Người Việt luôn lấy vẻ đẹp Á Đông làm chuẩn
Là chuyên gia làm đẹp cho phụ nữ, anh thấy vẻ đẹp của họ xưa và nay có khác nhau nhiều?
Thực ra phạm trù cái đẹp rất sâu và rộng. Khái niệm về cái đẹp được thay đổi như một hơi thở, liên tiếp và không dừng lại. Cái đẹp trong bất kỳ một khoảng thời gian nào, một xã hội nào cũng đều được tôn vinh. Nhìn chung cảm nhận về cái đẹp thời kỳ bao cấp và hội nhập mà tôi được sống không thay đổi. Người xưa thích phụ nữ đẹp dịu dàng, nữ tính, bây giờ vẫn vậy.
Tuy nhiên, cái đẹp đôi khi không ai định nghĩa rõ được. Khi nhìn một cô gái đẹp thì ai cũng phải thốt lên cô ấy đẹp, dù không nói cụ thể được vì sao cô ta lại đẹp thế.
Nhưng phải có điểm chung để đối chiếu chứ: như cô ấy cao, da trắng, eo nhỏ, hông to…?
Bạn nói cũng có cơ sở đấy. Nhưng nhiều khi thần thái, cái cốt cách con người cũng là một vẻ đẹp, cái có thể chinh phụ được đám đông hơn là nét đẹp hình thể của cô ta.
Và xã hội thay đổi, thì quan điểm thẩm mỹ cũng có những thay đổi nhất định?
Đúng là với xã hội văn minh thì vẻ đẹp phụ nữ còn có thêm sự cá tính. Cái gì tiêu biểu thì được gọi là cá tính. Sự dịu dàng cũng là một cá tính. Kể cả cái sự cam phận cũng là một cá tính. Đừng nghĩ rằng, cứ cá tính là đi đứng phải nghênh ngang. Xã hội mở, mọi thứ văn minh hơn thì cá tính con người được thể hiện rõ. Ngày xưa gần như không dám đưa cái tôi của mình ra để phơi phóng, dù cá tính đã xuất hiện từ rất lâu rồi.
Khi cái tôi được lộ diện, trong một thời điểm nào đó thì vẻ đẹp đó được ghi nhận. Sự nhu mì, nhẹ nhàng thì đến một thời điểm nào đó phải nhường chỗ cho vẻ đẹp cá tính. Nếu cứ bảo lưu quan niệm về cái đẹp xưa vào thời hiện đại thì sẽ không chinh phục được mọi người nữa.
Anh có nghĩ rằng trước đây phụ nữ da trắng, tóc đen, mắt to, miệng nhỏ… là đẹp; nhưng bây giờ một cô gái đẹp có thể là da nâu, miệng rộng…
Mọi cái chỉ mang tính tiêu biểu chứ không mang tính đại chúng. Làn da nâu đẹp thế chứ đẹp nữa thì cũng không mang tính đại chúng. Tại sao làn da trắng ở Việt Nam vẫn được thiện cảm hơn? Tất cả đều nằm trong sự hài hòa. Vẻ đẹp thuyết phục nhất của người châu Á cứ phải là một làn da trắng, một mái tóc đen... Còn tất cả những vẻ đẹp khác chẳng qua là những du nhập văn hóa phương Tây tạo nên vẻ đẹp cá nhân, rồi sau đó mang tính trào lưu, dần dần trở thành phổ thông. Tôi không phủ nhận một số người rất đẹp trong trào lưu hội nhập vẻ đẹp phương Tây. Nhưng hãy tin tôi đi, người Việt vẫn thích một vẻ đẹp Á Đông và vẻ đẹp ấy sẽ lên ngôi.
E rằng sau khi nghe Đức Hùng nói, nhiều cô gái sẽ đi tắm trắng đấy…
Này, không phải cứ trắng đã là đẹp đâu nhé. Làn da đẹp còn là một làn da khỏe cùng một mái tóc khỏe, một tinh thần khỏe.
Tôi thích một vẻ đẹp truyền thống, nhưng vẻ đẹp đó được thở cùng hơi thở đời sống văn hóa đương đại: vẫn là mái tóc đen, làn da khỏe; nhưng không phải tết tóc đuôi sam, cặp ba lá, mặt mộc mạc…; mà là nên ép tóc cho mềm mại hay làm sóng lên, môi phải đỏ hơn...
Nhưng tôi tin thời gian sẽ trả lại những gì vốn có của nó. Những cô gái đi nhuộm tóc chắc chắn một ngày sẽ lại thích mái tóc đen thôi, vì đó mới là vẻ đẹp của mình.
Ai đó đã nói: Người phụ nữ phải như một cuốn sách hay thì người đàn ông mới tìm đến. Nhưng… “mắt con trai…”…?
Có thể có những người phụ nữ mà tạo hóa không ban cho họ sự may mắn, không được đẹp như mong muốn, nên đôi khi bản thân người phụ nữ đó phải tạo ra vẻ đẹp cho mình.
Thế theo anh, phải… tạo như thế nào?
Thực tế có nhiều người phụ nữ đẹp nhưng họ không yêu cái tôi của mình nên làm cho mình xấu đi. Lại có những người bình thường nhưng cuốn hút tôi một cách kỳ lạ vì họ hiện đại, họ văn minh, họ biết làm cho họ đẹp, từ cái móng chân đến lọn tóc, hàm răng, nụ cười… Ngày xưa nói đến từ “yêu bản thân” thì dị ứng, nhưng đôi khi trong cuộc sống này phải biết yêu lấy bản thân mình trước đã…
Nhưng lúc nào cũng chỉ “tôi yêu tôi quá” thì… cũng buồn nhỉ?
Thì họ chỉ là tĩnh vật thôi. Mà chỉ có văn hóa thấp thì mới muốn mình là tĩnh vật. Tôi dị ứng với những người phụ nữ mà lúc nào cũng chỉ biết đến mình. Và tôi cũng dị ứng với những người phụ nào không yêu bản thân mình để mình trở thành người phụ nữ không đẹp.
Người ta thường bị đánh gục bởi người phụ nữ quá chăm bẵm, “tẩm ướp” cho hình hài của mình cũng chả có gì là lạ cả. Nhưng cứ ăn đặc sản mãi đi, rồi có lúc cũng phải thèm rau, thèm cà đấy. Chả có vẻ đẹp nào mang tính vĩnh cửu đâu.
Người ta còn đẹp ở tinh thần sống
Các cụ nói “hồng nhan bạc phận”, nhưng… có ai mà lại không muốn được… hồng nhan?
Nếu bạn muốn nghe ở tôi một quan điểm đi ngược lại với ông cha thì bạn đã chọn nhầm nhân vật rồi đấy. Tôi luôn tin vào câu các cụ nói. Tôi không muốn nói người phụ nữ đẹp là người “xấu số”, nhưng điều rõ ràng chúng ta nhìn thấy: một người đàn bà đẹp sẽ có nhiều vệ tinh bay xung quanh. Khi người ta có quá nhiều vệ tinh xung quanh thì vô hình chung cuộc sống của người ta đã phức tạp hơn cuộc sống những người đàn bà không đẹp. Người đẹp có nhiều lựa chọn thuận lợi hơn những người đàn bà không đẹp nhưng đó chỉ là bước đầu. Khi lựa chọn được rồi, họ vẫn tiếp tục có những vệ tinh xoay quanh và cứ thế liên tiếp những người hồng nhan đó luôn có những mối quan hệ “phức tạp” mà người không hồng nhan không có, đã là “bạc mệnh”. Phụ nữ hồng nhan thì hiếm có cuộc đời bình yên. Trái tim không phải bằng sắt. Yêu chồng thế chứ yêu chồng nữa mà có hàng tỷ vệ tinh như thế, cũng có lúc sẽ… tan chảy thôi.
Thì cứ cho là “hồng nhan bạc phận”, nhưng Y Ban lại có tác phẩm “Đàn bà xấu thì không có quà”?!
Điều này không mang tính phổ cập. Những phụ nữ xấu đến mức không có “quà” là số rất ít. Không biết ở đây chân dung người phụ nữ được vẽ xấu đến nhường nào để rồi không được “quà”, không biết khái niệm “quà” ở đây như thế nào; tôi thì cho rằng “quà” ở đây rất nhiều nghĩa, không chỉ là chuyện cái vòng, cái nhẫn. Nhưng tôi không tin có người phụ nữ xấu đến mức không có quà. Cũng cần phải khẳng định một điều: Xấu hay đẹp con người không có quyền lựa chọn hình hài mình sinh ra, giống như không có quyền lựa chọn cha mẹ. Và thực tế tôi thấy nhiều người xấu nhưng vẫn lấy được chồng giàu có và đẹp trai. Có thể họ xấu với người này nhưng lại đẹp với người khác.
Nói theo cách của người Việt thì đó là... do số. Anh có tin vào số phận không?
Ồ, có chứ. Nhưng tôi tin vào số phận con người bắt đầu từ lúc có tim thai chứ không nhìn vào thời điểm họ ra đời. Cái số phận và ngôi sao đó chiếu vào mệnh bắt đầu có sự sống, nhịp thở, tâm tư. Phải có sự sống mới có ngày ra đời. Vậy thì nhiều người cứ chọn giờ để sinh, để mổ để làm gì?
Tôi rất tin vào số phận nhưng thế giới của số phận theo quan điểm của tôi quá hiện đại, văn minh mà thế giới thực không chứng minh được. Số phận là cái gì đó hư không.
Nhưng đã có bộ sách thuộc hàng best - seller đem lại cho đời niềm lạc quan: Đời thay đổi khi ta thay đổi.
Con người tạo nên cá tính, cá tính tạo nên số phận. Sự thành công ta có được do số phận của ta được hưởng điều đó và ngược lại… Người ta có quyền tin vào số phận nhưng không nên ỷ lại vào số phận.
Ai đẹp ai xấu đều có số phận. Vì cái số người ta được là người đẹp, ta không được như vậy thì lý trí của ta khiến ta vun vén với số phận ta đang có, để rồi mình hoàn thiện bản thân mình, làm cho cho số phận đó tốt lên. Nếu ai cũng ý thức được điều đấy thì cái đẹp sẽ tồn tại và phát triển tích cực. Người ta còn đẹp ở một tinh thần sống, đó mới là điều quan trọng.
Vẻ đẹp hoàn thiện là điều ai cũng mơ ước Ông cha nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhưng không ít người chuộng hình thức thà “tốt sơn còn hơn là xấu gỗ…”. Nếu phải chọn, anh chọn gì? Tôi chọn… cả hai. Nếu phải được lựa chọn: Tốt sơn xấu gỗ, hoặc là xấu sơn tốt gỗ, tôi tin chắc đàn ông vẫn chọn “tốt gỗ xấu sơn”. Kể cả với người phụ nữ, nếu vẻ đẹp của người đàn ông không thuyết phục bạn, nhưng bạn nhìn thấy đó là một “tấm gỗ” cực kỳ vững chắc, chắc chắn bạn sẽ bị tan chảy. Ngược lại, một người đàn ông nhìn người đàn bà không có vẻ đẹp lý tưởng nhưng có một nội lực, một bản lĩnh có thể cùng mình vượt qua được những khó khăn trong cuộc đời thì tôi tin chắc họ sẽ chọn người đàn bà đó. Các cụ cực giỏi khi dạy cho con cháu như vậy. Bây giờ thì ai cũng mong… tốt cả gỗ lẫn sơn. Một mơ ước hướng tới một vẻ đẹp hoàn thiện. NTK thời trang như anh, khi chọn vợ chắc sẽ… nghiêng về hình thức? Ơ, tôi làm thời trang thì đương nhiên tôi nhìn cái đẹp rõ hơn mọi người. Chẳng có lý do gì tôi lại chọn vợ xấu. Tôi yêu vợ 2 tháng là cưới luôn. Vợ tôi là người… không xấu. Ồ, chỉ “không xấu” thôi ư? Thực ra, nói như vậy cho nó “ngoại giao”, “tế nhị”; chứ nói thẳng ra: vợ tôi không phải đẹp mà là… quá đẹp. Ít nhất là dưới góc nhìn của tôi. Mà tôi - một chuyên gia về cái đẹp nhìn nhận cái đẹp thì chắc là mọi người sẽ tin.