Trước trận lượt đi ấy, thì triều đại Laurent Blanc mới đi qua ba trận, và tấm băng đội trưởng bắt đầu chuyến phiêu lưu bất định của nó. Trận giao hữu thua Na Uy 0-1, trận đầu tiên ông Blanc dẫn dắt đội Pháp, Phillipe Mexes là thủ quân. Florent Malouda đảm nhiệm vai trò ấy, khi Pháp thất thủ 0-1 trước Belarus. Alou Diarra đeo tấm băng đội trưởng ở trận thứ ba, Pháp thắng Bosnia 2-0. Đến trận thắng Romania 2-0 (Diarra vẫn là thủ quân), thì câu chuyện ai là đội trưởng tuyển Pháp bắt đầu lắng xuống, vì hệ thống thi đấu mà ông Blanc xây dựng bắt đầu vào guồng, và đem lại những kết quả tích cực.
Nhưng những trục trặc vừa qua trong phòng thay đồ và cả lối chơi mất kiểm soát của đội tuyển Pháp thời gian qua, đặc biệt là sau trận gặp Albania, cho thấy rằng băn khoăn về cái tên người sẽ đảm nhiệm vai trò thủ lĩnh đội bóng sẽ quyết định xem họ có thể tiến xa đến đâu ở EURO 2012, sau khi đã nhìn thấy nó hiện diện rất rõ ở trước mắt.
Alou Diarra chính là người đeo băng đội trưởng của tuyển Pháp ở trận lượt đi trước Romania
Ông Blanc vẫn chưa tìm ra câu trả lời, với bằng chứng là việc tấm băng thủ quân tiếp tục bị xoay tua. Ở trận giao hữu hòa Chile 1-1, Abidal là chủ nhân của nó. Ở trận thắng Albania 2-1 vừa qua, thì Diarra tiếp quản trở lại vai trò ấy. Điều đáng tiếc là cả hai đều đã mắc sai lầm, đặc biệt là ở trận gặp Albania, khi Abidal cùng Kaboul trực tiếp khiến Pháp thủng lưới, còn Diarra là người đã mất bóng ở giữa sân trong tình huống trước đó. Sự việc Samir Nasri phản đối lại những lời bình luận công khai của ông Blanc trước báo chí cũng cho thấy rằng HLV hiện tại của tuyển Pháp không có một cánh tay phải trong phòng thay đồ, mà thông qua đó, ông có thể truyền đạt các ý kiến của mình cho các cầu thủ.
Hay là không thủ lĩnh?
Tính tập thể gia tăng của bóng đá hiện đại đang phủ nhận vai trò của các thủ lĩnh. Các trận đấu không còn biến thành sân khấu riêng cho các đội trưởng thể hiện sự dữ dằn và bản lĩnh của họ. Đội tuyển Đức, đội đầu tiên đến EURO, vừa phải xem xét lại tư cách đeo tấm băng ấy của Philipp Lahm, sau khi cuốn hồi ký gây tranh cãi của anh được tung ra (trước đó, họ đã chia tay Ballack, người đeo băng đội trưởng của tuyển Đức từ năm 2004). ĐT Anh cũng từng tước rồi trả lại tấm băng đội trưởng cho John Terry. Kết quả? Họ vẫn thẳng tiến tới EURO, dù có vài thời điểm trục trặc do thiếu tiếng nói một thủ lĩnh. Tất nhiên, trong số đó có cả Pháp, vẫn đang xoay tua tấm băng đội trưởng, nhưng vẫn chiến thắng không ngừng, ngay cả khi đối đầu với những đối thủ hàng đầu thế giới, là Brazil và Anh.
Đó là một điều kỳ lạ đối với cá nhân đội Pháp, một đội tuyển đã quá quen với việc sống dưới cái bóng của một thủ lĩnh. Như khi đội trưởng Michel Platini đưa "Les Bleus" đến với chức VĐ EURO 1984, đội trưởng Zinedine Zidane gần như một mình dẫn dắt đội tuyển Pháp đang thoái trào tiến vào chung kết World Cup 2010. Và ở góc độ tiêu cực, thì việc đội trưởng Patrice Evra cầm đầu cuộc nổi loạn ở Nam Phi cũng là bằng chứng cho thấy sự phụ thuộc của các cầu thủ Pháp vào người đeo tấm băng thủ quân, ngay cả khi đó chỉ là một "thủ lĩnh giả hiệu" như hậu vệ của Manchester United.
Tìm ra một con người kiệt xuất như Zidane hay Platini, những người vừa có thể gánh vác vai trò thủ lĩnh tinh thần và đồng thời cũng là thủ lĩnh lối chơi, dường như là điều không tưởng với đội tuyển Pháp vào thời điểm này, và xem ra cuộc phiêu lưu đã qua của tấm băng đội trưởng hóa ra vô nghĩa hơn người ta tưởng, vì không dựa dẫm vào một thủ lĩnh là một xu thế không thể tránh khỏi của bóng đá hiện đại.
Đó cũng là vấn đề mà Romania đang giải quyết rất tốt: Kể từ khi cựu đội trưởng Cristian Chivu tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế vào tháng Năm vừa qua, thì tuyển Romania thậm chí đã thắng liên tục hai trận ở vòng loại EURO vừa qua, và thêm một chiến thắng nữa, họ sẽ thu ngắn khoảng cách với Pháp còn vỏn vẹn 2 điểm.
Dự đoán: 1-1