Sinh ra trong gia đình làm nông
Nguyễn Thị Chà Mi sinh năm 1992, lớn lên trong một gia đình làm nghề nông tại Phú Thọ, bố cô làm việc đồng áng và mẹ phải bươn chải ở Hà Nội để làm thuê. Do bố mất sức lao động nên nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc ở mẹ. Chà Mi là con gái thứ 5 trong gia đình có 6 chị em (5 gái, 1 trai). Cô là thành viên duy nhất trong gia đình theo học đại học.
Từ nhỏ, Chà Mi sống thiếu thốn tình cảm do thường xuyên phải xa mẹ. Lúc Mi được 3 tháng tuổi, mẹ cô đã phải lên Hà Nội làm việc, các chị gái thì lo việc đồng áng. Bố không mấy quan tâm Chà Mi nhiều vì ông là cháu đích tôn nên luôn mong mỏi có được cậu con trai để nối dõi. Ngay từ lúc Mi sinh ra, bố cô đã rất buồn vì Mi không phải là cậu con trai như ông mong đợi.
Không có được sự chăm sóc của mẹ, bố từ nhỏ, nên Chà Mi sống khá tự lập và khép kín. Sức khỏe của Mi yếu nhất trong các chị em nên cô thường phụ giúp những công việc nhẹ và ở nhà lo cơm nước.
Từ khi đi học, Chà Mi đã bắt đầu viết nhật ký, cô viết về cuộc sống trong gia đình, các thành viên mà mình yêu thương. Đồng thời cũng bộc lộ tình cảm nhớ thương mẹ và luôn mong chờ mẹ. Có lần chị gái thứ tư đã khóc khi đọc được những dòng tâm sự của Mi: ''Mỗi buổi chiều khi đi chăn trâu hay mỗi lần nghe tiếng tàu cập bến, Mi thường ra nhìn ra cổng làng và tự hỏi hôm nay mẹ có về thăm con không?''.
Chà Mi học hành rất chăm chỉ. Năm thi tốt nghiệp cấp 3, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bố mẹ không hướng Mi theo học đại học. Bố muốn con gái sớm lấy chồng, vì bằng tuổi cô, ông đã lập gia đình. Tuy nhiên, Chà Mi đã rất đấu tranh cho tương lai của mình, cô gái muốn thi đại học và tự lo cho bản thân mà không phụ thuộc gia đình. Mi nói: “Khi xác định hoàn cảnh gia đình của mình như vậy, con đã quyết định xin vô trường đại học Sư phạm là đã không đóng tiền học phí rồi, còn tiền ăn ở, khó khăn như thế nào, con sẽ tự chịu”.
Cuối cùng, bố mẹ quyết định để Mi làm theo ý mình. Cô nhập học và tá túc ở nhà cậu mợ. Ngoài giờ học, Mi tìm việc làm thêm để lo phần tiền sinh hoạt, ăn uống hàng ngày. Mi gặp khá nhiều áp lực với việc ở nhờ. Tuy nhiên, hoàn cảnh không cho phép, cô gái vẫn tiếp tục theo đuổi việc học cho đến năm thứ 3.
Chỉ đi dép tổ ong vì chiều cao
Chiều cao vượt trội khiến Chà Mi trở thành tâm điểm trêu chọc của bạn cùng lớp. Lúc học cấp 2, Chà Mi rất hay xấu hổ vì chiều cao vượt trội so với bạn cùng lớp. Càng bị bạn bè trêu chọc, Mi lại càng thiếu tự tin. Cô chỉ đi những đôi giày đế bệt cũ. Khi đi chơi với bạn bè, Mi cũng chỉ đi một đôi dép tổ ong duy nhất. Không bao giờ Mi dám nghĩ mình sẽ mang một đôi guốc cao, một phần vì hoàn cảnh, một phần vì do chiều cao của mình.
Chà Mi đến với chương trình Vietnam’s Next Top Model rất ngẫu nhiên. Mọi người trong gia đình, không ai hay biết cô có sở thích làm người mẫu. Đến khi nhận được thông báo casting ở Hà Nội, Mi mới bắt đầu mượn bạn bè giày cao gót và bắt đầu tập đi xung quanh sân, té lên té xuống. Khi bước vào ngôi nhà chung, cô chỉ được dằn túi đúng 1 triệu đồng.
Theo lời chị gái Mi kể: ''Lúc mới sinh Mi được 3 tháng, mẹ tôi phải làm ở Hà Nội, nên tôi và chị gái tôi có nhiệm vụ chăm sóc Mi từ nhỏ đến lớn. Khi Mi được khoảng 3 tuổi, chúng tôi sang nhà hàng xóm chơi, Mi nhìn thấy quả ớt có màu đỏ bắt mắt nên lấy quả ớt bóc ra và tô lên môi như son. Sau đó, Mi bị sưng hết cả mặt và khóc hét lên. Khi mẹ đi làm về, chúng tôi bị mẹ la cho một trận vì không biết ngăn cản Mi kịp thời. Có lẽ ngay từ lúc mới sinh ra, Mi đã có những sở thích liên quan đến công việc tương lai như vậy.
Cùng lắng nghe thêm những chia sẻ chân thành của chị Hồng Anh về em gái Chà Mi.
- Khi hay tin Chà Mi được vào ngôi nhà chung của chương trình, gia đình chị đã chuẩn bị những gì cho cô ấy?
- Khi biết Mi được vào nhà chung, bố tôi lo lắng về vấn đề tiền bạc vì phải sắm sửa cho Mi nhiều thứ để đi thi nên không ủng hộ lắm. Sau đó, các chị em trong gia đình có làm tư tưởng với bố, cuối cùng bố mới gọi điện bảo với mẹ ở Hà Nội để ứng mấy tháng lương của mẹ tôi, khoảng chục triệu, để mua sắm theo yêu cầu của chương trình, nhưng mỗi thứ chỉ được một ít. Vì những đồ hàng ngày của Mi rất giản dị.
Bỏ ra số tiền khá lớn nên gia đình đặt nhiều hy vọng ở Mi. Mọi người rất mong ngóng đến ngày phát sóng của chương trình để được nhìn thấy Mi trên ti vi. Tập đầu tiên, mọi người nhận xét Mi đúng là Mi ở nhà, đúng là em gái của mình. Nhiều hàng xóm xem lo lắng cho Mi vì nhìn thấy các thí sinh khác chuyên nghiệp quá, Mi thì thiếu tất cả mọi mặt. Bố tôi lo lắng và suy nghĩ rất nhiều. Nhưng có mẹ ở bên cạnh động viên nên bố phần nào an tâm hơn.
- Chị có nghĩ Chà Mi được bước vào đêm chung kết cuộc thi "Vietnam’s Next Top Model" là một kỳ tích? - Đối với gia đình tôi, đây là bất ngờ đáng để tự hào. Mỗi ngày, bố mẹ tôi đều nhắc đến Mi. Khi gặp khó khăn thì chỉ nghĩ đến Mi để làm niềm
an ủi. Khi đi ra ngoài thì được mọi người trong xóm chúc mừng rất nhiều.
- Tự hào về con gái như vậy, nhưng khi được BTC mời đến ngôi nhà chung, bố mẹ chị lại vắng mặt?
- Bố mẹ tôi muốn đến thăm Mi lắm vì đã 3 tháng không gặp con rồi nhưng bố mẹ tôi đều bị bệnh hết. Vừa rồi, Mi có gọi điện thoại về, mẹ tôi ho rất nhiều. Mi có nói là chăm sóc mẹ cho em vì em thấy mẹ như thế, em không thi được. Nên gia đình mới khuyên mẹ thôi làm ở Hà Nội, bảo mẹ về cho Mi yên tâm. Mẹ tôi là người lao động chính trong gia đình vì sức khỏe bố tôi không được tốt nên chỉ ở nhà lo chuyện đồng áng thôi. Tiền kiếm được từ việc đồng áng thì không đủ lo cho các con, tất cả đều phụ thuộc vào tiền lương của mẹ gửi về.
- Gia đình chị có đặt kỳ vọng Chà Mi sẽ là quán quân của chương trình năm nay?
- Đó là điều tôi chưa dám nghĩ tới vì điều đó là quá sức tưởng tượng đối với gia đình tôi. Bố tôi không cũng không dám nghĩ tới điều đó vì con mình làm sao có đủ kinh nghiệm để vượt qua các thí sinh khác được nên bây giờ được đến đâu hay đến đó thôi. Bây giờ, tôi chỉ mong cho Mi hãy cố gắng nhiều hơn thôi chứ không đặt nặng vấn đề thắng thua nữa vì Mi làm được những điều như vậy là đã quá sức của Mi rồi.
- Chị đã nhắn nhủ Chà Mi những gì trước đêm chung kết diễn ra?
- Mi đã trải qua nhiều khó khăn từ nhỏ đến giờ. Ví dụ như việc được đi học đại học, đối với những người khác thì giấy báo đi học đại học rất quan trọng và rất vui khi nhận được. Nhưng đối với gia đình, bố mẹ chị rất sợ Mi nhận được vì phải lo tiền cho Mi đi học. Mi là người rất nghị lực. Em tôi có thể vượt qua rất nhiều khó khăn trong 10 thử thách vừa qua của chương trình. Những gì em làm được tại cuộc thi khiến gia đình đã an tâm về Mi nhiều vì em đã trưởng thành và có những bước đi đúng hướng đầu tiên. Tôi cũng không biết động viên Mi như thế nào nhưng lúc nào tôi cũng muốn Chà Mi phải cố gắng hơn những người bình thường. Những người khác cố gắng 1, thì em phải cố gắng 2, 3. Tôi biết như vậy là áp đặt cho Mi nhưng tôi muốn cái gì Mi còn thiếu sót thì phải học các anh chị để bổ sung vào những cái thiếu sót của mình. Tôi chỉ muốn Mi làm được những điều như vậy.