Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Libya đang nỗ lực tiếp tục tìm mọi biện pháp để tiếp cận số lao động này nhằm đưa họ ra khỏi vùng nguy hiểm.
Theo tin mới nhất mà PV vừa nhận được, hiện có khoảng 4.200 lao động Việt Nam đang trên đường về nước bằng các con đường khác nhau. Số người Việt Nam đã hồi hương hiện nay đã hơn 4.600 người. Trong số lao động Việt Nam còn lại ở các nước láng giềng Libya, tập trung đông nhất ở quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (khoảng 1600 người) và Tuynidi (khoảng 1200 người).
Để nhanh chóng đưa lao động về nước, hãng hàng không Vietnam Airline cho biết, sẽ tăng thêm 2 chuyến bay sang các nước khu vực thứ 3 để đón lao động Việt Nam về nước. Như vậy, tính đến thời điểm này, Vietnam Airline sẽ có 9 chuyến bay sang đón lao động Việt Nam cho đến tới ngày 7/3.
Hiện vẫn còn 75 lao động người Việt ở Libya đang nằm trong vùng xung đột nguy hiểm.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, hiện số lao động Việt Nam đang ở Libya là 289 người, trong đó có 75 lao động đang nằm trong vùng xung đột. Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đang tìm mọi cách thu thập thông tin vị trí chính xác nơi ở của các lao động này và phối hợp với cơ quan đại diện ở lãnh thổ này để sớm đưa số lao động trên rời khỏi lãnh thổ Libya an toàn. Trước tình hình căng thẳng đang diễn ra ở Libya cũng như thái độ thể hiện khác nhau của các quốc gia trên thế giới đối với Libya, các nhà chức trách Việt Nam vẫn tiếp tục bày tỏ quan ngại đối với các vấn đề ở khu vực này và tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của mình trong việc đưa lao động Việt Nam về nước. Đó là bằng mọi giá đưa lao động Việt Nam an toàn về nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cần phải đảm bảo an toàn cho lao động hiện đang mắc kẹt ở Libiya và các nước thứ 3. Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ Ngoại giao và các cơ quan sở tại tìm cách đưa lao động Việt Nam an toàn và sớm được hồi hương trong thời gian nhanh nhất. Các nhà chức trách cũng đã đề nghị các quốc gia Asean và các nước trên thế giới tạo điều kiện giúp đỡ để việc di tản, vận chuyển lao động Việt Nam có thể tiến hành dễ dàng hơn.