Năm 2010 ghi nhận nhiều dấu mốc đáng nói trong con đường sự nghiệp của Nhà thiết kế Đức Hùng. Sau khi tham gia thiết kế 500 áo dài trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, anh tiếp tục trở thành gương mặt thiết kế trang phục cho các ca sĩ Sao Mai Điểm Hẹn và một vài cuộc thi lớn trong và ngoài nước.
Đồ "nhái", dù đẹp cũng chỉ là "con nuôi"
- Trong giới showbiz Việt gần đây rộ lên vấn đề một số nhà thiết kế "nhái" mẫu thời trang của nước ngoài. Là người trong nghề, anh nhìn nhận ra sao về vấn đề trên?
- Trước tiên, tôi cho rằng, nhận mình là nhà thiết kế mà đi “nhái” của người khác là việc làm tối kỵ. Còn nếu đã làm vậy, hãy tự nhận mình là thợ may. Tuy nhiên, trong sáng tạo có 2 vấn đề khó tránh, đó là trùng ý tưởng và đôi khi, người thiết kế tôn sùng một thần tượng riêng và có thể những tác phẩm sáng tạo ra mang hơi hướng theo kiểu cách thần tượng mình.
Nhưng, trong lĩnh vực thời thời trang, một nhà thiết kế chỉ nên thần tượng ai đó vào thời điểm chưa mang một phong cách ổn định. Khi thành danh rồi, cần phải sáng tạo trang phục mang bản sắc cá nhân, để tránh người khác hiểu nhầm.
- Trường hợp bộ đồ nhái bị phát hiện, nhà thiết kế lặn mất tăm, chối bay chối biến, thành ra nghệ sỹ nào diện phải trang phục đó vô tình đứng ra hứng chịu mũi dùi dư luận…?
- Cá nhân tôi thấy việc người nổi tiếng diện đồ “nhái” hết sức bình thường. Bạn hâm mộ phong cách một nhà thiết kế nào đó tận Mỹ, Ý nhưng không có điều kiện, tiền bạc để sở hữu mẫu trang phục, hoàn toàn có thể tìm mẫu đó qua mạng và đặt may. Người nối tiếng mặc đồ nhái không có lỗi, vấn đề cần lên án ở đây là nhà thiết kế. Tôi nói rồi, nếu đạo mẫu thời trang, hãy nhận mình là thợ may đi. Đi nhái mẫu, nhà thiết kế tự bào mòn sáng tạo, lười suy nghĩ. Đồ nhái, dù đẹp cũng luôn chỉ là "con nuôi".
- Gần đây, các nhà thiết kế có xu hướng thiết kế những chiếc áo dài kỷ lục. Chẳng hạn như Hoa hậu Mai Phương Thúy đã trình diễn chiếc áo dài có đến 9 tà, trong đó mỗi tà dài 100m và được thực hiện hoàn toàn bằng vải lụa hay chiếc áo dài kết từ 1 triệu mét tóc. Anh đánh giá ra sao về sự sáng tạo này?
- Tôi không ủng hộ mốt thời trang kiểu đó. Không hiểu sao, cứ thấy mẫu áo dài nào bị thiết kế dị dạng đi là ghê lắm, tôi không thích. Tôi nghĩ, nếu có định làm một điều gì đó thuộc về kỷ lục, hãy đừng mang chiếc áo dài ra làm việc ấy.
- Người làm nghệ thuật luôn cần cảm hứng sáng tạo không ngừng. Anh nuôi dưỡng cảm hứng từ đâu?
- Những sáng tạo đẹp nhất của tôi đều bắt nguồn từ chất liệu dân gian. Đôi khi chỉ là một câu thơ, một bức tranh vô tình nhìn thấy. Thường thì, cảm hứng của tôi bắt nguồn từ những màu sắc tươi, mạnh chứ không phải gam màu nhờ nhờ, trung tính. Tôi may mắn được sống một tuổi thơ gắn liền với Hà Nội xưa cổ, Hà Hội một thời bao cấp, một Hà Nội đầy chất thơ... và đến bây giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh Hà Nội đó.
Tôi nhớ như in hình ảnh giao thừa, bố mẹ cho đi lễ, đi bộ từ Bờ hồ, qua Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân rồi về Hàng Đậu để xông nhà. Dọc những con đường ấy là xác pháo hồng ngập lòng đường, xung quanh là vàng mã được hoá... tất cả chi tiết đó luôn “ám ảnh” tràn ngập trong trí nhớ, trở thành màu sắc, chất liệu để tôi đưa vào sáng tạo nghệ thuật của mình. Đó là lý do vì sao đến bây giờ, tôi rất thích màu hoa đào, màu vàng mai, màu của ngày Tết, của lễ hội.
Làm nghệ thuật phải “điên”
- Anh có hạnh phúc, tự hào khi công việc gắn liền với hoa hậu, người mẫu xinh đẹp? - Tôi chỉ hạnh phúc khi được làm công việc yêu thích, chứ không phải vì được đứng cạnh cô này cô kia. Tuy nhiên, tôi có nhiều người bạn giỏi, khẳng định tên tuổi trong giới nghệ thuật nên học được nhiều điều từ những người có năng lực như thế. Trước kia, nếu Hoa hậu Thu Thuỷ là cảm hứng sáng tạo của tôi thì bây giờ là Hương Giang. Mặc dù ít tuổi nhưng Hương Giang thực sự xứng đáng là một ngôi sao cả về sắc đẹp cũng như con người.
- Không ít người đẹp nói rằng, làm việc với Đức Hùng không sướng chút nào bởi anh có máu “điên” trong nghệ thuật. Thực hư chuyện này thế nào?
- Là đàn ông, được tiếp xúc với người đẹp là một hạnh phúc, đôi khi ngắm nhìn đã cảm thấy đó là điều tuyệt vời rồi, huống chi được người ta nâng niu, tôn trọng, chờ sự chỉ đạo của mình. Vui chứ! Nếu người đẹp nào nói làm việc với Đức Hùng khắt khe, hà khắc vì ông ấy “điên” trong nghệ thuật thì… người đó quá hiểu tôi. Làm nghệ thuật phải “điên”, không “điên” không làm được. Người tỉnh táo nên đi làm ngân hàng hay một công việc nào đó liên quan tới văn phòng.
Với tôi, đôi khi sự bất cần cũng là cái “điên”. Tôi có thể hờ hững với nghệ thuật 3- 4 tháng muốn tới đâu thì tới, lúc “điên” lên thì lao đầu vào làm hết chương trình nọ tới chương trình kia.
- Anh rút ra kinh nghiệm gì khi làm việc với các người đẹp?
- Trung thực, thẳng thắn, yêu mến họ thực tâm thì sẽ nhận lại từ họ những điều như vậy.
- Không ít nhà thiết kế tự tin nói rằng, thời trang của họ mang đủ thứ giá trị như tính nhân văn, tính giáo dục, tính thời đại…Với Đức Hùng thì sao?
- Thời trang là thứ gì đó rất đời, nên tôi luôn để những mẫu thiết kế cùa mình sống một cách tự nhiên theo cách của nó, đơn giản vậy thôi.
- Trong giới nghệ sĩ, một đặc điểm nổi bật dễ nhận thấy là ít có sự công nhận lẫn nhau về mặt tài năng. Anh nghĩ sao về điều này?
- Ai đi vào nghệ thuật đều có một cái “tôi” rất lớn bên trong, đây là “mầm mống” sự không phục nhau. Do vậy, nghệ sĩ ít khi công nhận tài năng của nhau. Tôi cũng có cái không công nhận người khác đấy! Nhưng điều đó đâu hẳn hoàn toàn xấu. Bởi nó sẽ giúp tôi cố gắng vươn lên. Ở VN, người có công với thời trang thì nhiều, nhưng một người để phục, tôi vẫn chưa tìm ra.
- Làm nghề từ năm 18 tuổi, có lúc nào anh nhìn lại xem thương hiệu Đức Hùng đứng thứ bao nhiêu trong làng thời trang Việt?
- Trong cuộc đời làm nghề, tôi không có ý định thi đấu hay khẳng định tên tuổi mình vì một ai đó. Tôi chỉ phấn đấu cho chính bản thân thôi. Tôi tự cảm thấy, mỗi năm đều được nhiều người biết hơn năm trước. Đó là tín hiệu vui cho tên tuổi trong làng giải trí.
- Cách Đức Hùng nói chuyện có vẻ khá thẳng thắn. Mà nói thẳng dễ mất lòng, bị nhiều người ghét?
- Đúng là nói thẳng, nói thật dễ làm mất lòng người khác. Nhưng nếu bắt nói dối, tôi không làm được. Cuộc đời này, ai cũng muốn được người khác yêu mến. Tuy nhiên, để mọi người đều nhất nhất yêu mến thì người đó phải là một chú tắc kè hoa chúa. Ai đó ngộ nhận mình được mọi người yêu mến hết, tôi cam đoan trong sự yêu mến đó, có tới 50% là giả dối.