THỜI TRANG » Nhà thiết kế

Trương Thanh Hải: 'Tôi sáng tạo nghiêm túc'

Thứ hai, 31/10/2011 11:47

Với BST 'Hereafter', NTK Trương Thanh Hải đã làm nhiều khán giả sửng sốt khi các thiết kế của anh phát sáng rực rỡ khi được trình diễn trong bóng đêm.

- Với BST "Hereafter" vừa trình diễn trong DFS10, lần đầu tiên anh đưa ra một phong cách trình diễn mới của người mẫu tại VN, trình diễn trong bóng tối giúp cho các bộ trang phục phát sáng có thể được nhìn ngắm rõ ràng hơn, ý tưởng này đến từ đâu? Hereafter - Kiếp sau là một ý niệm vị tương lai. Để nghĩ về nó, tìm hiểu để khắc họa, hầu như tôi không có một tài liệu nào bằng hình ảnh rõ ràng, vì thế tất cả những gì khán giả nhìn thấy qua bộ sưu tập chỉ là sự sáng tạo của cá nhân tôi. Tôi muốn có hình ảnh vừa đủ sáng, những cũng vừa đủ tối, để khắc họa một tương lai không hoàn toàn lấp lánh (như người ta vẫn hy vọng về thiên đàng). Chính từ đó tôi nghĩ đến ánh sáng blacklight và hiệu ứng phát sáng trên trang phục. Nếu khán giả để ý sẽ thấy hình ảnh cây thánh giá xuất hiện xuyên suốt bộ trang phục luôn chói sáng. Đó như là quá trình “vác” một gánh nặng mà chúng ta đang trải qua, và khi nhìn từ sự hồi sinh, kỷ niệm luôn chói lòa từ ánh sáng của quá khứ. Tôi yêu thích ý niệm này khi xem bộ phim Everything Is Illuminated của đạo diễn Liev Schreiber.

- Anh đã mất đến vài tháng trời để thực hiện, nhưng có lúc làm gần xong, anh đã phải bỏ tất cả để làm lại vì chất liệu không phù hợp? Đúng là tôi có 3 tháng để “theo” ý tưởng này. BST được thực hiện đến nửa đường, tôi mới phát hiện ra nhiều thứ rắc rối kỳ quặc do ánh sáng blacklight mang lại. Bằng mắt thường, hầu như rất khó phân biệt 2 loại vải cùng màu. Tuy nhiên khi để vào đèn, 2 chất liệu sẽ khác hẳn nhau, một cái sáng rực rỡ và một cái ...tối thui. Chính vì sự sơ xuất không test với ánh sáng trước khi thực hiện mà tôi phải bỏ hết và làm lại từ đầu. Để bù đắp, trong một tháng ròng, tôi phải ngồi trong ánh sáng blacklight hàng đêm để làm việc. - Việc tìm kiếm chất liệu cho BST lần này của anh có vất vả nhiều? Thật ra vì tính chất trình diễn nên tôi không phải tính đến tính ứng dụng cho sản phẩm. Vì thế việc lựa chọn chất liệu hoàn toàn phụ thuộc vào ánh sáng blacklight. Trong điều kiện ánh sáng thường, BST sẽ không đúng như những gì tôi gửi gắm. Phải chọn một trong hai thôi chứ không có giải pháp vẹn toàn. Công cuộc đi tìm phụ liệu để trang trí cũng khá thú vị. Phải tìm hiểu, nghiên cứu xem những thứ gì có thể phát sáng, rồi chọn lọc đưa vào BST. Tôi hứng thú với việc này, vì nhờ đó mình có thêm kinh nghiệm trong xử lý chất liệu.

- Màn trình diễn của anh được đông đảo khán giả vỗ tay tán thưởng, anh có tiên đoán trước sự thành công này? Phải nói rằng đó là một cảm giác rất khó tả đối với một người làm nghệ thuật biểu diễn. Tôi nghĩ thành công này là do mình đã chọn cách truyền tải ý tưởng tốt, khiến khán giả có sự thích thú về thị giác, và sau đó, có một êkíp rất chuyên nghiệp đã hỗ trợ hiệu quả cho màn trình diễn. Khi tôi thực hiện mẫu trong phòng tối, tôi nghĩ như vậy thôi đã đủ ổn rồi. Thế nhưng khi mang lên sân khấu và hệ thống ánh sáng quá tuyệt vời, bản thân tôi là người tạo mẫu mà còn bất ngờ với hiệu ứng đem lại. (Cười lớn). - Hoặc là ứng dụng hoàn toàn, hoặc là thật sự sáng tạo để đạt đến đẳng cấp nghệ thuật. Tuy nhiên rất nhiều NTK trẻ tại VN lại cứ bị “nửa nạc nửa mỡ”, theo anh điều này có thể giải thích như thế nào? Để rạch ròi hai khái niệm này trong sáng tạo, không phải một sớm một chiều hay vài câu lý thuyết là đủ để các bạn thiết kế trẻ hiểu ra được vấn đề. Chọn một trong hai không khó, nhưng tham cả hai thì cần phải vững nghề mới làm được. Thời trang không có giới hạn. Nếu bạn tự rào cản mình, bạn sẽ sớm mòn ý tưởng và bế tắc. Làm đồ ứng dụng là để kinh doanh, cần có độ nhạy bén về xu hướng, tâm lý khách hàng, tinh tế, tỉ mỉ trong từng sản phẩm. Còn thỏa sức sáng tạo cho thời trang ý niệm, giúp NTK khám phá năng lực tiềm ẩn và những kỹ thuật phức tạp. Đúng là trong thời điểm này tôi thấy nhiều nhà thiết kế trẻ vừa được giới thiệu đã làm cả 2 mảng này một cách nhanh chóng. Có thể 1-2 bộ sưu tập đầu tiên sẽ ổn, nhưng về lâu dài, họ sẽ gặp nhiều khó khăn. Riêng bản thân tôi, giai đoạn này tôi vẫn ưu tiên cho kinh doanh. Tôi rất chọn lọc chương trình để giới thiệu những BST ý niệm vì sự nghiêm túc với nghề nghiệp.

NTK Trương Thanh Hải

- Anh có nghĩ mình vẫn đang thiếu những yếu tố gì đó để bật lên khỏi những NTK trẻ khác và định danh một cách rõ ràng trong làng thời trang? Tôi nghĩ bản thân mình và nghề này có một sự mâu thuẫn rất lớn, mà tôi không muốn tìm cách “hóa giải”. Tôi không thích sự ồn ào của giới showbiz, không thích chưng diện hay xuất hiện trước đám đông. Là một nhà thiết kế giỏi, họ phải giới thiệu hình ảnh của bản thân với công chúng nữa. Tôi rất kém ở điểm này. Đối với tôi, một cuộc sống tự do thoải mái, không câu nệ hình thức đã đủ bù đắp cho những thiệt thòi kia rồi. - Thương hiệu thời trang hiện nay của anh tập trung vào đối tượng khách hàng nào nhiều nhất? Nhãn hiệu Trương Thanh Hải với dòng thời trang tiệc và áo cưới vẫn hoạt động tốt từ 10 năm nay. Khách hàng của tôi yêu thích sự trung thành với màu trắng của nhà thiết kế. Họ là những người yêu sự thanh lịch, tinh tế và không phô trương.

- Trong năm 2011 có rất nhiều show thời trang diễn ra, anh có nghĩ đây là một năm mà thời trang Việt trỗi dậy mạnh mẽ? Năm nay tuy có nhiều hoạt động thời trang nhưng tôi vẫn không thấy được những nhân tố mới, đặc sắc. Công việc của ngành thời trang Việt là đi tìm bản sắc của mình. Hầu hết những BST được giới thiệu vẫn chỉ gói ghém trong khuôn khô của chương trình, chứ chưa có được tầm ảnh hưởng sâu rộng. Tuy nhiên, cũng phải nhìn được một mặt mạnh thấy rõ, công chúng đã có một nền tảng hiểu biết nhất định về thời trang. - Thời gian qua cũng nảy sinh rất nhiều vấn đề về các scandal đạo mẫu thiết kế của các NTK nước ngoài, cá nhân anh nhìn nhận vấn đề này ra sao? Tôi không nghĩ đây là một vấn nạn, nó chỉ là một trong những quá trình phát triển để vững vàng cho ngành thời trang Việt Nam. Đương nhiên, những cái đẹp không có bản sắc mà chi là sự sao chép vô hồn, cũng sẽ dễ bị đào thải. - Nếu một ngày nào đó ai đó nói rằng NTK Trương Thanh Hải cũng là một người đạo ý tưởng, anh có xem đó là sự xúc phạm nghề nghiệp và làm cách nào để tránh trường hợp ấy? Tôi làm sáng tạo rất nghiêm túc. Chỉ có cách tự trọng với nghề nghiệp của mình mới giúp bản thân tỉnh táo. Còn ai có nói gì, tôi không quan tâm.

xzone