Liên không hiểu mình “may”, “phúc” ở điểm nào khi bước chân về nhà chồng. Gia đình Liên tuy ở quê Bắc Giang nhưng bố mẹ cũng là giáo viên cấp III. Hồi đi học, Liên luôn đứng trong top sinh viên giỏi của lớp. Đến khi đi làm, Liên cũng có thu nhập và chức vụ tương đương với chồng. Xét về nhà chồng Liên, bố mẹ chồng là viên chức nhà nước nghỉ hưu. Thậm chí xét đến lương hưu, các cụ thông gia không “kém cạnh” nhau là mấy. Chưa kể, ngoại hình Liên có phần “nổi” hơn chồng. Thế mà gặp ai, đi đến đâu, mẹ chồng Liên cũng “nhắc bài”: “Nó lấy được con trai tôi là phúc lắm đấy”, rằng con trai bà đẹp trai, học giỏi, ngày xưa không ít những cô hơn Liên nhiều mặt “bám theo”... Liên ấm ức nhưng cũng đành để bụng.
Cũng như Liên, nhiều lần Thuận (Gia Lâm, Hà Nội) cũng ấm ức vì có cảm giác bị mẹ chồng coi khinh. Không ít lần, Thuận muốn chia tay với suy nghĩ tự ái: “Để xem con trai mẹ kiếm được cô nào tài giỏi, ngoan hiền hơn con không”. Mẹ chồng Thuận bóng gió rằng, nếu không nhờ bà có mối quen biết rộng thì Thuận làm gì được làm giáo viên biên chế như ngày hôm nay. Những lúc như thế, Thuận nghĩ quẩn: “Bỏ việc luôn, tự tìm việc khác cho đỡ nặng đầu”. Sau đó, Thuận được chồng động viên nên dần dần, cô mới thôi ý định từ bỏ công việc yêu thích và hợp với chuyên môn của mình. Chưa hết, có những lần Thuận bị mẹ chồng nghi ngờ rằng, cô lấy con trai bà là có ý muốn được mang hộ khẩu Hà Nội (Thuận quê ở Hưng Yên) hoặc cô có “mưu” nào đó mới khiến con trai bà cưới, chứ Thuận vừa thấp bé, lại vừa đen... Trong khi chồng Thuận cũng không to cao hay trắng trẻo hơn vợ chút nào. "Dí dỏm hóa" để cuộc sống chung bớt "ngạt" Diệu Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) từng khóc sưng mắt hồi mới làm dâu vì mẹ chồng cô đi đâu cũng nhấn nhá: “Chị ấy phúc to bằng cái đình mới lấy được con trai tôi đấy”. Sau nhiều lần “vật vã” buồn tủi, Diệu Anh đúc kết được kinh nghiệm: cứ “hùa” theo mẹ chồng bằng ngôn ngữ vui vẻ là “hòa cả làng”. Những khi ấy, Diệu Anh tiếp lời mẹ chồng ngay: “Đúng là con có phúc thật mẹ ạ. Nhà con vừa giỏi việc nước, vừa biết đỡ đần con việc nhà, lại rất hiếu thảo với bố mẹ hai bên”... Diệu Anh không tiếc lời liệt kê một loạt ưu điểm của chồng trước mặt mẹ chồng và khách. Cách này của Diệu Anh có 2 cái lợi: vừa ca ngợi chồng (bà mẹ nào cũng thích con mình được khen) vừa khiến bản thân mình không bị tức tưởi. Những lúc cả nhà quây quần vui vẻ, Diệu Anh còn trêu chồng: “Hôm nay mẹ gặp bác Lợi, mẹ khen anh nức nở” hoặc cô tếu táo: “Mẹ toàn cho nhà con ‘đi tàu bay giấy’, mũi anh ấy phải nở bằng quả dưa hấu chứ ít gì”. Khi con trai trong mắt mẹ chồng là nhất Quan niệm coi con trai mình là nhất không quá hiếm gặp. Một phần vì các bà mẹ quá yêu con trai, phần khác do tư tưởng “trọng nam” mà ra. Việc thay đổi quan điểm này rất khó. Chính vì thế, con dâu trong những trường hợp này có nhiều ấm ức, bức xúc. Sẽ mệt mỏi hơn nếu người chồng chỉ phản ứng bằng im lặng, coi chuyện đó không quan trọng, không tâm lý với vợ hoặc không muốn làm to chuyện với mẹ. Khi đó, đồng minh duy nhất trong nhà (là người chồng) cũng không ở cùng phe với mình nên người vợ càng có cảm giác bị cô lập, cô đơn... Đó là những trường hợp mẹ chồng không có ác ý. Nếu mẹ chồng có ý coi thường con dâu thật thì sẽ vô cùng khó cho các nàng dâu. Giải pháp sống riêng (nếu có thể) được coi là hợp lý để con dâu đỡ đau đầu vì mẹ chồng.