THỜI TRANG » Thời trang +

Khám phá trang phục đón Tết của 10 nước Châu Á

Thứ sáu, 02/01/2015 09:42

Hãy cùng ngắm những bộ trang phục truyền thống của các nước châu Á trong ngày đầu nắm mới nhé.

Những ngày đầu năm mới trong quan niệm người Á Đông rất quan trọng. Vì theo họ việc ăn gì, mặc gì, hoạt động ra sao trong những ngày đầu năm sẽ ảnh hưởng cả năm dài sau đó. Vì thế, bên cạnh việc bày biện mâm cỗ thì trang phục cũng là khía cạnh hết sức được quan tâm. Và dù cho các trang phục phương Tây tiện dụng và được sử dụng nhiều, trang phục truyền thống vẫn được yêu thích trong những dịp lễ tết tại các nước châu Á. Nhân dịp ngày đầu năm, chúng ta hãy cùng "du lịch" 10 nước châu Á qua các trang phục họ mặc cho ngày Tết nhé.

1. Việt Nam

Hình ảnh tà áo dài bay trên phố là dấu ấn đặc trưng của Việt Nam mỗi khi Xuân về, Tết đến. Với cả hành trình quá khứ, hiện tại, tương lai chứa đựng trong tà áo dài suốt nhiều thế kỷ, áo dài đã trở thành một biểu tượng văn hóa của người Việt. Hẳn nhiên, người con gái Việt Nam luôn chọn chiếc áo dài là trang phục đẹp nhất trong dịp lễ tết trọng đại đặc biệt là dịp tết cổ truyền. Áo dài ngày Tết thường là những màu sắc tươi tắn, nổi bật và đặc biệt màu đỏ, hồng, vàng rất được ưa chuộng với ý nghĩa đó là màu sắc mang lại may mắn và hạnh phúc cho 1 năm dài. Ngày nay, áo dài đã được cách điệu và biến thể vơi nhiều kiểu dáng chất liệu nhưng vẫn nằm trong tổng thể kín đáo giữ gìn vẻ đẹp duyên dáng Việt.

2. Nhật Bản

Nhắc đến xứ sở hoa anh đào, không ai có thể quên được đường nếp bộ kimono điệu đà. Những bộ kimono nổi bật với một lớp vải định hình vòng eo, bộ lễ phục này mang đến sự uyển chuyển cho người mặc. Và cũng giống với các đất nước châu Á khác, người Nhật cũng rất chuộng sắc màu tươi sáng cho bộ kimono ngày Tết của mình. Bên cạnh đó, những bông hoa hay hình ảnh chùa tháp cũng được khắc họa cho bộ kinono thêm phần thú vị và nổi bật hơn.

3. Hàn Quốc

Năm mới, người Hàn Quốc thường mặc Han-Boks, một loại trang phục cổ truyền đậm chất văn hóa của xứ củ sâm. Hanbok tượng trưng cho nét đẹp truyền thống của phụ nữ Hàn Quốc và nó cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của đất nước này. Tuy hình dáng của Hanbok không ôm sát nhưng lại khoe khéo vẻ đáng yêu, e ấp như hoa nở của người phụ nữ nơi đây. Đặc trưng của Hanbok là có màu sắc vô cùng sặc sỡ do vậy đường phố ngày Tết của Hàn quốc cũng rực rỡ sắc màu vô cùng tươi vui.

4. Trung Quốc

Cũng giống như áo dài Việt Nam, sườn xám của Trung Quốc là trang phục truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc và được cả thế giới biết đến. Trang phục sườn xám truyền thống rất kín đáo mà vẫn gợi cảm, tôn lên đường cong cơ thể của người phụ nữ, để lộ kín đáo thân hình uyển chuyển, đôi vai tròn và vòng eo thon nhỏ của phụ nữ. Cách thể hiện này phù hợp với cách biểu đạt ý nhị và nhã nhặn của phụ nữ Phương Đông về vẻ đẹp hình thể.

5. Lào

Trang phục truyền thống Lào - Sinh là một chiếc váy ống đơn giản, được làm bằng lụa, tơ lụa và bông hoặc bông chỉ, dệt họa tiết tinh tế cũng như thêu ren tinh tế. Một chiếc váy Sinh thường được dệt công phu ở chân. Quần áo truyền thống đại diện cho phụ nữ của từng dân tộc Lào, vẻ đẹp, quyến rũ và hấp dẫn phù hợp với truyền thống. Họa tiết dân tộc cũng là điểm nhấn chính trên nền các màu sắc sặc sỡ của một bộ Sinh ngày Tết.

6. Campuchia

Sampot là trang phục truyền thống của đất nước Campuchia, nó cũng giống tương tự như trang phục truyền thống của các nước láng giềng Lào và Thái Lan... Sampot thường là một miếng vải dài khoảng 3 mét và rộng 1 mét, được quấn xung quanh thắt lưng, kéo dài ra và kết lại bằng một nút thắt, nút thắt sau đó được kéo lên giữa hai chân rồi được cố định bởi một thắt lưng bằng kim loại. Sampot gần giống với một chiếc quần hơn là váy và đó là đặc điểm riêng biệt không đất nước nào có được. Với trang phục Sampot thì cả nam và nữ ở đất nước Campuchia đều dùng được. Riêng phụ nữ thường kết hợp Sampot với Chang Pong – một mảnh vải màu sắc bất kỳ dùng để quấn, che phần ngực và để hở phần bụng trên. Tuy nhiên miếng vải cũng được lựa chọn để cùng màu và họa tiết với chân váy ở dưới.

7. Thái Lan

Trang phục truyền thống của quốc gia này được phụ nữ mặc vào các dịp đặc biệt trong năm, lễ tết, cưới hỏi, hay khi trình diễn các điệu múa dân tộc. Tên của loại trang phục này là Phasin, tùy theo người mặc và hoàn cảnh mà loại trang phục này biến hóa khác nhau. Đặc điểm cơ bản của trang phục truyền thống của người Thái là không may vừa sát người. Bộ trang phục căn bản là một cái váy gồm hai hay ba mảnh vải, may thành hình ống được quấn quanh lưng và gấp mép ở rốn. Cả đàn ông và phụ nữ đều mang cái túi bằng vải trên vai để đựng đồ dùng cá nhân. Phasin có thể để trơn, không thêu thùa gì, nhưng thường thì chúng có họa tiết và màu sắc theo những kiểu cách phân biệt theo vùng hay nhóm sắc tộc.

8. Indonesia

Kebaya lại là một trang phục biểu tượng của Indonesia. Ngày nay, các nhà thiết kế Kebaya đã kết hợp loại trang phục này với một số thiết kế trang phục của nước ngoài tạo thành Kebaya hiện đại. Kebaya hiện đại có kiểu dáng, chất liệu và màu sắc đa dạng hơn, Kebaya có thể được mặc tại các đám cưới hay các sự kiện quan trọng khác. Với phẩn riềm cổ được làm cao nhằm tôn lên vẻ đẹp thanh cao của người phụ nữ. Còn chân váy xuông ôm vừa vặn lại là yếu tố mang đến vẻ nữ tính, dịu dàng và uyển chuyển mỗi khi người phụ nữ Indonesia di chuyển.

9. Ấn Độ

Phụ nữ Ấn Độ luôn tự hào về trang phục truyền thống của mình mang tên Sari. Loại trang phục này không chỉ đẹp mà còn ẩn chứa bề dày truyền thống văn hóa.

Ngày nay, trang phục Sari hiện đại thì chỉ có một mảnh vải đơn dài khoảng từ 5 -9 mét (cũng có khi là 12 mét) và một mảnh rộng khoảng 1 mét. Hai mảnh Sari không còn đơn điệu mà được trang trí bởi những đường nét thêu thùa, viền ren, hoa văn xinh xắn hoặc thậm chí là đính đá quý. Nếu như mục đích của phụ nữ là muốn khoe nữ trang và trang sức thì cô ấy có thể đi ra ngoài mà không cần mặc Sari thêu thùa. Sari có thể có nhiều màu sắc khác nhau. Trước đây, phụ nữ Ấn thường chỉ mặc áo Sari một màu, tuy nhiên khi xã hội ngày càng phát triển thì màu sắc của Sari ngày càng trở nên đa dạng, óng ánh và đường nét trang trí tinh xảo, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ.

10. Myanmar

Trang phục cho nam giới ở Myanmar là Longyi, còn cho nữ có tên gọi Thummy gần giống với váy Lào, Thái. Tất cả đều đi dép như dép Lào. Cả nam lẫn nữ chỉ đi giày khi mặc Âu phục. Được chia làm 2 phần là áo có thể dài hay ngắn tay tùy người và váy đầm dài xuông cắt may vừa vặn cơ thể. Màu sắc sặc sỡ và hoa văn họa tiết dân tộc cũng là nét nổi bật trong thiết kế của Myanmar.

Theo Depplus.vn/MASK
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới