Những người mẫu đặc biệt
- Phóng viên: Chào anh Đức Hùng. Lần trước anh mang bộ sưu tập sang thành phố San Jose, California và lần này là giữa thành phố sôi động New York. Chuyến đi lần này có gì khác biệt?
- NTK Đức Hùng: Điểm chung nhất là giới thiệu áo dài (cười). Ở San Jose, chúng tôi được “diện kiến” cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, còn lần này có một điểm thú vị là toàn bộ khách tham dự đều là người Mỹ và châu Âu. Khi nghệ sỹ piano Châu Giang mời tôi “thử” kết hợp trình diễn áo dài tại không gian triển lãm của chị ấy, tôi đã nhận lời.
- Không ít lần mang những bộ sưu tập ra sàn diễn quốc tế, đứng giữa kinh đô thời trang của thế giới, anh có cảm giác choáng ngợp không?
- Choáng ngợp thì không mà là vui và tự hào. Vì cơ hội để nhà thiết kế Việt Nam trình diễn bộ sưu tập của mình ở trung tâm thành phố New York phải nói là hiếm có. Có một chút lo ngại là trước đêm trình diễn khi tôi sang Chicago thì trời mưa rét, rất lạnh. Nhưng may sao về New York thì thời tiết lại rất đẹp. Nhìn những quan khách rạng rỡ trong trang phục truyền thống của Việt Nam tôi rất vui.
- Vậy là thay vì người mẫu thì chính những người khách tham dự đã trình diễn những mẫu thiết kế của anh?
- Đúng vậy. Những “người mẫu” đặc biệt của tôi đều là những nhân vật thành đạt ở thành phố New York. Họ làm việc trong các lĩnh vực khác nhau như đầu bếp, là diễn viên, ngôi sao dancesport… Họ bày tỏ sự thích thú và sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền để mua lại những bộ áo này làm kỷ niệm. Họ còn khẳng định sẽ mặc áo dài Việt Nam xuất hiện tại một sự kiện của New York. Như thế áo dài đã đi vào trong cuộc sống của họ và đó là điều thành công nhất.
- Thiết kế áo dài cho những vị khách nước ngoài mặc, chắc khâu chuẩn bị rất kỳ công?
- Có điều thú vị là có những vị khách muốn thay 3 chiếc áo dài khác nhau trong đêm biểu diễn nhưng vì số lượng có hạn nên khi biết chỉ được mặc một bộ thì họ tỏ ra rất tiếc. Còn để phù hợp với vóc dáng của họ thì tôi phải chuẩn bị số đo trước đó mấy tháng, vậy mà sang đó vẫn “cháy hàng”(cười).
- Điểm nổi bật anh đưa vào những thiết kế lần này?
- Đen tuyền. Đó là sắc màu chủ đạo trong những bộ áo đương đại của tôi. Tuy người Việt Nam vẫn quan niệm đen là màu của tang tóc nhưng ở những sự kiện lớn, tầm cỡ như nhận giải Oscar, giải Cannes… người nước ngoài rất ưa sử dụng màu đen. Vậy trong những sự kiện vui như thế này, đâu cần tránh nó. Tôi khẳng định, màu đen cũng có thể là màu của lễ hội!
Sáng tạo trên nền văn hóa Việt
- Nghe nói anh sử dụng chất liệu trong suốt để thiết kế nên những mẫu áo dài, anh tự tin chứ?
- Tôi tự tin vì tôi sáng tạo trên nền tảng văn hóa dân gian Việt Nam vững vàng. Dù có những nét gợi cảm, sexy thì đó vẫn là áo dài của dân tộc. Hơn nữa “xuyên thấu” đang là xu hướng thịnh hành của thời trang thế giới, được các ngôi sao rất ưa chuộng và tôi muốn mang hơi thở mới vào bộ trang phục truyền thống của Việt Nam. Tại sao lại không nhỉ?
- Từng nhiều lần mang áo dài giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới, anh đánh giá phản ứng của bạn bè quốc tế với áo dài Việt Nam như thế nào?
- Mặc dù thế giới đã tiến một bước rất xa so với thời trang của ta nhưng tôi khẳng định áo dài Việt Nam có chỗ đứng riêng trong lòng người yêu thời trang thế giới. Tôi vẫn nhớ kỷ niệm khi trình diễn áo dài ở Tokyo, Nhật Bản trong một công viên rất rộng nhưng khán giả vẫn đến chật kín. Sau đêm diễn họ nán lại chờ để được xem và chạm trực tiếp vào những tà áo dài. Họ chụp ảnh với chiếc áo dài dù chỉ được treo trên mắc áo thôi. Những hình ảnh đó với tôi chính là cách quảng bá tuyệt vời cho áo dài Việt Nam.
- Anh đánh giá thế nào về cơ hội của những thiết kế của Việt Nam tại những sàn diễn thời trang thế giới?
- Thực ra các nhà thiết kế Việt Nam không hề thua kém về chuyên môn, mà chỉ hạn chế về tính chuyên nghiệp trong phong cách làm việc, cách thức quảng bá hay tuyên truyền sản phẩm của mình. Nếu không có gì thay đổi thì tôi sẽ quay trở lại Mỹ trong tháng 9 tới.