Nghĩ là nghĩ vậy nhưng không hỏi. Sự im lặng, mang lại bình yên cho loài người. Sự im lặng đặc biệt mang lại bình yên cho phụ nữ. Mình không phải ngoại lệ.
Ấy thế nhưng đôi khi trở về nhà sau những va đập ngoài cuộc sống, thấy hơi bơ vơ, hơi cùng quẫn… thế là quên tiệt cái quy chế im lặng mà rúc vào chàng mà hỏi: Anh còn yêu em không?
Tất nhiên sau đó sẽ nghe chàng càm ràm rằng “sao em cứ hỏi linh tinh vớ vẩn”. Rồi cũng được nghe chàng nói “Anh không yêu em thì yêu ai…” Khi ấy lại lấn tới “Anh nói là anh yêu em đi”, “anh có gà không”… cứ hỏi mãi như thế cho đến khi thấy dịu nhẹ lại, thấy mình không phải là phụ nữ 30 tuổi nữa, mà thấy mình giống như một cô người yêu phiền nhiễu lắm điều… nhì nhèo và là nhân tố gây bực bội cho đàn ông.
Nhưng mình luôn biết dừng lại trước khi sự nhì nhèo đi quá xa… Mình dừng lại vừa đúng lúc chồng mình rụt tay lại để gãi mũi… Nếu không dừng lại đúng lúc, chưa biết chừng đêm nay hai đứa lại quay lưng vào nhau mà ngủ.
Tất nhiên cuộc sống vợ chồng không cần xác lập giá trị tình yêu bằng những câu hỏi ấy, ta phải tự tin vào nhau, tự hiểu rằng chúng ta yêu nhau thì mới cùng ngồi chung một mâm cơm tối, cùng thức dậy trên một chiếc giường, cùng gọi một đứa nhỏ là con.
Tất nhiên là các giá trị sống đang được xác lập trên một nền tảng mới, đó là tạo ra những thói quen nhịp nhàng để duy trì một cuộc sống bình yên. Với gia đình, hình như đã mặc định: bình yên là hạnh phúc. Và những người phụ nữ ít nói là những người vợ tuyệt vời.
Tôi chợt nhớ một quảng cáo mới xem trên truyền hình, người vợ cứ đi lại bên mâm cơm dọn sẵn, người chồng ngồi bên máy tính làm việc quên cả bữa ăn. Vợ vẫn không quát lên, hét lên (như tôi) bắt chồng ngồi vào bàn mà chỉ lặng lẽ ngồi bên bàn ăn, vuốt ve bức ảnh hai vợ chồng chụp chung. Lúc này người chồng chợt nhớ ra vợ, và ôm lấy cô từ phía sau. Màn hình hiện lên dòng chữ “Phụ nữ, người giữ lửa gia đình”
Những người phụ nữ “giữ lửa” ấy có vài quy tắc chung mà tôi dạo một vòng trên mạng thu thập được. Họ tất nhiên phải ít nói. Họ phải thấm nhuần tư tưởng gia đình có hạnh phúc là ở tay chăm sóc của người phụ nữ. Một khi người phụ nữ cảm thấy chồng mình “có vấn đề” sao nhãng việc gia đình thì người vợ phải xem lại mình… Một người vợ để nhà cửa bừa bộn, cơm nấu muộn, con cái nheo nhóc bẩn thỉu, cơ thể toàn mùi bếp núc… tức là người vợ đã không làm tròn việc giữ lửa, giữ hạnh phúc cho gia đình. Và tất nhiên họ đừng có hỏi “Anh còn yêu em không?”
Có lần bạn kể, hôm ấy Hà Nội mưa to, khu nhà mất điện… bạn từ cơ quan về nhà rất muộn. Nhà hết gạo bạn chưa kịp mua, chồng bạn vẫn ngồi trong nhà nghịch điện thoại, phòng ốc tối om, bếp lạnh. Bạn chỉ hỏi được một câu “ Sao anh không nấu cơm cho em” rồi òa lên khóc! Tại sao lại khóc chứ, đàn ông đâu được chỉ định là người giữ lửa hồi nào?
Tôi thấy thương những người phụ nữ đang lụi cụi một mình “giữ lửa” hạnh phúc gia đình mà không có sự sẻ chia từ nửa còn lại. Họ yêu và rồi đồng hóa mình với cuộc sống của chồng, của con. Họ lụi cụi sống cuộc sống của người khác mà không bao giờ ngửng lên hỏi: Thế còn cuộc sống của tôi thì sao? Dần dần họ trông giống vợ của người đàn ông của họ, trông giống như mẹ của con họ… Đến lúc người ta không còn nhìn thấy người phụ nữ ấy nữa, người ta chỉ nhìn thấy một người vợ, một người mẹ mà thôi!
Những người phụ nữ ấy được mặc định là những phụ nữ hoàn hảo. Thế còn những phụ nữ như tôi? Người cứ mải miết đòi quyền bình đẳng trong gia đình, đánh dấu những hạng mục việc của đàn ông, việc của phụ nữ. Người phụ nữ đôi khi lớn tiếng với chồng vì không hài lòng. Gọi điện giục chồng về nhà khi đã quá 10h tối… Phụ nữ không cam chịu với sắp xếp bài bản của gia đình kiểu mẫu, liệu có xứng đáng được có một kết thúc tốt đẹp
Sau tất cả những gì tôi nhìn thấy từ những người phụ nữ quanh mình, tôi chấp nhận sống như một phụ nữ không hoàn hảo, với một gia đình vừa đủ thương yêu. Tôi từ chối vai trò là người giữ lửa, tôi vẫn đi tìm sự bình đẳng giới tính trong cuộc sống, trong tình yêu và trong cả gia đình.
Càng ngày tôi càng thấy mình đứng dịch chân về phía phái nữ, yêu phụ nữ nhiều hơn. Càng ngày tôi càng phủ nhận con người mình, một cô gái tự xếp mình vào hàng phái mạnh thích hòa vào thế giới đàn ông sòng phẳng và sôi nổi ngoài kia.
Chỉ có điều, tôi vẫn hay rúc đầu vào ngực chồng vào buổi tối để hỏi những câu vớ vẩn như “Anh còn yêu em không”… đôi khi nếu tâm trạng vui vẻ, tôi sẽ hỏi nhầm thành “Anh có yêu em không”… Và khi ấy chồng tôi hoàn toàn hiểu rằng dù có to mồm đến đâu, phụ nữ cũng chỉ là những chiếc tai dễ bị lừa phỉnh và họ sẽ quên hết mọi tranh đấu bình đẳng và nghi ngờ khi anh ôm phụ nữ vào lòng và nói “Anh yêu em!”
Đôi khi tôi tự hỏi, sao đàn ông không làm người giữ lửa nhỉ? Trong túi họ chẳng phải luôn có bật lửa ga đó sao?