Anh yêu cô và đưa cô về ra mắt. Buổi ra mắt không giống như anh tưởng tượng bởi bố mẹ anh không thích cô. Họ thì thầm với anh rằng nếu anh cưới cô thì anh sẽ không thể hạnh phúc bởi nhìn mặt cô không có hậu. Anh chỉ cười rồi bỏ ngoài tai bởi bố mẹ anh cũng như mọi người ở quê luôn thích con gái có nét Á đông, cứ phải mắt tròn, da trắng, tóc đen, còn cô là vẻ đẹp đặc trưng cá tính, cằm nhọn, tóc nhuộm vàng, thậm chí cô còn xăm hai con rết ở tay nữa. Anh thích sự đặc biệt như vậy và anh tin vào sự lựa chọn của mình. Anh cho rằng nếu cưới một người vợ bình thường thì quá dễ, tìm được cô mới khó.
Vậy mà anh không ngờ, sự cảnh báo của bố mẹ anh đang trở thành sự thật.
Vợ anh biết được bố mẹ anh không ưa cô vì hình thức. Nhưng thay vì việc để cho gia đình cô nhìn nhận tích cực hơn thông qua tính cách của mình thì cô lại làm ngược lại. Cô luôn khó chịu mỗi khi nghĩ đến ánh mắt không vui vẻ của bố mẹ anh. Cô luôn hành hạ bằng những câu hỏi: “sao bố mẹ anh cổ hủ vậy?” “bố mẹ anh làm em thất vọng quá đấy”. Mặc cho anh an ủi cô rằng đó chỉ là quan niệm của bố mẹ cô nhưng cô vẫn không hết khó chịu.
Ngày cô sinh con, mẹ anh lật đật từ quê lên để trông cháu. Bà mang theo nào là gà, nào gạo, nào là nghệ để cô ăn uống tẩm bổ. Nhưng đáp lại với vẻ nhiệt tình hồ hởi của mẹ anh, cô chỉ lạnh lùng bảo: ‘nhà chật chội, mẹ gửi hết những thứ đó về quê đi, không thì mang cho hàng xóm, con không thích”. Mẹ anh dù buồn bã tiếc nuối nhưng cũng không dám trái lời con dâu, đành phải đứt ruột mang đồ sang biếu hàng xóm.
Thời gian cô nằm nghỉ sinh, bà lật đật nấu hết món nọ đến món kia nhưng chả mấy khi cô đụng đũa. Bà bảo cô ăn móng giò cho nhiều sữa, cô bảo sợ béo không ăn. Bà nấu đồ ăn cho nghệ vào cô bảo kinh không ăn. Nhiều khi bà buồn than thở với anh thì anh chỉ nói: “thôi, tính nhà con thế, mẹ chấp làm gì”.
Mà cô lại còn giỏi che giấu, mỗi lần anh đi ra khỏi nhà là cô nằm ườn xem ti vi và lướt facebook, mặc cho mẹ chồng hết trông cháu rồi lại đi giặt đồ cho cháu, đến giờ lại sấp ngửa đi chợ mua đồ nấu cơm. Thế nhưng đến giờ anh gần về đến nhà là cô lại thay bộ quần áo nhăn nhúm rồi trông con hay giả bộ quét dọn nhà cửa. Nhiều đêm thấy vợ ngủ trong trạng thái đầu tóc bù xù rồi than phiền mệt mỏi, anh thầm trách mẹ đã quá cay nghiệt với con dâu…
Thế rồi cháu đã hơn 3 tháng, mẹ anh ngỏ lời với vợ chồng anh là vài bữa nữa sẽ về quê vì bố anh đang bị ốm. Bà cũng ngỏ lời vay vợ chồng cô 15 triệu để đưa ông đi mổ sỏi thận. Anh chưa kịp phản ứng thì cô đã nhanh nhảu: “ôi giời, mổ rồi lại đầy sỏi, mổ làm gì cho tốn tiền, trong tủ của con có tiền, còn hơn 10 triệu nữa nhưng con để dành vì cháu còn nhỏ quá, khi nào cháu cứng cáp thêm tí thì con đưa cho mẹ vay”.
Anh thấy thế cũng hợp lý, vì theo anh nghĩ, bố anh chưa mổ sỏi thì cũng chưa quá nguy hiểm. Hơn nữa, chính anh cũng không cầm tiền bạc trong nhà, bao nhiêu tiền anh về nộp hết cho vợ nên anh cũng chẳng biết trong nhà còn bao nhiêu tiền.
Hai hôm sau anh đang ở công trường thì cô gọi anh về nhà. Trở về thấy cô nước mắt ngắn dài đang khóc lóc kêu mất tiền, còn mẹ anh mặt mũi tái mét thanh minh. Cả buổi ngồi hỏi han chẳng giải quyết được gì, hôm sau anh đưa mẹ ra bến xe để về quê, dúi vội vài trăm vào tay mẹ, anh bảo nhỏ: “rồi con sẽ xoay tiền đưa cho mẹ vay, nếu mẹ cần thì bảo con, sao mẹ phải làm vậy? Con có để mẹ khổ đâu”. Mẹ anh trợn mắt nhìn anh, bà khóc rồi không nói không rằng bà lên xe về luôn.
Anh mệt mỏi lê bước về nhà với hàng đống câu hỏi, chả biết ai đúng ai sai. Hai ngày sau, anh mở tủ ra thay bỉm cho con thì thấy cọc tiền vẫn còn nguyên trong tủ. Thảng thốt, anh quay sang bảo vợ thì thấy cô vừa dũa móng tay vừa thản nhiên bảo: “tiền có mất đâu, em cứ tưởng thế hóa ra tìm được rồi, em để quên dưới đáy tủ, mà thôi, kệ bà đi, giờ hỏi vay nhưng biết bao giờ mới trả được, con thì còn nhỏ, chả lẽ ở đây mấy tháng trời giờ về quê lại đưa tiền cho bà vay”.
Tiếng cười thản nhiên của cô làm anh choáng váng. Anh không thể ngờ nổi vợ anh có thể đối xử với mẹ mình như vậy. Mẹ anh có tội tình gì mà cô phải làm như thế? Bên tình bên hiếu, anh phải làm sao đây?