1/ Sắp tới, Quỳnh Paris có một buổi trình diễn thời trang lần thứ 3 liên tiếp của mình với BST Xuân Hè 2014 tại Tuần Lễ Thời Trang Los Angeles. Chị có thể bật mí về BST mới không?
Buổi trình diễn của tôi sẽ diễn ra trong vài ngày tới, chính thức là ngày 15.10 này. BST lần này khá khác biệt so với những BST trước đây. Lấy ý tưởng từ bức tranh tứ bình: mai, sen, cúc, trúc và những cánh bướm cùng chuồn chuồn rực rỡ, đầy màu sắc trong không gian màu của phương Đông. Sau hai BST tập trung hai gam màu chủ đạo: trắng – đen theo phong cách đơn thuần, và cả phong cách hướng theo thuật tối giản. Lần này, tôi trở lại cùng BST mới với những hình thái sáng tạo và đa sắc như BST lần đầu của tôi ở VN. Điều tất yếu trong cuộc sống, thời gian trôi qua làm con người thay đổi và thị hiếu cũng đổi thay. Tôi nghĩ BST mới sẽ làm gợi nhớ về BST đầu tiên nhưng chúng hoàn toàn là 2 cá thể riêng biệt.
2/ Khi nhắc đến một NTK nào đó, tên tuổi của họ thường đi cùng một phong cách thời trang nhất định. Về phong cách thời trang của mình, chị sẽ “định nghĩa” như thế nào?
Phong cách thời trang của tôi là sự kết hợp giữa Tây và Đông, có một chút hơi hướng Pháp (French touch), đầy sáng tạo và rất mỹ thuật. Bởi tôi đã sống qua ở VN, Thụy Sĩ và Pháp. Tôi đã chu du đến nhiều miền đất Tây phương. Tôi tốt nghiệp từ một ngôi trường thời trang của Pháp. Điều đó làm tôi thấm nhuần hơi hướng Pháp và mê thời trang Haute Couture. Tôi đã từng là nghệ sĩ vĩ cầm, họa sĩ, vũ công, chuyên viên thể dục và người mẫu trước khi trở thành nhà thiết kế thời trang. Và hiện tại, tôi dành nhiều thời gian ở Mỹ để tham gia các Tuần Lễ Thời Trang. Tất cả những điều, những nghề và những nơi rất nghệ thuật ấy đã hòa trộn với nhau và làm nên phong cách thời trang của tôi. Cái mà dường như đã len lỏi ăn sâu vào tâm hồn của tôi để mỗi khi tôi thiết kế những hình ảnh, sự kiện v.v… tất cả hiện hữu như một cuốn băng chiếu chậm cứ tua đi tua lại trong tâm trí. Do đó, ý tưởng trong tôi luôn dồi dào nhưng thời gian thì chẳng ưu ái cho tôi chút nào.
3/ Chị tham gia Tuần Lễ Thời Trang nước ngoài đã nhiều năm. Vậy chị đã tích lũy cho bản thân gì từ những năm tháng khó quên?
Trước hết, tôi tham gia Tuần Lễ Thời Trang không phải để giao lưu văn hóa mà là để bán những sáng tạo của mình. Nhờ dịp ấy, tôi phát hiện ra những thị trường, những nền văn hóa, những thị hiếu và những cách thức tiến hành công việc rất khác và được làm việc với những chuyên gia nước ngoài như chuyên gia tổ chức sự kiện, phó nháy, người mẫu, chuyên viên hóa trang và tạo hình tóc cùng giới truyền thông v.v… Điều đó rất lý thú. Đồng thời, tôi còn khám phá ra những quốc gia khác. Mặc khác, mọi người từ những quốc gia khác biết đến tôi càng ngày nhiều hơn sau những lần tham gia đó. Ở Việt Nam, không chỉ những người trong ngành thời trang mà trong lĩnh vực giáo dục cũng biết đến tôi. Minh chứng, tôi từng hợp tác với một số trường đại học thời trang. Và trường hợp xảy ra như vậy đang lặp lại với tôi ở Mỹ. Tôi nghĩ tôi chỉ được biết đến bởi những người trong cùng một ngành. Nhưng gần đây, một trường đại học thời trang của Mỹ đã mời tôi làm giám khảo cho buổi trình diễn thời trang tốt nghiệp của trường. Đó là một ngôi trường danh tiếng lâu đời, được xây dựng cách đây gần 100 năm. Riêng tôi, đó là một danh dự khi nhận được lời mời từ một trường đại học thời trang như thế.
Tôi được mời bắt nguồn chỉ từ hai buổi trình diễn thời trang của mình ở Los Angeles. Đó là một sự công nhận mà tôi rất tự hào. Đồng nghĩa, trường đại học thời trang 100 tuổi này nghĩ rằng kiến thức và kinh nghiệm của tôi sẽ có ích cho sinh viên của họ. Danh dự tôi nhận và trách nhiệm tôi mang cũng lớn không kém nhau. Việt Nam và Mỹ là hai quốc gia có nền văn hóa và cách giáo dục không giống nhau nên việc tôi truyền đạt, chỉ dẫn cho các sinh viên học thời trang của hai nước này phải là hai cách hoàn toàn khác biệt.
4/ Trường đại học thời trang ở Mỹ đã biết đến chị trong hoàn cảnh như thế nào?
Tôi nghĩ trưởng khoa thời trang đã xem buổi biểu diễn của tôi ở LA nên quyết định mời tôi. Với 33 năm làm trưởng khoa, tôi nghĩ ngài không quyết định một cách khinh suất. Điều đó làm tôi rất vinh dự khi được giáo sư với kinh nghiệm trưởng khoa thời trang của một trường đại học danh tiếng công nhận sự sáng tạo của mình sau khi chỉ xem hai BST.
5/ Với những lần, chị tham gia chấm điểm cho sinh viên khoa thời trang của một số trường. Điều đó, có thúc đẩy chị muốn đi đến với con đường dạy thiết kế thời trang không?
Ngày đó và bây giờ, tôi đã “cầm cân nảy mực” cho các buổi trình diễn thời trang tốt nghiệp ở Việt Nam và sắp tới là ở Mỹ. Bên cạnh đó, tôi cũng đã giúp vài trường đại học thời trang Việt Nam chấm điểm tốt nghiệp BST. Tôi luôn quan tâm, thích thú và bị lôi cuốn bởi công tác giáo dục, chẳng hạn như việc dạy học hay cách soạn giáo án.
6/ Nếu chị phụ trách một khoa thời trang, chị sẽ thiết lập cái gì trong giáo án của mình?
Nếu được như vậy, tôi còn gì vinh hạnh bằng. Trước hết, tôi sẽ thế môn học “Lịch Sử Thời Trang” bằng học môn “Xu Hướng và Lịch Sử Thời Trang”. Xu hướng là bài học đầu tiên tôi sẽ dạy cho các sinh viên. Tiếp theo là bài học về lịch sử sẽ đi từ thời kỳ hiện đại nhất mới đến thời đại xa xưa nhất của thời trang. Với tôi, cải cách tư duy là phải hiểu rõ về xu hướng và sự phát triển lịch sử thời trang qua từng giai đoạn.
Sau đó, tôi sẽ giảng dạy về “Tuần Lễ Thời Trang”; trong đó, các sinh viên học thiết kế sẽ được hiểu về khái niệm thế nào là Tuần Lễ Thời Trang, cách thức để tham gia, cách thâm nhập thị trường, cách để chuẩn bị v.v…. Điều này giúp các em có một tầm nhìn xa trông rộng ngoài biên Việt Nam và những em muốn khởi nghiệp kinh doanh ở tương lai luôn tồn tại trong tâm trí một thị trường thời trang quốc tế.
Một số mẫu trong bộ sưu tập xuân hè của Quỳnh Paris:
- Tag
- NTK Quỳnh Paris