- Mỗi dịp cận Tết, trên Facebook của Đức Hùng lại 'rộn ràng' nhỉ?
Thú thật tôi có 2 sở thích mà ai cũng sợ đó là: thích Tết và sửa nhà. Một năm tôi sửa nhà không biết bao nhiêu lần. Còn Tết đến thì tôi lại háo hức như một đứa trẻ, tôi thích Tết một cách điên rồ.
Rất nhiều người nói với tôi rằng họ ghét Tết. Tại sao lại ghét nó nhỉ? Ghét thì nó vẫn cứ đến cơ mà. Riêng tôi thì thích, tôi cũng không hiểu tại sao mình lại thích nó như thế. Mà đã thích thì phải gặm nhấm nó.
Một năm làm việc đã quá nhiều mệt mỏi, chờ mấy ngày Tết để được nghỉ ngơi, để chia sẻ, trò chuyện với người nọ người kia.
Mỗi lần Tết đến tôi cảm thấy mình hạnh phúc thêm, càng bận bịu, càng đông vui càng thích. Đây cũng là khoảng thời gian mình có thể sống chậm lại, thanh bình lại, thích lắm!
- Thế anh có dự định gì cho tết năm nay chưa?
Vẫn sẽ như mọi năm thôi. Tôi bắt đầu tận hưởng Tết từ ngày Rằm tháng Chạp. Tất cả mọi công việc đến ngày đó là gác lại hết. Tôi sẽ bắt đầu cùng gia đình lang thang ngắm phố phường, rồi đi sắm Tết ông Công ông Táo, đón giao thừa ở Bờ Hồ, đi lễ chùa ...
Hằng năm, cứ độ 25 Tết là tôi lại gói bánh chưng. Tự tay tôi sẽ rửa từng cái lá dong, ngâm gạo ngâm đỗ rồi luộc bánh. Tôi thắp hương bằng chính những cái bánh chưng mình tự gói. Chẳng ngon chẳng đẹp đâu nhưng mà cứ thích.
Mấy đứa trẻ con nhà tôi cũng thích lắm! Nhưng tôi cứ tự hỏi bây giờ các gia đình cứ lấy đi của trẻ con những thứ ấy, rồi hễ tí là mắng rằng chúng nó thế nọ thế kia, không yêu những thứ cổ truyền, dân gian nữa. Chúng ta có tạo cho chúng cái không khí đó đâu để mà yêu.
Hai cô con gái của tôi yêu dân gian đến nỗi nhiều lúc tôi còn tưởng chúng nó như "2 bà già". Chúng biết kiêng, rồi biết ngày Tết phải có một thứ màu đỏ trên người, có cái bật lửa đi chơi giao thừa cho ấm. Trước đó tôi đã phân tích cho 2 con tất cả ý nghĩa của những điều đó. Đến bây giờ, đôi lúc mình quên, các con còn nhắc lại cho mình cơ mà.
- Anh đã bao giờ muốn thử đón Tết ở nước ngoài xem cảm giác như thế nào chưa?
Tôi không bao giờ đón Tết ở nước ngoài. Vì tôi sợ con mình không hướng được con cái theo văn hóa dân gian. Tôi mong muốn những đứa con mình phải thẫm đẫm được những nét truyền thống ấy, thấm đẫm được cái phong tục lễ Tết của Việt Nam.
Tôi hy vọng các con sau này yêu Tết như tôi đã từng yêu, yêu những nét văn hóa dân gian Việt Nam như tôi đã từng yêu. Vì thế tôi luôn cố gắng giữ gìn và tìm cách hướng con mình tới những giá trị cổ truyền đó.
Tôi yêu Hà Nội, yêu cái Tết của Hà Nội, yêu cái mùi hóa vàng và tất cả không khí của những ngày đặc biệt ấy. Tôi nói rồi mà, tôi thích Tết lắm!
- Điều gì sẽ không thể thiếu trong cái Tết của anh?
Đại gia đình của tôi có 6 gia đình nhỏ, gần 100 người. Cứ đến ngày 29 Tết là cả đại gia đình sum họp đầy đủ chẳng thiếu một ai. Từ bà chị cả của tôi năm nay đã gần 80 tuổi đến những đứa cháu ẵm ngửa trên tay chưa đầy 2 tháng. Đối với tôi, đó chính là cái tài sản tiền tỉ cũng không thể mua được đấy!
- Yêu Tết như vậy, mỗi năm gia đình anh chi khoảng bao nhiêu cho dịp Tết?
Tôi chẳng quan trọng là chi ra bao nhiêu tiền, có năm được thưởng bao nhiêu, tôi chi hết cho 1 cái Tết.
- Thế anh thưởng Tết cho các nhân viên của mình như thế nào?
Chắc chắn tôi cũng sẽ thưởng cho họ một cái Tết đầy đủ. Tôi có được ngày hôm nay cũng nhờ một phần vào sự ủng hộ của họ dành cho tôi. Không có những nhân viên đó, sao tôi có thể làm ra được những sản phẩm chạm được vào trái tim của những người yêu thời trang. Thế nên phải có 1 cái Tết đúng nghĩa là 2 chữ đầy đủ cho cả gia đình họ.
- Còn chuyện chọn tuổi xông nhà năm mới thì sao?
Tôi không cần nhờ ai xông nhà cả. Tôi luôn là người tự xông nhà cho mình. Bởi vì quan điểm của tôi là không sống hệ lụy, không muốn phụ thuộc vào cái tinh thần của ai đó. Nếu như tôi tốt thì tôi hưởng, còn không tốt thì tôi sẽ tự chịu.