NAM GIỚI » Đàn ông yêu

‘Vợ không còn ngực, anh vẫn yêu’

Thứ bảy, 20/10/2012 12:03

Hoan nghĩ, nếu vợ cứ vì chuyện không còn ‘núi đôi’ sau phẫu thuật ung thư mà cự tuyệt chồng thì anh sẽ đưa chị đi ‘làm mới’.

“Anh sẽ đưa em sang Thái Lan làm ngực”

Phần lớn các ca ung thư vú ở Việt Nam không được phát hiện sớm, vì thế chẩn đoán ung thư vú gần như đồng nghĩa với phẫu thuật. Trường hợp tốt nhất, bệnh khỏi, nhưng phần ngực không lành lặn đã lấy đi của họ rất nhiều niềm vui sống, nhất là với những người chưa đủ già để thờ ơ với nhan sắc và chuyện yêu đương.

Chị Hoài là một người như thế. Ở tuổi 38 chín muồi về nhan sắc, con cái lại đã lớn nên cảm xúc ái ân nồng nàn như buổi tân hôn, chị bị cắt ngực phải. Sau một thời gian dài trải qua các quá trình trị liệu, bác sĩ nói cơ thể chị đáp ứng điều trị rất tốt, nhiều khả năng sẽ khỏi.

Trước đó, Hoài nghĩ chỉ cần được sống đã hạnh phúc lắm rồi, nhưng lúc này khi hy vọng dâng tràn, chị bắt đầu nghĩ đến vẻ đẹp của bầu ngực đã không còn, và đến chuyện vợ chồng. Hằng ngày đi làm, Hoài độn miếng silicon vào bên ngực khuyết, mọi người đều khen trông chị vẫn đẹp mặn mà, quyến rũ như xưa.

Nhưng chị buồn thảm nghĩ, cái vỏ bề ngoài thì nói làm gì. Đẹp mấy thì đẹp, cơ thể khuyết một bộ phận đã đủ  ghê sợ rồi, đằng này chị lại bị cắt mất biểu tượng giới tính, làm sao không gây phản cảm khi thoát y được. Nghĩ vậy, Hoài dứt khoát không cho chồng đụng vào người, không muốn hình ảnh của mình xấu xí trong mắt anh.

“Đến em nhìn còn thấy kinh tởm thì làm sao anh chịu được. Có thể anh sẽ giả vờ cho em khỏi buồn, nhưng em không muốn đày đọa anh”, Hoài khăng khăng, dù anh Hoan chồng chị khẳng định là tình cảm dành cho vợ không bao giờ thay đổi. Chị đuổi chồng ra phòng khách rồi nằm khóc nghẹn. Suốt nhiều tháng trời, Hoài cự tuyệt chồng, rồi một hôm tuyên bố chị muốn giải phóng cho anh, vì anh đang ở tuổi phong độ, không thể gắn bó mấy chục năm nữa với người không toàn vẹn như chị.

Hoan biết, tuy Hoài nói vậy nhưng nếu bị chồng bỏ rơi, chị sẽ không còn đủ nghị lực để sống, và anh cũng không có lý do gì để làm việc đó. Hoan lặng lẽ gửi email cho một số chuyên gia, và trực tiếp đến gặp vài bác sĩ để tư vấn. Khi đã đủ thông tin, anh nói với vợ: “Với anh thì không sao, nhưng nếu em vì chuyện ấy mà đòi bỏ anh thì anh sẽ đưa em đi Thái Lan làm ngực mới”. Ý tưởng của chồng khiến Hoài như được hồi sinh.

Giờ thì với đôi gò bồng đảo khá cân đối, Hoài không còn đau khổ vì tuy yêu chồng mà vẫn phải xua đuổi anh nữa. Tâm trí được nhẹ nhõm, tự do, chị yên tâm sống, làm việc và… yêu.

Mẹ rụng hết tóc, bố con cũng cạo trọc đầu

Với một phụ nữ mới đón sinh nhật thứ 30 như Dương, vợ Bình, chuyện nhan sắc bị hủy hoại do ung thư cũng khủng khiếp như sự chết chóc mà bệnh này mang lại. Nỗi đau vì bị cắt một bên vú chưa dịu đi, Dương lại thêm tuyệt vọng khi tóc cứ rụng dần đi sau những đợt hóa trị. Rồi đến lúc, cô chỉ khẽ đưa tay lên gãi đầu là đã lôi xuống cả mảng tóc, những động tác trở mình trên gối cũng khiến tóc rời đầu từng nắm một. Cô đã ném vỡ mấy cái gương.

Bình mua về cho vợ mấy bộ tóc giả rất đẹp. Lúc nào Dương cũng trang điểm nhẹ và đội tóc giả, trông khá tươm tất. Sợ chồng thấy mình xấu, cô đội tóc giả cả khi đi ngủ. Nhưng đêm nào cũng vậy, mái tóc giả vẫn trượt khỏi đầu cô trong giấc ngủ và khi tỉnh dậy, Dương lại khổ sở thấy mình hiện ra trong mắt chồng với cái đầu lởm chởm chân tóc, trông tiều tụy và thảm hại. Cô lại khóc, cứ đòi ngủ riêng.

Nghĩ mãi, Bình cũng tìm ra được một cách đông viên vợ. Sáng chủ nhật, anh mang thằng con trai 7 tuổi cùng ra hiệu cắt tóc. Hai bố con trở về với cái đầu trọc tếu. “Bây giờ thì cả nhà mình đều trọc nhé, chẳng ai hơn ai. Mẹ Bi ở nhà không phải đội tóc giả làm gì cho nó nóng. Bao giờ mẹ hóa trị xong, tóc mọc lại thì bố con mới để tóc”. Dương phì cười rồi rơm rớm nước mắt. Hiểu rõ lòng chồng, cô không còn thấy mặc cảm hay sợ chồng chê mình xấu nữa.

Biết chuyện của Bình, nhiều người cảm động khen anh tốt với vợ. Nhưng cũng có người nói anh bốc đồng, thiếu gì cách động viên vợ mà làm cái việc chẳng phù hợp chút nào với nghề nghiệp như thế. Bình là giảng viên, đứng trước hàng trăm sinh viên mà đầu trọc lốc, trông lấc ca lấc cấc như một thằng đầu gấu thế thì còn ra thể thống gì.

Nhưng Bình hiểu giá trị của việc mình làm. Anh muốn chia sẻ với vợ cả cám giác bị đánh giá, soi mói về hình thức nữa. Nếu như anh bị người ta chê bai, dè bỉu vì cái đầu trọc thì cũng có đáng gì với những gì vợ anh phải chịu. Nhưng không ngờ, chuyện anh cạo đầu vì vợ lại lọt vào tai vài cô cậu sinh viên trọ gần đó, rồi lan nhanh. Trước những người trẻ tuổi lãng mạn đó, Bình trở thành một biểu tượng chung tình và cao thượng.

“Cô ấy hành hạ thế nào, con cũng chịu hết”

Chuyện anh Hùng (40 tuổi, làm việc trong ngành ngân hàng) nuôi vợ bị ung thư, khiến ai biết cũng cảm phục, không chỉ vì anh đã bán hết tài sản, cả tòa nhà lớn trên phố, đổi sang ở một căn chung cư nhỏ để lấy tiền chạy chữa cho vợ, dù biết chắc chị sẽ không qua khỏi. Người ta phục còn vì anh tận tâm chăm vợ từng ly từng tí, và chịu đựng tính nết ngang trái, thậm chí là tai ác của vợ - hậu quả của tình trạng tuyệt vọng – với một sự nhẫn nại vô biên.

Chị Mai vợ Hùng vốn là người rất tốt, thương chồng nhất mực. Thế nhưng đứng trước thực tế mình sẽ phải chết trong chưa đầy nửa năm nữa, chị không thể cam lòng. Chị sợ hãi, tiếc đời, thấy ghen tị và giận dữ với những người được sống, những người dù có thương chị đến mấy thì cũng không thể chia sẻ cơn đau với chị, không thể chết thay cho chị.

Vì thế, mỗi lần đau đớn, bức bối trong lòng, chị Mai lại đem người nhà ra hành hạ. Nhưng bố mẹ đẻ ở xa, bố mẹ chồng thì không thể hỗn láo, con còn nhỏ, nên bao nhiêu cay đắng, chị trút hết cho chồng. Bữa cơm, chị hoạnh họe cái này không ngon, cái kia dở tệ, bắt chồng đi mua đổi hết thứ này đến thứ khác. Bệnh mãi không giảm, Mai đổ tội cho chồng không phải máu mủ ruột rà nên không thương, mua thuốc rẻ tiền cho vợ. Các bác sĩ không nhận chị vào chương trình thử nghiệm liệu pháp mới, chị khóc lóc rủa chồng là anh độc ác, cố tình xui bác sĩ không chữa cho chị, để cho chị mau chết…

Đôi lúc trấn tĩnh lại, Mai biết đằng nào mình cũng chết thì có bán nốt căn hộ đang ở để chữa cũng chẳng ích gì, chỉ tội hai bố con sau này thành ra vô gia cư. Nhưng khi nghĩ đến số phận của mình, chị lại cho rằng dù không cửa nhà thì bố con Hùng vẫn còn sướng chán so với chị, vì họ được sống. Thế là cứ nghe ai nói ở Mỹ, ở Anh có thuốc nào tốt là chị bắt chồng phải đặt mua bằng được, không cần biết có hợp với mình không. Nghe nói bên Trung Quốc có loại thực phẩm chức năng nào đó chữa bách bệnh, giá 130 triệu đồng một đợt uống, Mai cũng đòi mua. Hễ ai can là chị lôi chồng ra chửi.

Hầu như ngày nào, chị Mai cũng chửi mắng và đổ tiếng ác cho anh. Cả bố mẹ vợ mỗi lần đến thăm cũng xót con rể. Nhưng anh bảo với họ: “Mai có mắng, có chửi, có hành hạ con thế nào, con cũng chịu hết. Cô ấy còn có cách nào để đỡ khổ đâu bố mẹ ơi”. Hùng hiểu rằng, dù gia đình có ở bên cạnh chăm lo từng chút, con người ta vẫn luôn cô đơn trong cơn bệnh và cái chết của mình. Mỗi lần bị hành hạ, Hùng chỉ càng thêm đau xót vì thương vợ.

Rồi Mai qua đời sau khi để lại cho chồng khoản nợ khổng lồ. Nhiều người vẫn bảo Hùng ngớ ngẩn, vợ đằng nào cũng chết thì lẽ ra phải để tiền lại mà nuôi con. Nhưng Hùng nghĩ chắc con lớn lên cũng sẽ ủng hộ mình. Dù nợ nần, nhưng anh đã có được điều quý giá nhất: hai bố con sẽ không phải ân hận suốt đời vì đã bỏ rơi mẹ, và vợ anh, dù đau đớn, vẫn đã được sống trong tình yêu và sự tận tâm của người thân cho đến phút cuối cùng.

Xzone
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới