PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Ấm ức vì chồng có "máu nghệ sỹ"

Thứ năm, 09/06/2011 11:58

Lấy được chồng tâm lý là hạnh phúc, nhưng lúc nào, làm gì chồng cũng theo cảm tính khiến không ít người phụ nữ phải chịu khổ.

“Anh chỉ yêu cái đẹp thôi!”   Anh Cường - chồng chị Hương (Hoàng Mai - Hà Nội) không thuộc dạng cao to, đẹp trai nhưng người khác cũng phải “ngước nhìn” bởi anh hóm hỉnh, khéo mồm lại am tường tâm lý phụ nữ. Anh Cường biết rõ lúc nào nên nói gì, tặng quà ra sao và hay đơn giản là im lặng đúng chỗ.   Chẳng thế mà lúc còn “phòng không”, anh không phải tốn công đi tán tỉnh cô nào mà vây quanh anh là bao nhiêu vệ tinh để anh tha hồ lựa chọn. Và trong cuộc “chạy đua” đó, chị Hương đã chiến thắng và nắm trong tay danh hiệu “mẹ của các con anh”.   Khỏi phải nói, chị Hương đã vui mừng như thế nào vì đã chinh phục được một người vốn có biệt danh là “Cường đào hoa”, “Cường sát gái”. Nhưng niềm vui đó chỉ như gió thoảng qua bởi trong những ngày sống chung sau này, chị mới thấm thía nỗi khổ vì chồng có tính đào hoa, lãng tử. Bởi  đi đường thấy cô nào xinh xinh thì mắt anh sáng lên, quên mất mình đang chở vợ.   Có lần, mải đuổi theo một cô em chân dài trên phố mà anh vượt đèn đỏ và tông phải xe phía đối diện, cũng may chỉ bị thương nhẹ. Rồi xem ti vi, có cô diễn viên, người mẫu nào quyễn rũ, nóng bỏng là anh phải lên mạng tìm thông tin bằng được và tải ảnh về máy tính bằng đủ mới thôi. Chị Hương đã nhiều lần giận dỗi vì tật “mơ màng” của anh thì anh đều biện minh: “Anh chẳng làm gì sai cả, anh chỉ yêu cái đẹp thôi”.   Cũng vì tính yêu cái đẹp của anh mà chị Hương luôn phải sống trong nghi ngờ, bởi không biết chồng mình có hay cặp với ai không, hay có nói dối không? “Bỏ chồng thì mình chưa đủ can đảm, vì thương hai đứa con nhỏ dại, non nớt nhưng sống thế này mãi chắc mình điên đầu mất”, chị Hương than thở. “Anh đang bận sáng tác tí! Cứ để đó anh dọn” Từng cầm trong tay tấm bằng cử nhân Văn học loại khá, nhưng ra trường như duyên số run rủi thế nào lại sắp đặt anh Hiếu (Ba Đình, Hà Nội) cưới chị Giang và được bố vợ sắp cho một “chân”  làm thủ thư tại một thư viện nhỏ. Những tưởng công việc có phần khô khan sẽ khiến anh bớt tính “nghệ sĩ” nhưng không cái máu thơ, ca hò, vè đã ngấm sâu vào máu anh. Cho nên được bố vợ ưu ái cho giữ chân thủ thư anh như mở cờ trong bụng, thầm cảm ơn bố vợ đã tạo điều kiện cho anh có nhiều thời gian để tha hồ bay bổng. Mong muốn mình nhanh chóng trở thành nghệ sỹ nên từ tóc tai, quần áo, đến cách nói chuyện, anh đều làm sao cho giống nhà thơ nhất. Nói ra thì “xấu chàng hổ ai” nhưng mỗi lần nhìn thấy chồng bừa bãi, luộm thuộm chị Giang muốn rùng mình phát sợ. Quần áo mặc xong thì anh vứt lung tung, quần áo sạch để chung với quần áo bẩn, giầy, tất thì ném mỗi nơi một chiếc, còn bàn làm việc của anh thì không khác gì một bãi chiến trường. Việc vệ sinh cá nhân của anh mới khiến chị sợ hãi. Mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông thì chị phải giục anh như... thằng con lên sáu của anh chị, không thì anh chỉ chực lờ đi như thoát một món nợ. Tất cả những điều đó, chị Giang chỉ vừa mới nói đến là anh Hiếu lại bảo:“Cứ để đấy, anh tự dọn, em không phải nhắc nhở anh đâu”. Nhưng không biết cứ để đó đến bao giờ nên chị Giang đành ấm ức dọn cho xong chuyện. Bởi để anh làm cũng chẳng ra đâu vào đâu. Chẳng là có lần chị bận đi đón con tan học, nhờ anh ở nhà trông hộ nồi cá kho, nhưng hỡi ôi về đến nhà thì nồi cá cháy khét lẹt... chỉ vì anh Hiếu nhà chị tâm hồn đang bay tận đâu để sáng tác bài thơ tặng anh bạn thân hồi Đại học. “Đi làm về đã mệt mỏi lại kiêm luôn cả chuyện hầu chồng, nhiều lúc thấy hụt hơi nhưng biết làm sao được bởi non sông khó đổi, bản tính khó dời mà”, chị Giang vừa tranh thủ dọn dẹp vừa nói. “Bây giờ anh không có hứng” Cùng chung nỗi ấm ức đó, chị Ngọc (Liễu Giai - Hà Nội) cũng từng ngày phải chịu đựng cái “máu nghệ sĩ” của chồng mình. Chị còn nhớ mùa hè năm ngoái, cả nhà háo hức chuẩn bị cho chuyến đi biển mà trước đo anh là người vẽ ra ý tưởng. Mọi thứ từ kem chống nắng, áo bơi, áo phao, nón, váy... chị đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng đến phút chót thì chồng chị lại hoãn bởi theo anh: “Bây giờ anh không có hứng, không có cảm xúc, anh mà đã không có hứng thì em đừng ép anh!”. Lúc đó, chi Ngọc vừa tức, vừa bực mình vì tính mưa nắng thất thường, làm cái gì cũng cần có hứng, có cảm xúc của chồng. Cũng vì có “hứng” mà có lần đang mười hai giờ trưa, trời nắng chang chang, thay vì tìm một nơi thoáng mát để chở vợ đi ăn trưa, anh lại dẫn chị đi... ngắm bằng lăng. Chị Ngọc cáu ầm lên vì thói “ẩm ương” của chồng thì anh lí sự: “Mùa này, sắc tím của hoa bằng lăng rực cả góc trời, khiến anh xao xuyến nhớ đến ngày hai chúng mình mới yêu nhau” rồi anh kéo chị đi hết ngõ này đến phố nọ để chiêm ngưỡng sắc tím bằng lăng thủy chung. Nghe chồng cứ hồn nhiên, mơ màng, khuôn mặt thộn ra, ánh mắt lim dim chực xuất khẩu thành thơ thì chị không biết mình nên buồn hay nên vui nữa, chỉ biết lúc đó chị Ngọc thấy đói và mệt lả vì bản tính “tâm hồn treo ngược cành cây” của anh.   Chị tâm sự chân thành: “Lấy được chồng tâm lý cũng hạnh phúc, nhưng lúc nào anh ấy cũng chỉ biết đến cảm xúc của mình, làm gì cũng theo cảm tính mà không cần biết người khác nên nhiều khi tôi cũng không chịu nổi”.

PLXH