Liên hoan phim Cannes dường như là một mảnh đất màu mỡ cho ý định muốn nổi tiếng, cho những bộ phim bị cấm chiếu, cho những vụ công kích công khai trước truyền thông và báo giới giữa giới chuyên môn.
Leo thang danh vọng bằng ảnh ngực trần
Năm 1954, là một diễn viên phụ đang muốn nổi tiếng, Simone Silva đã sẵn sàng cởi đồ để chụp hình cùng tài tử Hollywood Robert Mitchum. Ngay sau đó, sự kiện này đã lên trang nhất các báo toàn cầu suốt mùa liên hoan phim năm này.
Từ một nữ diễn viên hạng B nước Anh, Silva nhanh chóng thành “nữ hoàng của liên hoan phim” nhờ bức ảnh có một không hai. Sau đó, nữ diễn viên tự tin nói với báo Ohio: “Các nhiếp ảnh gia đã quỳ xuống để cầu xin tôi cởi áo chụp hình.”
Silva đã bị Liên hoan phim trục xuất ngay lập tức, nhưng cô vẫn để lại những thách thức: “Miễn khi nào gợi cảm là chiếc vé thông hành đến danh vọng, tôi sẽ vẫn tiếp tục làm thế. Tôi sẽ cho mọi người thấy những gì gợi cảm nhất, như cặp giò của tôi chẳng hạn”.
Dùng chim bồ câu chết để đánh nhau
Năm 2001, các sao nam của phim 24 Hours Party People đã tấn công bằng vũ lực với nhau ngay trên bàn ăn tối tại một khách sạn xa hoa. Họ dù chim bồ câu chết thu thập từ bãi biển riêng gần đó để ném vào nhau khiến máu và lông vương vãi khắp nhà hàng.
Bảo vệ của nhà hàng sau đó phải dùng vũ lực đe dọa các sao nam và tống tiễn họ ra khỏi bãi biển cùng đoàn làm phim.
Diễn viên Danny Cunningham người đóng vai chính trong phim sau đó kể lại lý do cuộc đánh lộn: “Cuộc đánh lộn lấy cảm hứng từ một cảnh trong phim miêu tả nhân vật chính nổi loạn, đầu độc 3.000 con chim bồ câu Manchester bằng thuốc phiện. Vì thế đạo diễn Shaun hẳn sẽ rất tự hào về chúng tôi khi chúng tôi đến Cannes với một tinh thần hết sức đúng với phim”.
Có lẽ mục đích gây chú ý của đoàn làm phim đã đạt được khi đây được coi là một trong vụ bê bối lớn nhất của liên hoan phim năm đó.
Hủy liên hoan phim vì biểu tình
Những cuộc biểu tình, đình công lớn nhất nước Pháp vào tháng 5/1968 của những sinh viên và công nhân đã ảnh hưởng không nhỏ tới cả lĩnh vực riêng biệt của phim ảnh. Liên hoan phim lần thứ 21 tràn ngập mùi “chính trị”.
Một nhóm những nhà làm phim dẫn đầu bởi đạo diễn Jean-Luc Godard (năm nay tham dự Cannes với phim Giã từ ngôn ngữ) và Francois Truffaut đã kêu gọi hủy bỏ liên hoan phim để tiếp tục biểu tình.
Ấn tượng nhất là hình ảnh nhà làm phim gạo cội Jean-luc Godard đeo kính hàng hiệu Ray-bans và quát lên với các đồng nghiệp: “Các người là lũ đê tiện. Người dân ai cũng nói đến đoàn kết sinh viên và công nhân, còn các người chỉ biết nói về những cảnh phim và cú máy ngu xuẩn”.
Godard và Truffaut đã kéo rèm che không cho chiếu phim tiếp theo ngay trong rạp chiếu. Sau đó, LHP công bố kết thúc trước năm ngày và không có giải nào được trao.
Đạo diễn Vincent Gallo đấu khẩu với nhà phê bình danh tiếng Roger Ebert
Vincent Gallo tham dự liên hoan phim năm 2003 với bộ phim “Brown Bunny” bị các nhà phê bình chỉ trích là tạp nham, rời rạc, cẩu thả và câu khách bằng những hình ảnh quan hệ tình dục bằng miệng rẻ tiền. Bộ phim đã nhận không ít những la ó và nỗi thất vọng của các nhà phê bình. Đặc biệt trong đó, Roger Ebert nói rằng ông kinh tởm bộ phim và thấy nó là bộ phim tệ nhất trong lịch sử LHP Cannes từ trước đến nay.
Gallo về Mỹ sửa lại bộ phim và đấu khẩu gay gắt với Ebert. Vị đạo diễn đã có những lời ác ý với Ebert: “Ông ta chỉ là đồ con lợn với vóc dáng của một nô lệ. Chỉ mong yểm bùa ở ruột ông ta và hi vọng ông ta sẽ bị ung thư.”
Song cố phê bình gia đáp trả: “Tôi đã từng một lần đi khám những cặn bã trong ruột của mình, họ đã cho tôi xem những hình ảnh đó đó trên tivi, nó còn hay hơn nhiều so với The Brown Bunny”.
Thêm đó, ông cũng chế nhạo: “Sự thật là tôi béo nhưng một ngày nào đó tôi sẽ gầy đi và anh ta thì vẫn là đạo diễn của Brown Bunny”.
Cuộc cãi vã kết thúc trong im lặng.
Lars Von Trier phát ngôn sốc: “Tôi đồng cảm với Hít-le”
Năm 2011, đạo diễn người Đan Mạch nổi tiếng lập dị Lars Von Trier đã bị trục xuất khỏi Liên hoan phim Cannes khi nói đùa quá trớn tại họp báo quảng bá bộ phim Melancholia của mình. Ông phát biểu: “Tôi hiểu Hitler, tôi nghĩ ông ta đã làm những điều sai trái, vâng hoàn toàn sai nhưng tôi rất thông cảm với ông ấy. Tôi nghĩ tôi hiểu người đàn ông này”.
Von Trier nổi tiếng là chúa bê bối khi bắt đầu tham gia Liên hoan phim Cannes từ những năm của thập niên 80. Quá tức giận vì bị gạt ra khỏi giải thưởng cao nhất năm 1991, ông đã gọi chủ tịch hội đồng giám khảo Roman Polanski là một “thằng lùn”. Ông cũng từng tranh cãi với nữ nhạc sĩ Iceland Bjork, người đã giành giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai chính trong bộ phim Dancer in the Dark của ông, tới nỗi cô tuyên bố sẽ không bao giờ đóng phim do Lars Von Trier đạo diễn nữa.
Có lẽ bê bối lớn nhất của đạo diễn Đan Mạch là năm 2009 khi mà khán giả sốc khi xem một cảnh kỳ cục và kinh dị mà ông gọi là nghệ thuật trong “Antichrist” với hình ảnh diễn viên Charlotte bị cắt đi bộ phận sinh dục. Ban giám khảo đã gọi đây là hành động chê bai phụ nữ của ông.
Mới đây nhất, Lars Von Triers tiếp tục mang đến cho khán giả bộ phim mới Nymphonaminac (Người đàn bà cuồng dâm) gây tranh cãi toàn cầu một thời gian dài.