THỜI TRANG » Người mẫu

Khách quan nhìn lại những thử thách của Vietnam’s Next Top Model

Thứ ba, 13/11/2012 10:33

(Ngoisao.vn) - Sau những chặng đường đã qua của chương trình truyền hình thực tế Vietnam’s Next Top Model, mời độc giả cùng Ngoisao.vn nhìn nhận lại một cách khách quan những thử thách của các thế hệ chân dài...

Không ít khán giả truyền hình khi xem Vietnam’s Next Top Model đã đánh giá chương trình quá khắc nghiệt và vô lý khi đưa ra những phần đào tạo và thử thách không thực tế. Nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan, mọi phần thi trong chương trình đều được sắp xếp theo độ khó tăng dần đều và có chủ đích rõ ràng. Bằng chứng là những phần đào tạo và thử thách ấy đã giúp những cô gái bình thường lột xác thành những người mẫu tự tin và chuyên nghiệp chỉ sau vài tháng ngắn ngủi.

Bài học đầu tiên - Sàn catwalk không chỉ là thế giới màu hồng

Phần lớn các cô gái đăng kí tham gia chương trình Vietnam’s Next Top Model đều còn rất trẻ và không có nền tảng cơ bản về nghề người mẫu cũng như những kĩ năng khác. Hầu hết đối với họ, người mẫu vẫn chỉ là một nghề yêu cầu ngoại hình, biết đi vài bước trên sàn catwalk hay biểu cảm một chút khi chụp hình, thế là đủ. Những điều này có thể đúng với những người mẫu tuổi teen nhưng sẽ là hoàn toàn sai với những người mẫu chuyên nghiệp và đặc biệt là với những người mẫu hàng đầu.

Không những thế, nghề người mẫu từ lâu luôn phải chịu rất nhiều định kiến của xã hội và hứng chịu mũi dùi từ truyền thông. Những vết thương về thể xác có thể dễ dàng lành lại nhưng những vết thương tinh thần sẽ còn mãi mãi. Liệu bao nhiêu cô gái trẻ độ tuổi đôi mươi đột ngột bước vào thế giới giải trí có thể bình tĩnh trước những scandal vô căn cứ hay những nhận định sai lầm về mình?

Thay vì những cú sốc tâm lý bất ngờ, Vietnam’s Next Top Model giúp thí sinh làm quen với sự khắc nghiệt của giới giải trí và của nghề qua chính những lời dạy bảo đôi khi khá nặng nề từ ban giám khảo. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ tứ quyền lực mỗi lần xuất hiện cùng thí sinh đều giữ khuôn mặt lạnh lùng và thái độ lạnh nhạt. Bởi họ chính là những người đi trước, những người hiểu cuộc sống đối với người mẫu khó khăn như thế nào. Càng sớm kéo các cô gái với ảo tưởng màu hồng đến với thực tế nhanh bao nhiêu, họ sẽ càng sớm thích nghi và trưởng thành bấy nhiêu.

Phía sau những tấm mặt nạ của ban giám khảo chính là những tấm lòng hết mình vì thí sinh. 45’ trên truyền hình không thể nào khiến người xem hiểu được điều ấy nhưng những người trong cuộc thì rất hiểu. Bất cứ thí sinh nào khi trước khi rời khỏi ngôi nhà chung đều muốn được ôm ban giám khảo và Mai Giang cũng đã từng chia sẻ rằng chính cái ôm của Xuân Lan đã giúp cô có động lực để tiếp tục cuộc thi và nỗ lực thay đổi mình. Từ một cô gái nhút nhát và hoàn toàn không có khái niệm về thời trang, Giang đã mạnh mẽ và can đảm và sẵn sàng khẳng định mình. Hoàn toàn thoát khỏi sự tự ti, Giang tự tin sải bước trên sàn diễn của New York Fashion Week 2012 trong những show diễn của Omar Salam, Adrian Alicea, Danielle Chantella …

Nghề người mẫu là con đường của những bụi hoa hồng đầy gai. Nếu chỉ nhìn thấy ánh hào quang và tiến vào con đường ấy sẽ chẳng khác gì thiêu thân lao đầu vào lửa. Nhưng nếu mạnh mẽ và nỗ lực thoát khỏi những bụi gai, phía cuối con đường nhất định là cầu vồng. Nghề người mẫu không cần những con búp bê di động mà cần những người thật sự yêu, sẵn sàng cống hiến và hi sinh cho nghề.

Những bước catwalk đầu tiên

Là yếu tố đặc trưng của người mẫu. Nhưng để thành thạo và đi được catwalk đúng chuẩn, người bình thường cần từ 6 tháng đến 1 năm luyện tập liên tục. Trong một cuộc thi, khoảng thời gian này là quá dài. Muốn vượt qua các đối thủ khác và nhanh chóng làm chủ sàn diễn thời trang, trở thành Top Model, các thí sinh phải làm được nhiều hơn thế.

Và họ - những cô gái của Vietnam’s Next Top Model đã làm được. Sự chuyển mình của các thí sinh trên sàn diễn chính là minh chứng rõ ràng nhất về hiệu quả của những bài tập và thử thách catwalk từ đầu tới giờ. Tập catwalk trên boong tàu, sải bước trên sàn runaway dưới nước hay thử thách catwalk nâng cao là những bước đệm thúc đẩy thí sinh nỗ lực luyện tập và tự mình cố gắng. Tự tin vững bước trên những sàn catwalk đặc biệt ấy, các cô gái sẽ đủ bản lĩnh đối mặt với mọi tình huống bất ngờ trên sàn diễn và sải bước trên bất kì một sân khấu thời trang nào.

Trong 7 thí sinh Vietnam’s Next Top Model 2012 sang casting tại New York Fashion Week, trước khi tham gia chương trình, ngoại trừ Kha Vân và Nguyễn Ngân đã từng có kinh nghiệm về diễn thời trang, kĩ năng của 5 cô gái còn lại hoàn toàn là số 0 tròn trĩnh. Nhưng sau 2 tháng ngắn ngủi, cả 7 người đều đã sẵn sàng thử sức ở kinh đô thời trang lớn nhất thế giới và họ đã thành công. Cả 7 cô gái đều nhận được lời mời trình diễn trong những show của các nhà thiết kế nổi tiếng như Zang Toi, Nina Skarra, Omar Salam hay Daniella và Chantella… đây sẽ là một bước nhảy vọt đối với thời trang Việt Nam và là bằng chứng cho sự hiệu quả của những bài tập catwalk bị đánh giá là không thực tế trong chương trình Vietnam’s Next Top Model.

Thời trang là không có giới hạn

Chụp hình - liệu có phải đơn giản là pose dáng trước máy chụp hình, biểu lộ một vài vẻ mặt u buồn hay tươi cười? Nếu chỉ đơn giản như vậy, thì bất cứ ai cũng có thể trở thành người mẫu. Nhưng là người mẫu chuyên nghiệp, bạn phải biết cách cảm nhận và cảm thụ. Chỉ có hiểu được ý tưởng của người chụp hình, người mẫu mới có thể truyền tải được điều đó đến với người xem mà không mất đi cá tính riêng của mình trên khuôn hình.

Thời trang luôn đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng và hoàn toàn không giới hạn. Chụp hình với rắn, với nhện hay chụp trong hoàn cảnh khắc nghiệt không hề là những yêu cầu trong giả tưởng. Đây là sự chuẩn bị cho thí sinh Vietnam’s Next Top Model sẵn sàng với bất cứ yêu cầu cho-dù-là-không-tưởng từ nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia chỉ trong mà ngoài nước.

Mỗi buổi chụp hình một chủ đề, một yêu cầu khác nhau khiến các cô gái nhanh chóng thích nghi và biến đổi. Cũng chính vì chấp nhận thử thách mà trong Portfolio của mình, họ đã có những bức hình tuyệt đẹp, gây ấn tượng được với những công ty quản lý nước ngoài, vượt qua vòng casting qua ảnh của những nhà thiết kế trong khuôn khổ New York Fashion Week - điều mà thậm chí không phải người mẫu chuyên nghiệp nào tại Việt Nam cũng làm được.

Thử thách khó khăn trong các phần đào tạo của Vietnam’s Next Top Model không đơn thuần chỉ khiến cho chương trình thêm màu sắc mà đó còn là sự chuẩn bị tâm lý và kĩ năng cho các thí sinh bởi nghệ thuật là không có giới hạn. Sáng tạo của thời trang là không biên giới. Nếu không có sự chuẩn bị tâm lý từ trước, liệu Nguyễn Ngân, Mai Giang, Kha Vân có thể giữ được tự tin khi trình diễn trong show diễn của Adrian Alicea hay họ sẽ mất bình tĩnh trước kiểu make up kì lạ khi phải hóa trang và mang mặt nạ như người cá? Sự khó chịu của lớp hóa trang sẽ khiến người mẫu bị phân tâm khi trình diễn.

Tuy nhiên, cả Mai Giang, Thiên Trang và Nguyễn Ngân đều có những bước đi chuyên nghiệp và bình tĩnh. Bởi họ đã được rèn luyện bởi những bài học còn khó khăn hơn thế để luôn giữ vững tâm lý, vượt qua những tác động ngoại cảnh ảnh hưởng đến mình trong quá trình trình diễn.  

Tại Việt Nam, có thể những buổi chụp hình “kỳ quái” vẫn còn quá xa lạ nhưng nếu không chấp nhận thử thách để thay đổi, thời trang Việt Nam bao giờ mới có thể chuyển mình để sánh ngang với thời trang quốc tế và đem đến những sản phẩm ấn tượng?  Chấp nhận cái mới và thay đổi không ngừng là điều mà thời trang luôn đòi hỏi.

Ngoại ngữ - bước đệm ra thị trường quốc tế

Ngoại ngữ như một đường tắt của cánh cửa giúp người mẫu Việt Nam bước ra thị trường quốc tế. Tự tin giao tiếp, biết lắng nghe và thấu hiểu giúp người mẫu Việt tìm được chỗ đứng và gây ấn tượng hơn với những nhà thiết kế nước ngoài. Ông Jason Baumann – giám đốc công ty quản lý người mẫu BeU Models cũng đã từng nhấn mạnh: “ Không một vòng casting thời trang nước ngoài nào lựa chọn người mẫu không biết tiếng Anh.”

Mục tiêu của Vietnam’s Next Top Model là đưa các cô gái và thời trang Việt Nam đến với thế giới, vì vậy, ngay từ những ngày đầu tiên đến với chương trình, các thí sinh đều đã được học và trau dồi kĩ năng Anh Văn qua các buổi học của trung tâm Apollo. Tuy vẫn chưa thật lưu loát song sự tiến bộ của các cô gái là điều không thể phủ nhận. Không còn sự rụt rè, nhút nhát khi tham gia các buổi tiệc có sự tham dự của người nước ngoài như những ngày đầu tiên đến với chương trình nữa, giờ đây Top 7 đã tự tin với khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của mình hơn rất nhiều. Tự mình vượt qua những vòng casting bằng tiếng Anh, thành công khi giao tiếp với những nhà thiết kế tại New York Fahion Week chính là minh chứng cho sự thành công này.

   

Không còn dừng lại là một chương trình truyền hình thực tế, Vietnam’s Next Top Model đã cung cấp cho các thí sinh những kiến thức nền tảng cơ bản và đầy đủ để các cô gái có thể trở thành người mẫu hàng đầu. Mỗi thử thách, mỗi phần đào tạo của chương trình đều là những bài học tinh túy, những kinh nghiệm được tích lũy của thế hệ người mẫu đi trước.

Không chỉ là những bài học cơ bản, nâng cao về nghề mà còn là những bài học về lối sống, cách ứng xử để các cô gái xóa tan định kiến xấu của xã hội về nghề. Top 7 của Vietnam’s Next Top Model 2012 đã lộ diện và họ cũng đã thành công tại New York Fashion Week 2012. Sự sải bước của họ trên sàn diễn của New York Fashion Week chính là một minh chứng cho bước đột phá mới cho thời trang Việt Nam nói chung và sự phát triển cho nghề người mẫu trên thị trường quốc tế nói riêng.

Hoàng Vũ, Ảnh Multimedia
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới