhậu bỗng lặng đi. Đúng là tới tuổi dựng vợ, gả chồng mà kiếm không ra người để làm chuyện đó thì cũng buồn. Ba má tôi cứ hối thúc về quê cưới vợ. Nhưng nghĩ tới cô gái mà ba má định cưới cho mình, tôi đã muốn trốn luôn ở trên này. Không quen biết, không có tình cảm, cưới về tôi lại bỏ con người ta đi biền biệt thì có phải là mang tội hay không?
"Chị có cách gì làm cho tụi em... có giá lại không chị?"- bạn Phong của tôi hỏi chị chủ tịch. Chị nói thân tình: "Ở công ty có cả bầy con gái mà tụi bây kiếm không ra thì chị cũng... thua! Thôi thì cố gắng làm lụng, dành dụm; bớt nhậu nhẹt, hút thuốc, chơi bời linh tinh thì may ra có dư chút đỉnh mà cưới vợ. Người ta sống được, mình sống được. Chỉ tại tụi bây kén chọn quá đó thôi".
Có đúng là chúng tôi kén chọn quá nên... ế cả hội hay không? Nhưng phải nói thật rằng cuộc sống bây giờ có quá nhiều khó khăn, rào cản mà những người trẻ như chúng tôi khó thông cảm và cũng không có ý chí để vượt qua.
Lâu lắm rồi quanh tôi chẳng còn thấy chuyện "Yêu nhau mấy núi cũng trèo; mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua". Bây giờ người ta sống thực dụng hơn, sức chịu đựng kém cỏi hơn và nghĩ tới bản thân mình nhiều hơn là vì người khác...