Ngày nào vợ cũng lên giọng gọi chồng ‘anh ơi, lên rửa bình sữa cho con đi, lên pha sữa con đói rồi. Mang cho em bộ quần áo lên đây, đóng bỉm cho con còn đi ngủ…’. Ban đầu mới có con, tiếng gọi ấy còn lọt tai, còn thân thiện. Sau một thời gian dài, khi con đã lớn, sao tiếng gọi ấy lại chua chát, nghe chói tai đến vậy. Và càng ngày tôi càng cảm thấy giọng của vợ mình không còn được trong trẻo, dễ thương như ngày trước, thay vào đó là một chất giọng khó chịu, đầy bực bội mà mỗi lần nghe được, tôi cảm thấy tức điên, nóng ran cả người.
Từ ngày có con, cuộc sống vợ chồng không còn bình yên như trước. Con nằm giữa, rồi mỗi lần con khóc, cả vợ cả chồng đều hò hét nhau dỗ con. Rồi con đói, lại phải dậy pha sữa này nọ. Cuộc sống vợ chồng đã có một sinh linh bé nhỏ chen ngang. Niềm hạnh phúc vô bờ lúc đón con chào đời rồi hứa hẹn sẽ chăm sóc con chu đáo này kia nhưng có lúc con quấy, phận làm đàn ông, làm chồng lại thấy bực bội trong người. Đàn ông mà, tôi là đàn ông nên tôi luôn nghĩ, chuyện chăm con là chuyện của chị em. Cánh đàn ông chúng tôi bàn tay sần, chai sạn, thô ráp, có động vào con cũng không được mềm mãi, ru con ngủ cũng chẳng khéo được như đàn bà, giọng không ngọt ngào đưa tiếng, nên chúng tôi chẳng dám nhận trọng trách cao siêu này.
Nhưng mà, cuộc sống và những bộn bè lo toan cứ cuốn con người vào làm tôi làm chồng đôi lúc cũng quên đi trách nhiệm của mình. Tôi không thể hiền lành, không thể nhẹ nhàng được như trước. Mặt tôi hay cau có khó chịu mỗi lần vợ than vãn tiền nong rồi than vãn chuyện con cái.
Tôi cảm thấy mệt khi vợ mang chuyện công ty về nhà, rồi lại thở ngắn than dài với tôi. Cảm giác đó thật khó chịu biết bao. Tôi từng là một gã đàn ông tự do, chỉ được vợ phục vụ và bây giờ, phải phục vụ vợ con, rồi suốt ngày nghe vợ sai bảo, cảm thấy thằng đàn ông trong mình nó hèn đi, hèn đi nhiều ấy. Tôi không thích cái kiểu đàn bà chỉ tay năm ngón với tôi, càng khó chịu khi vợ quát tháo trước mặt người nhà tôi. Tôi luôn nghĩ, làm đàn ông phải có bản lĩnh, phải thể hiện được bản thân mình chứ không thể để cho vợ xỏ mũi.
Lắm lúc tôi khó chịu, hàng tháng đã đưa lương gần hết cho vợ, chỉ giữ lại vài triệu tiêu pha linh tinh, vậy mà có khi vợ còn kêu tôi hoang phí. Tiền ở đâu ra mà hoang với phí. Nhưng mà vợ cũng chỉ nói vậy, có ý nhắc nhở tôi tiết kiệm chứ không đay nghiến gì chồng. Có việc gì trọng đại trong nhà, có việc tôi cần dùng tiền, chưa cần hỏi vợ đã chủ động đưa. Điều này tôi ghi nhận. Tôi cảm giác, vợ cũng biết điều trong khoản tiền nong. Giữ tiền của chồng, chỉ để tiền ăn, uống nước cho chồng nhưng mọi việc khác, vợ tự giác lấy tiền ra chi tiêu cả.
Nghe bạn bè nói, tôi như thế là hèn. Họ kích bác tôi, nói tôi không thể để vợ dắt mũi, tiền của mình, mình phải được giữ, được tiêu pha xả láng, phải là người tay hòm chìa khóa. Ở nước ngoài, người ta thảnh thơi chuyện tiền nong, tôi làm ra tôi tiêu, anh làm ra anh tiêu, việc ai người nấy tiêu. Nếu như không thể thì sau này có chuyện lớn mới góp vào, còn bây giờ tiền tiêu vặt, ai có quyền cấm mình.
Tôi nghe cũng thấy có chút hợp tình hợp lý nên về nhà sinh sự với vợ. Tôi bảo vợ không được giữ hết tiền của chồng, hàng tháng tôi chỉ góp tiền nuôi con, coi như là có trách nhiệm với con cái và gia đình, còn vợ không được điều khiển tôi, cũng không được quát tháo chồng. Đàn ông nói, đàn bà như cái thùng không đáy, đưa tiền cho các bà ấy thì bao nhiêu chả hết, tôi cũng nghĩ vậy và nghĩ vợ mình cũng đang cố tình lên mặt, kiểm soát chồng, lần này phải cho biết tay.
Xưa nay, tôi vốn ngưỡng mộ anh bạn hàng xóm vì lần nào gặp tôi, anh ấy cũng khua môi múa mép rằng, anh ấy quản được vợ, khoản tài chính thì vợ không dám động vào rồi. Anh này còn nói, dạy vợ cho ra trò chứ không phải là cái chuyện để cho vợ thích làm gì thì làm.
Hôm rồi, tôi sang định tư vấn anh bạn mấy chiêu ‘trị vợ’. Ai ngờ, vừa tới ngõ đã thấy bà vợ đành hanh chửi ông chồng tới tấp. “Đồ ăn hại, tháng tháng bảo đưa tiền mà lại còn rút lõi. Làm thì không ra tiền chỉ biết nhậu nhẹt bạn bè, bù khú, không ra làm sao. Tôi đã nói với anh bao nhiêu lần rồi, có vợ con rồi thì phải khác, đừng có nghĩ người khác ăn của mình rồi họ trả lại, không có chuyện đó đâu’. Anh này đáp lại ‘hôm qua mới tiêu có vài trăm chứ mấy’. Rồi cô vợ quát lại ‘thế 200 nghìn tôi đưa hôm qua, ông tiêu gì hết rồi… Ông lại mang đi biếu bố mẹ ông hả?’.
Nghe đến đây, tôi ngán ngẩm luôn. Ông bạn mà tôi lúc nào cũng ca ngợi, cũng này kia, đao to búa lớn lắm ai ngờ chỉ là tay ‘chém gió’. Hóa ra, vợ ông ấy còn ghê gớm gấp bạn vợ mình. Nghĩ lại, vợ tôi trước giờ chưa bao giờ thắc mắc chuyện biếu tiền bố mẹ chồng. Gia đình có việc gì, có khó khăn gì hay bố mẹ ốm đau, vợ chi tiền ngay, và chu đáo vô cùng, không bao giờ thắc mắc. Chuyện tôi có việc, vợ chủ động đưa tiền cho tôi. Ít ra, với bạn bè tôi vợ cũng luôn tế nhị nhắc nhở ‘anh ăn nhậu ít thôi, vì mình ăn của người ta, sau mình phải trả lại chứ không thể chai mặt đi ăn của thiên hạ mãi được. Nếu mà anh ngại thì mời bạn bè tới nhà, em nấu nướng cho rẻ, chứ đừng có đi ra hàng quán tốn kém vài triệu lại không ra làm sao cả’. Vợ cũng chưa từng tra khảo xem, 2 trăm nghìn tôi tiêu gì mà hết…
Nghĩ lại, thấy vợ mình còn dịu dàng chán, còn tốt chán và cũng tâm lý với chồng chán. Cuộc sống vợ chồng có bộn bè lo toan, nhất là khi có đứa con. Vợ một mình chăm con đêm ngày, vất vả, mất ngủ, mệt mỏi, sai chồng, quát chồng cũng là chuyện có thể hiểu và thông cảm. Bây giờ nghĩ lại, tôi có cảm giác, mình có lúc hơi quá với vợ chứ không phải quá với mình. Tôi yêu vợ khi thấy cảnh ông hàng xóm như vậy và thầm thương cho ông, lấy phải bà vợ ki ke còn đành hanh…