THỜI TRANG » Nhà thiết kế

Đỗ Mạnh Cường: Hai từ 'nổi loạn' không còn chính xác với tôi nữa

Thứ hai, 24/10/2011 10:33

Nếu gói gọn phong cách của tôi trong hai từ “nổi loạn” thì có vẻ không còn chính xác nữa. Còn cá tính riêng thì tôi nghĩ những người gần gũi và tiếp xúc với tôi nhiều sẽ hiểu rõ về tôi nhất.

Chào NTK Đỗ Mạnh Cường , rất vui vì sự đồng ý trả lời phỏng vấn của anh. Một ngày bình thường của Đỗ Mạnh Cường diễn ra như thế nào?

- Một ngày bình thường của tôi chủ yếu xoay quanh công việc. Sáng dậy trước khi đến tiệm tôi vẫn có thói quen xem báo, tạp chí để cập nhật tin tức, đặc biệt là các thông tin mới nhất về xu hướng, thời trang trong nước và quốc tế. Có khi tôi dành thời gian đi xem các chất liệu để tìm ý tưởng cho các sản phẩm mới của mình. Ngày nào tôi cũng có mặt ở tiệm vì khách hàng của tôi thường muốn được tôi trực tiếp tư vấn. Ngoài ra tôi luôn phải đi qua lại giữa xưởng và tiệm để theo dõi quá trình thực hiện mẫu hoặc chỉnh sửa để sản phẩm cuối cùng đạt chất lượng tốt nhất như tôi mong muốn. Tuy nhiên ngoài công việc tôi vẫn có thời gian cho những sở thích cá nhân khác. Tôi vẫn hay sắp xếp công việc để được đi nhiều nơi để có cho mình những nguồn cảm hứng sang tạo mới.

Cường có nói rằng: thường thì trong mỗi bộ sưu tập, anh luôn mang theo một câu chuyện của riêng mình. Những câu chuyện là những ý tưởng, vậy thời gian này anh đã có câu chuyện mới nào chưa?

- Tôi vẫn luôn ấp ủ cho mình những dự định riêng. Nhưng có lẽ tôi xin được giữ bí mật cho đến khi chúng trở thành hiện thực.

 "Nổi loạn" là từ mà người ta nói về anh nhiều nhất mỗi khi nhắc đến cái tên Đỗ Mạnh Cường, từ cá tính cho đến phong cách thiết kế. Anh có nhận xét gì về tính cách mà người ta thường nói về anh?

- Điều này tôi thấy không còn gì mới mẻ nữa. Có thể thời gian đầu mọi người nhìn thấy điều đó thông qua các thiết kế của tôi. Nhưng về sau này nếu mọi người có theo dõi những tác phẩm mới nhất của tôi sẽ nhận thấy phong cách thiết kế của tôi không phải lúc nào cũng gắn với từ “nổi loạn”. Thậm chí có người còn bảo đồ ứng dụng của tôi sau này đơn giản và hiền quá. Nên nếu gói gọn phong cách của tôi trong hai từ “nổi loạn” thì có vẻ không còn chính xác nữa. Còn cá tính riêng thì tôi nghĩ những người gần gũi và tiếp xúc với tôi nhiều sẽ hiểu rõ về tôi nhất.

NTK Karl Lagerfeld đã đi vào lịch sử bày tỏ mình có niềm đam mê bất tận với các anh chàng cơ bắp, to cao. Còn anh, niềm đam mê bất tận của anh là gì?

- Tôi không rõ anh có dụng ý gì khi đặt câu hỏi như thế này, nhưng tôi cũng xin trả lời rằng niềm đam mê lớn nhất của tôi là kiến tạo ra những gì đẹp đẽ nhất dành cho những người yêu mến và biết thưởng thức cái đẹp đó.

Gần đây, có một số NTK có nghi án "đạo" thiết kế của một số BST trong và ngoài nước. Một số nhận định hời hợt, thiếu quan sát và không thực tế đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của người trong cuộc. Bản thân Đỗ Mạnh Cường cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. NTK có suy nghĩ gì ?

- Tôi cho rằng đó là một thực trạng đáng buồn và không tránh khỏi của một nền thời trang còn quá non trẻ. Việt Nam có thể có nhiều nhà thiết kế, nhiều thương hiệu nước ngoài lẫn nội địa, nhiều sinh viên theo đuổi thời trang nhưng còn quá thiếu những người thực sự am hiểu thời trang để có thể đưa ra những nhận xét, định hướng đúng đắn và khách quan, để công chúng hiểu đúng về thời trang và ủng hộ thời trang trong nước. Việc nhiều người viết thời trang thiếu kiến thức, nhận xét cảm tính và thiếu căn cứ thực sự làm những người làm nghề như tôi  rất bức xúc. Nhưng không vì vậy mà tôi không tiếp tục công việc của mình. Tôi vẫn tin rằng thời trang Việt Nam đang phát triển tốt và có nhiều tiềm năng.

Lê Hà là NTK thời trang từng được đào tạo bài bản tại kinh đô tời trang Pháp và hai người cũng nhiều lần cộng tác với Đẹp Fashion Show. Trong một bài phỏng vấn, anh có bày tỏ rằng ngoài TomK Nguyễn, Lê Hà là NTK thời trang trong nước mà anh nể phục. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này không?

- Lê Hà đối với tôi là một người rất có tài năng. Chúng tôi từng có dịp cộng tác với nhau nên tôi hiểu được khả năng của Hà. Hà với tôi chọn những con đường tương tự nhau, khác chăng chỉ là Hà chọn sống và phát triển sự nghiệp ở Hà Nội. Nếu vào Nam, tôi tin Lê Hà có khả năng làm được nhiều thứ hơn.

Anh hài lòng với dự án nào của mình nhất?

- Tôi yêu thích tất cả những BST và những chương trình mình đã tham gia. Nhưng nếu phải kể ra một cái tên thì tôi hài lòng nhất với BST Like A Bird diễn trong Đẹp Fashion Show 8 Freedom. Một đêm diễn đáng nhớ khi tôi được thỏa sức sáng tạo và làm việc cùng với những đồng nghiệp, đồng sự vô cùng tài năng và ăn ý.

 Im ắng sau một thời gian đi tu nghiệp ngành thiết kế thời trang tại Paris, trung tuần tháng 7 năm ngoái anh đã đánh dấu lần trở về với thương hiệu thời trang DMC. Chắc hẳn thương hiệu này rất có ý nghĩa trong việc khẳng định tên tuổi của anh?

- DMC by DOMANHCUONG là tâm huyết lớn nhất của tôi sau khi liên tục tham gia các chương trình thời trang lớn với những BST có tính trình diễn cao. Tôi muốn công chúng thời trang biết đến mình với những bộ trang phục rất ứng dụng, chất liệu chọn lọc và kĩ thuật cắt may tốt nhất, nói chung là những sản phẩm thời trang cao cấp, chất lượng và mặc được chứ không chỉ là những thứ trình diễn trên sân khấu.

Xây dựng một thương hiệu quả là một công việc hết sức khó khăn, Cường có hài lòng với kết quả và sự ảnh hưởng thương hiệu của mình tới công chúng?

- Hiện nay tôi tạm hài lòng với những gì mình đạt được. Tôi có những khách hàng ổn định, họ hiểu và yêu thích những gì tôi đang làm. Tôi chưa nghĩ đến việc phải tăng sức ảnh hưởng của thương hiệu mình lên số đông, bởi tôi cho rằng thời trang nên phục vụ cho những người thực sự yêu và hiểu biết về thời trang.

Hoàng Yến (bìa trái), Trang Trần (bìa phải) cùng nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường

Thương hiệu của anh thu hút được rất nhiều người nổi tiếng trong làng giải trí, nghệ sỹ, doanh nhân và họ là khách hàng quen thuộc của anh. Đối tượng khách hàng mà anh hướng đến là họ?

- Đối tượng khách hàng của tôi là những người biết xài hàng hiệu, có khả năng nắm bắt xu hướng cao cũng như khả năng tài chính tốt. Tôi được học hành bài bản ở Pháp, được tiếp xúc với môi trường thời trang cao cấp nên tôi luôn mong muốn được tạo ra những sản phẩm tốt tương đương. Vì vậy đối tượng khách hàng dĩ nhiên phải là những người như anh vừa nêu trên. Ngay từ đầu tôi đã xác định đối tượng mình muốn phục vụ rồi mới mở tiệm.

Trong tương lai, anh có dự định xây dựng một thương hiệu dành cho tầng lớp bình dân ?

- Đây cũng là một dự định trong tương lai của tôi. Tôi cũng muốn xây dựng một thương hiệu tương tự DMC hiện nay, vẫn đảm bảo chất lượng vốn có, nhưng có thể thoả mãn nhu cầu rộng lớn của thị trường bình dân, với mức giá hợp lý hơn. Tuy nhiên để làm được việc này đòi hỏi rất nhiều tính toán, chuẩn bị kĩ lưỡng cũng như sự hỗ trợ từ nhiều phía, mà trong thời gian này tôi vẫn còn vướng bận quá nhiều việc nên vẫn chưa thực hiện được. Có điều chắc chắn rằng dù làm cho thị trường bình dân, nhưng sản phẩm của tôi vẫn phải chất lượng, “sạch” chứ ko đi ngược lại với những gì tôi cố công xây dựng thời gian qua.

Thường ngày, anh chọn phong cách thời trang nào? Và Đỗ Mạnh Cường muốn thể hiện “cái tôi” qua trang phục như thế nào?

- Phong cách ăn mặc của tôi ảnh hưởng một chút từ phong cách Harajuku của giới trẻ Nhật Bản, tự do, nổi loạn và sáng tạo. Tôi không mất nhiều thời gian cho việc lựa chọn trang phục trước khi ra đường, trừ những dịp hay sự kiện quan trọng. Tôi thường chọn những gì mình thích và phối hợp chúng với nhau một cách ngẫu hứng.

Anh có nghĩ rằng nên có giải thưởng hàng năm cho Nhà thiết kế thời trang trong làng thời trang Việt Nam?

- Nếu có điều này thì tôi nghĩ cũng là một điều khích lệ đối với những người làm nghề như tôi. Nhưng đó cũng không phải là mục đích cuối cùng của nghề nghiệp. Với tôi giải thưởng nào cũng có tiêu chí riêng, đoạt giải không có nghĩa anh là người giỏi nhất và ngược lại. Giải thưởng chỉ có tính chất động viên và ghi nhận những cố gắng trong một giai đoạn nào đó và có tính chất tương đối.

Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường là người phụ trách trang phục cho các thí sinh ở tập 9 của thi Vietnam's Next Top Model 2010 tập 9

Ý tưởng thiết kế thường đến với anh vào khoảnh khắc nào?

- Đôi khi chúng đến rất bất chợt, bất cứ lúc nào và ở đâu. Đôi khi chỉ nhìn một người ăn mặc đẹp, một bức hình ấn tượng hay đi đến một nơi nào đó thú vị, tôi cũng có thể có những ý tưởng sáng tạo mới.

Chất liệu vô cùng quan trọng trong việc thực hiện các mẫu thiết kế, vậy NTK có thể cho biết những khó khăn gì khi anh tìm kiếm chất liệu tại thị trường Việt Nam?

- Tôi thường xuyên đi tìm chất liệu trong nước và quả thực chất liệu đẹp ở Việt Nam quá ít. Đó cũng là điều làm tôi sốc khi mới trở về từ nước ngoài. Chúng ta quá thiếu thốn cả những chất liệu tốt, lẫn nguyên phụ liệu may mặc, công nghệ sản xuất nói chung. Ở Việt Nam ngành dệt may chưa có sự tương tác tốt với các nhà thiết kế để cho ra những chất liệu tốt, phù hợp. Tôi chỉ cố gắng chọn lọc hết mức có thể, ngoài ra tôi vẫn phải đi ra nước ngoài để tìm được chất liệu ưng ý.

 Thời trang đã góp phần rất lớn thúc đẩy nền kinh tế của các nước Âu, Mỹ, và một số nước tại châu Á như Nhật Bản! Và vai trò của Nhà thiết kế trong nền công nghiệp thời trang như thế nào? Theo anh?

- Theo tôi NTK có những vai trò rất quan trọng tác động đến nền công nghiệp thời trang. Đưa ra những xu hướng tiên phong, giới thiệu những quan điểm mới về cái đẹp nói chung và cách ăn mặc nói riêng. Nếu những gì NTK đưa ra nhận được sự đồng tình của công chúng, khách hàng sẽ không ngần ngại chi tiêu cho những sản phẩm đó. Từ đó NTK có khả năng đầu tư cho những dự án mới. Thời trang là một guồng quay với những mắt xích chủ chốt là NTK, người mẫu, truyền thông và khách hàng, trong đó rõ ràng NTK đóng vai trò rất đáng kể.

Anh có thể chia sẻ về guồng quay của nền công nghiệp thời trang tại các trung tâm thời trang lớn của Thế giới như Paris, New York, Milan, London?

- Tôi chỉ có thể nói gói gọn là rất áp lực. Thời trang của thế giới đi trước chúng ta quá lâu và nó thực sự là một nền đại công nghiệp. Tôi từng có dịp làm việc trong các tuần lễ thời trang lớn và luôn cảm thấy quá tải vì sức ép của công việc. Người nào lo việc của người nấy, chẳng ai là không bận rộn và không có lấy chút thì giờ rảnh trừ buổi tối về nhà sau khi xong việc. Đó là chưa nói đến ngành công nghiệp thời trang ở các nước phát triển rất toàn diện, từ việc tạo mẫu, sản xuất, trình diễn, truyền thông báo chí đến các hệ thống bán lẻ… và khâu nào cũng liên quan đến chặt chẽ. Nên áp lực công việc lớn và liên tục là điều không tránh khỏi.

Đào tạo thời trang trong nước và nước ngoài có những cách biệt lớn, anh có thể nhận xét về điều này?

- Tôi chỉ có thể nói điểm mấu chốt là cách đào tạo trong nước không đáp ứng được nhu cầu thực tế công việc. Sinh viên chỉ được đào tạo về mặt lý thuyết mà rất thiếu sự tiếp xúc, cọ xát với thực tế của ngành nên không đáp ứng được nhu cầu công việc. Ở nước ngoài, ngoài việc học chúng tôi phải tự tìm hiểu thêm qua sách báo, phải đi xem và thực tập ở các thương hiệu danh tiếng, để cảm nhận được thời trang thực sự là như thế nào. Dĩ nhiên nếu so sánh về điều kiện luôn có những chênh lệch lớn giữa đào tạo trong và ngoài nước. Điều này làm ảnh hướng rất nhiều đến tư duy thời trang của sinh viên, điều mà theo tôi là rất rất quan trọng.

Đỗ Mạnh Cường có thể có lời khuyên tới những bạn trẻ và người quan tâm tới thời trang và lĩnh vực nghề nghiệp này để trở thành nhà thiết kế thời trang thực thụ và chuyên nghiệp, cần có tố chất gì!

- Nếu đã gọi là tố chất thì tôi nghĩ đó là điều thiên bẩm chứ không phải cứ do rèn luyện mà có được. Tôi chỉ muốn khuyên những bạn trẻ đang có đam mê dành cho thời trang và muốn làm việc trong lĩnh vực này, các bạn phải liên tục cố gắng học hỏi thật nhiều và không ngừng đam mê. Thời trang thực sự là một ngành vô cùng vất vả, nếu không có đam mê và sự cầu thị học hỏi thật nghiêm túc thì dù bạn có tố chất thế nào đi nữa, cũng rất khó để thành công.

 Cám ơn sự chia sẻ của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường, Thế Giới Đẹp xin chúc Đỗ Mạnh Cường sẽ thành công hơn nữa trong xây dựng thương hiệu và phát triển nghề nghiệp của mình trong tương lai!

Thegioidep