Mới đây, với chiếc áo dài cách điệu, người đẹp Cao Thùy Linh đã đoạt giải trang phục dân tộc đẹp nhất của cuộc thi "Miss Grand International 2014". Tuy nhiên, công chúng trong nước thì có vẻ không mặn mà với chiếc áo dài này, bởi lẽ, cũng như phần lớn các trang phục áo dài được các người đẹp trước đó mang đi dự thi, chiếc áo dài này có vẻ quá nặng nề và "cồng kềnh".
Với tư cách là một người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thời trang, đồng thời cũng là chủ nhân của bộ sưu tập áo dài được lấy ý tưởng từ các làng nghề truyền thống khảm trai và được trình diễn trong đêm "Hương sắc Hà Nội", NTK Võ Thùy Dương đã có những chia sẻ thú vị về vấn đề này.
- Là một NTK thời trang, chị thấy những bộ áo dài được người đẹp Việt mặc trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế như thế nào?
- Mỗi người sẽ có một quan điểm, một đánh giá khác nhau đối với những bộ trang phục đó. Cá nhân tôi thấy nhiều thiết kế áo dài hiện nay đang được cách điệu một cách quá đà làm cho bộ trang phục áo dài trở nên cồng kềnh, rườm rà. Nó làm cho trang phục bị biến thể thành một dạng khác.
- Vậy theo chị, việc sáng tạo dựa trên tà áo dài cần phải lưu ý tới điều gì?
- Theo quan điểm của tôi thì dù có sáng tạo thế nào chúng ta vẫn phải giữ được nét đẹp vốn có của tà áo dài. Một tà áo dài không nên có cái đuôi quá to và dài giống như váy của phương Tây. Nếu làm mới áo dài thì chúng ta nên nghiên cứu thay đổi về chất liệu, các họa tiết, màu sắc để làm cho áo dài nổi bật và ấn tượng. Nhưng chúng ta vẫn phải giữ được tối đa hình dáng nguyên bản của áo dài.
Tôi thấy tiếc vì bạn bè quốc tế ít ai biết về sự chuẩn mực của áo dài Việt Nam trong khi những trang phục đi dự thi của chúng ta lại quá cồng kềnh khiến cho hình ảnh tà áo bị biến dạng.
- Trong các cuộc thi nhan sắc, trang phục của những người đẹp thường được thiết kế sao cho cầu kỳ, lộng lẫy nhất. Nếu vẫn giữ tà áo dài theo cách chị vừa nói, chị có sợ nhan sắc Việt sẽ bị lấn át không?
- Đúng là những bộ trang phục cầu kỳ, lộng lẫy thì sẽ bắt mắt hơn, dễ gây ấn tượng với người xem hơn. Nhưng theo quan điểm riêng của tôi thì nét đẹp của người Việt là nét đẹp Á đông, dịu dàng, đằm thắm, nhẹ nhàng, e ấp, nó rất phù hợp với chiếc áo dài kín đáo, thướt tha, nhẹ nhàng, không bốc lửa như châu Mỹ, gợi cảm như châu Âu.
- Có vẻ như chị là một nhà thiết kế rất yêu thích những nét đẹp truyền thống và mang tính chất kinh điển?
- Theo suy nghĩ của tôi, những cái gì đã là kinh điển thì không phá vỡ được, nếu có thì cũng chỉ trong một giai đoạn nhất định rồi nó lại quay trở về với cái cốt lõi. Là một nhà thiết kế, tôi luôn tôn trọng những vẻ đẹp truyền thống, những nét đẹp đã được ghi dấu ở mỗi thời đại.
- Chị có thể giới thiệu một chút về bộ sưu tập áo dài mà chị sẽ giới thiệu trong chương trình "Hương sắc Hà Nội" - 1 hoạt động nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng thủ đô?
- Bộ sưu tập của tôi gồm 15 bộ áo dài có những họa tiết được sử dụng nghệ thuật khảm trai và 20 bộ áo dài lấy cảm hứng từ những chiếc quạt ngũ sắc truyền thống của Việt Nam. Với những bộ áo dài áp dụng nghệ thuật khảm trai làm họa tiết trang trí, tôi sử dụng hình ảnh của bộ tranh tứ quý với tùng, cúc, trúc, mai. Còn với những bộ áo dài dựa trên cảm hứng từ nghề làm quạt truyền thống, tôi dùng 5 loại màu đặc trưng của văn hóa Việt như hồng sen, đỏ, xanh lá, vàng vua và đen để thực hiện phần họa tiết trang trí trên nền vải màu đen.
Cảm ơn chị vì những chia sẻ thú vị trên!