Năm 2012 đã đi được một nửa chặng đường. Điểm lại những sự kiện “ấn tượng” của làng thời trang Việt, giới mộ điệu thời trang không khỏi băn khoăn. Những câu chuyện thị phi, scandal xấu xí liên tiếp dội xuống làng người mẫu. Mảng thiết kế thời trang cũng tràn ngập hàng “nhái”. Nếu như trước đây việc trùng lắp ý tưởng chỉ dừng lại ở một vài chi tiết trong những bộ sưu tập trình diễn. Nay, hàng “nhái” tràn ngập hơn khi được các ngôi sao hàng đầu nước nhà mặc, tạo dáng đầy tự hào (!?) trước ống kính truyền thông.
Thực đáng lo ngại, khi chính những tấm gương thời trang lại nhiệt tình “lăng xê” những sản phẩm được cho là nghi án đạo ý tưởng. Ước chừng, quan điểm dễ dãi về “văn hóa hàng nhái” tồn tại trong làng giải trí Việt cứ đà này sẽ sớm đưa ngành thời trang phát triển theo những chiều hướng không tích cực.
Váy chỉ giống váy?!
Váy chỉ giống váy chứ chưa hẳn là “đạo” ý tưởng hoặc vay mượn quá tay - đó là cách lập luận của nhiều sao Việt khi nhắc đến những nghi án hàng “nhái”.
Nhìn lại những vụ “đạo hàng” ầm ĩ của làng thời trang Việt trước đây. Điều dễ dàng nhận thấy là sự ảnh hưởng và vay mượn đơn thuần ở một vài chi tiết trên các mẫu thiết kế. Nhiều bộ trang phục ban đầu được khán giả yêu thời trang mang ra “mổ xẻ”, để rồi phát hiện tổng thể là sự chắp ghép từ nhiều sản phẩm có sẵn. Dù ít dù nhiều, trên các mẫu váy dạ hội từng là nghi án đạo hàng trước đây vẫn có sự khai thác về tạo mẫu và thiết kế. Nhưng “bộ sưu tập hàng nhái” trong năm 2012 của làng thiết kế Việt lại thể hiện sự “vay mượn” quá trắng trợn.
Những mẫu trang phục mà Thanh Hằng, Thủy Tiên, Ngô Thanh Vân, Ngọc Trinh, Hồng Quế từng mặc… đều được “sao y bản chính”. Có chăng nét khác biệt nằm ở chi tiết chất liệu, tấm lót hay độ tinh của đường kim mũi chỉ. Điều đáng nói, nhiều ngôi sao nổi tiếng của làng giải trí Việt lại khá bảo thủ khi nói về hàng nhái và cố bảo vệ cho sự sáng tạo kém cỏi của nhiều nhà thiết kế Việt.
Ca sĩ Hồ Ngọc Hà cũng từng gây “huyên náo” các trang tin điện tử, diễn đàn mạng khi thể hiện quan điểm của mình về chuyện “váy giống váy”. Tiếp theo đó là việc diễn viên Ngô Thanh Vân chứng minh không sử dụng “hàng nhái”. Nhưng dù cô có cố tình biện luận thì phần đông độc giả vẫn không cảm thấy thuyết phục trước những lý lẽ của “đả nữ”.
Ngô Thanh Vân từng diện một chiếc váy có kiểu dáng và nhiều chi tiết trang trí giống thiết kế mới nhất của thương hiệu Jenny Packham tới 90%. Dáng cổ thuyền, phần ôm khít eo và chân váy suông chấm đất, đặc biệt là chất liệu vải đính sequin đen... Nhưng Ngô Thanh Vân cho rằng, nhiều phóng viên đã cố tình tìm trên google hình cho giống để chiếc váy của cô để “vu oan” dù trên thực tế, mẫu trang phục của cô là một “bản sao” hoàn hảo so với mẫu gốc.
Gần đây nhất là mẫu trang phục dạ hội trên chất liệu ánh kim của Khánh My. Thay vì việc phản biện sử dụng mặc hàng nhái và thể hiện tư duy về thiết kế như các đàn chị từng làm, Khánh My thẳng thắn thừa nhận việc đặt may sản phẩm theo mẫu thiết kế của nước ngoài. Quan điểm "tiết kiệm" của cô nhận được sự ủng hộ của phần đông độc giả, bởi đó cũng là cách ăn mặc đẹp dựa trên khả năng tài chính. Nhưng trong lĩnh vực thiết kế, người may đã cố tình phạm phải lỗi ăn cắp ý tưởng.
NTK và thợ may
Người thợ may có sao chép hay bắt trước ý tưởng cũng không bị “phán xét” nặng nề như nhà thiết kế, bởi đã mang danh nhà thiết kế - họ phải lao động tương xứng với danh xưng mình đang sở hữu.
Về chuyên môn của công việc thiết kế, NTK phải vẽ được mẫu, biết xử lý chất liệu, thành thạo kỹ năng cắt… Từ những phom dáng cơ bản của nhiều mẫu váy áo, cùng với sự khéo léo, óc sáng tạo mà NTK đưa ra những sản phẩm mới, hợp mốt và tạo nên những trào lưu trong văn hóa mặc. Điển hình như xu hướng “hot” nhất của mùa thời trang vừa qua là vải ren, vải họa tiết, hoa văn lập thể, những tone màu dịu mắt pastel. Nhưng trên cùng một chất liệu, mỗi nhà thiết kế lại có cách xử lý riêng và mang đến những “đơn hàng” không trùng lắp. Có chăng chỉ là sự tương đồng về chất liệu, cách sử dụng màu sắc nằm trong khuynh hướng mới.
Những năm gần đây, làng thời trang Việt có nhiều khởi sắc đáng mừng. Điểm nổi trội là sự hội nhập xu hướng. Nhiều nhà thiết kế Việt đã nắm bắt nhanh nhạy những trào lưu mới của làng thời trang thế giới. Trong nhiều mùa thời trang, ngoài những sản phẩm hàng hiệu của các thương hiệu nổi tiếng, sản phẩm trong nước vẫn đảm bảo những yếu tố thời thượng, hợp mốt và đi đúng xu hướng.
Bên cạnh sự hội nhập là sự “vay mượn” thiếu chắt lọc và hạn chế về sự đầu tư chất xám. Một bộ trang phục được bắt trước về phom dáng, cách sử lý chất liệu, cách cắt cúp và tạo điểm nhấn thì khó lòng tránh khỏi “nghi án đạo hàng”. Sự sáng tạo nằm ở đâu khi 90% sản phẩm được mô tả một cách chi tiết từ sản phẩm khác?
Đáng lo ngại hơn, nhiều sao Việt lại dựa vào sự dễ dãi của mình để lớn tiếng phản biện về nạn “đạo hàng”. Chính hành động “tiếp tay” của họ sẽ khiến các NTK trẻ khó lòng tìm được hướng đi chuẩn xác cho việc phát triển sự nghiệp. Sự sáng tạo của nhiều bạn trẻ sẽ trở nên hạn hẹp khi mà hầu hết sản phẩm mới đều được “tái tạo” từ trang phục cũ.