Nhưng thực chất những cửa hàng bách hoá tổng hợp thời kỳ đó mang một vẻ quê mùa, thô kệch khi nó chỉ chuộng trưng bày và bán những mặt hàng gọi chung là “áo quần căn bản”, còn những món hàng dành cho những người sành điệu và nếu có nhu cầu thì hoạ hoằn lắm mới được bán vào những dịp lễ đặc biệt như kỳ trăng mật chẳng hạn.
Những thứ hàng hiện đại hơn một chút thì có quần đùi ren dây da, áo lót có móc khoá kéo lên trên, hoặc một số món đồ có lót da trăn hay một số bộ y phục có kiểu dáng khiêu khích như tên cướp biển Frederick do Hollywood sáng tạo ra.
Leslie Wexner, người đi tiên phong trong sáng tạo xu hướng thời trang kiểu mới
Sau đó, Leslie Wexner, nhà sáng lập nên The Limited, đã mạnh dạn bỏ vốn ra mua lại thương hiệu đồ lót Victoria’s Secret, một chuỗi cửa hàng đồ lót quy mô nhỏ bé ở thành phố San Francisco, khi thương hiệu này đang lâm vào tình trạng phá sản do nợ nần. Chính từ đây, sau một số năm, Wexner đã dỡ bỏ những y phục lót lỗi thời tại các “phố đèn đỏ”, quảng cáo hàng loạt mẫu thiết kế đồ lót của mình khiến cho các sản phẩm của ông trở thành “hot” trên thị trường đồ lót nữ ở Mỹ.
Tài ba kinh doanh của Leslie Wexner thể hiện qua các show diễn thời trang vào những “giờ vàng” trên truyền hình Mỹ, những tiết mục quảng cáo gợi cảm trên TV, những bộ sưu tập y phục khêu gợi và điều quan trọng là những quảng cáo này hiện diện hầu như tại mọi siêu thị mua sắm trên khắp nước Mỹ. Theo Marshal Cohen, Giám đốc phân tích công nghiệp của NPD Group, một công ty chuyên nghiên cứu thị trường có trụ sở ở Port Washington (New York, Mỹ) đã tiết lộ bí quyết kinh doanh của Leslie Wexner như là “Người có khả năng đi trước, đón đầu và luôn ở thế trung tâm".
Chính Leslie Wexner đã khơi mào ra một hiện tượng thời trang rất khác, khi ông tự sáng tạo ra khuynh hướng thời trang: tất cả các phụ nữ đột nhiên muốn cho người khác nhìn thấy họ ăn mặc đồ lót và những y phục cầu kỳ như cố tình để chênh vênh ngay trước mặt người khác, một kiểu khoe nội y nhưng không dung tục mà vẫn rất lãng mạn.
Trong vòng hơn 28 năm qua, bằng chiêu thức sáng tạo liên tục ra những mẫu đồ lót gợi cảm với giá cả phải chăng, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và chấp nhận được, Columbus, chi nhánh của thương hiệu đồ lót nữ Victoria’s Secret ở Ohio đã vô hình chung sáng tạo ra một sàn thời trang cho những bộ đồ lót thanh lịch. Victoria’s Secret đã tự làm mới mình, làm mới một ngành kinh doanh thời trang phụ nữ vốn có thời gian bị đánh giá là “buồn ngủ”, đến thời hoàng kim vào năm 2009 thì thương hiệu này đã đoạt doanh số bán hàng lên tới 10,75 tỷ USD, một con số khổng lồ và sẽ ra sao nếu thương hiệu này không có sự góp mặt của Leslie Wexner.
Các chuyên gia bán lẻ nói rằng Victoria’s Secret đã xây dựng ra những cửa hàng bách hoá hạng sang với kiểu cách thời trang luôn mới mẻ tiến về phía trước. Ngoài ra tập đoàn đồ lót nữ này còn mở rộng cửa đón chào những nhãn hiệu nhỏ hơn như Hanky Panky và Josie Natori, đồng thời cho phép nhưng nhãn hàng lớn hơn như American Eagle Outfitters, Chico’s, và Abercrombie & Fitch tự thực hiện dòng đồ lót của riêng mình.
Theo ông Wendy Liebmann, CEO của Nhà bán lẻ chiến lược WSL có trụ sở ở New York: “Chính Leslie Wexner đã làm cho thị trường hàng thời trang trở nên đa dạng hơn gấp nhiều lần. Các tay chơi khác đã ngày càng trở nên hoạt động tích cực hơn tạo ra một môi trường cạnh tranh ác liệt hơn”.
Ngày nay, ở tuổi 73 của cuộc đời, Leslie Wexner, là một ứng viên không dễ bị lật đổ trong ngành công nghiệp đồ lót của Mỹ. Ông là một con người kín đáo và dè dặt cũng như luôn bảo thủ với các quan điểm của mình. Ngay từ giữa tuổi 30, Leslie Wexner luôn tâm niệm ông không thể bó gối làm một người bình thường mà phải hết sức phấn đấu để trở thành một nhà từ thiện có ích cho xã hội.
Thực tế đã chứng minh rằng vào đầu thập niên 1990, Wexner đã đóng góp 1250 triệu USD để xây dựng nên Quỹ giáo dục sau đại học Ohio. Nhưng có lẽ điều bất thường nhất từ Leslie Wexner đó là ông không bao giờ muốn đi vào con đường bán lẻ. Wexner đã trải qua thời thơ ấu của mình khi giúp cha mẹ trông chừng một cửa hàng bán quần áo mang tên Leslie. Vào năm 2003, Wexner nói rằng “Tôi muốn tạo ra một đế chế của riêng mình, phải làm một cái gì đó tốt hơn là một nhân viên bán hàng hay những công việc mà cha mẹ tôi từng theo đuổi. Tôi không thích đi vào con đường bán lẻ hàng hoá. Tôi ghét cay ghét đắng khi nghĩ đến điều đó”.
Trực giác mách bảo Vicroria’s Secret là “cần câu hái ra tiền”
Leslie Wexner đã ghi danh vào trường Luật chỉ bởi vì ông cảm thấy khả năng sáng tạo của mình chưa tốt lắm, ông đã trải qua kha khá thời giờ chỉ để học hỏi các kiểu vẽ thiết kế tại các cửa hàng và mặt trước các quầy hàng. Nhờ sự cần cù, chỉ sau một thời gian ngắn, Leslie Wexner đã ngừng học vẽ và bắt đầu công việc kinh doanh thực nghiệm tại ngay chính cửa hàng quần áo của cha mẹ. Cũng chính tại đây ông đã khám phá ra rằng việc kinh doanh thu nhiều lợi nhuận nhất chỉ có thể bằng việc bán những chiếc váy, áo len, áo sơ mi, đồ thể thao chứ không phải bằng việc bán áo và áo khoác như cha mẹ ông đang kinh doanh.
Năm 26 tuổi, Leslie Wexner đã thành lập cửa hàng Leslie’s Limited và chuyên chú trọng vào việc bán các y phục thể thao riêng lẻ cho phụ nữ. Nhưng có lẽ tài năng kinh doanh hình thành ở Leslie Wexner ngay từ khi ông mới 9 tuổi (cậu bé Wexner 9 tuổi đã kiếm được tiền bằng việc bán đồ cắt cỏ, đồ xúc tuyết, văn phòng phẩm, áo sơ mi và cả đồ chơi). Vào năm 1963, có lẽ do quá lao lực kinh doanh mà Leslie Wexner đã bị những cơn ác mộng hành hạ. Những năm sau đó, Leslie Wexner mở thêm 5 cửa hàng và bắt đầu tung sản phẩm rầm rộ ra thị trường vào năm 1969. 10 năm sau đó, Wexner đã có trong tay 300 cửa hàng Leslie’s Limited.
Trong một chuyến đi thương mại đến San Francisco vào năm 1982, tình cờ Leslie Wexner đã khám phá ra Victoria’s Secret do Roy Raymond thành lập nên. Wexner nhớ lại: “Lúc đó Victoria’s Secret chỉ là một cửa hiệu nhỏ. Không có các mẫu đồ lót nhục cảm, nhưng lại có nhiều món rất gợi cảm và có nhiều món thậm chí tôi còn chưa từng thấy nó trên đất Mỹ”.
Vài tháng sau đó, Victoria’s Secret đứng bên bờ vực phá sản, Raymond gọi cho Wexner và gợi ý muốn bán công ty của mình. Leslie Wexner đã chấp nhận mua Victoria’s Secret với cái giá thời điểm đó là 1 triệu USD. Wexner nhớ lại rằng ông có “trực giác” mách bảo rằng mua Victoria’s Secret sẽ là một bước làm ăn lớn, nhưng vào thời điểm đó, Wexner không hề biết gì về đồ lót cũng như chưa hề có ý định kinh doanh nào cho công ty mới mẻ vừa mua được. “Victoria’s Secret chẳng sinh lời cho tôi được đồng nào trong thời gian đó, nhưng tôi nhìn thấy được tiềm năng trong nó. Liệu điều gì xảy ra nếu như chúng tôi tạo ra một sự khác biệt ?”
Sau đó 10 năm, Wexner lập gia đình và ông bắt đầu suy nghĩ: “Tôi biết rằng nhiều phụ nữ mặc đồ lót liên tục, nhưng lại chưa từng có cửa hàng bán đồ lót chuyên nghiệp. Tôi nghĩ rằng nếu như chúng tôi có thể tạo ra chính sách bình ổn giá cả và đa dạng hoá các loại sản phẩm đồ lót thì sẽ tạo ra một nền tảng ăn mặc và lựa chọn mới cho các khách hàng”. Wexner chuyển công ty Victoria’s Secret đến trụ sở chính tại Columbus, tại đây ông đã thúc đẩy nhiều sự lựa chọn cho khách hàng với các kiểu mẫu mã, màu sắc phù hợp với ngành công nghiệp thời trang. Chú ý tạo ra sự tin cậy vững chắc cho các khách hàng trung thành. Công ty mở rộng chi nhánh trên khắp đất Mỹ.
Nhiều người ca ngợi Leslie Wexner là thiên tài của ngành công nghiệp thời trang nhưng ông chủ của Victoria’s Secret không ngại nói về thành công của mình “Thực sự tôi không sáng tạo ra cái gì hết. Tôi không phát minh ra chiếc áo ngực hay các cửa hàng hay những cái tên thương hiệu. Tôi chỉ nhìn thấy sự khác biệt giữa chúng. Với phụ nữ là luôn mới mẻ và thời trang, do đó tôi tự nhủ phải luôn tạo ra những khác biệt trên y phục mà họ mặc”.