Jay-Z (tên đầy đủ là Shawn Corey Carter) được biết đến nhiều nhất với vị trí của một ca sĩ nhạc rap huyền thoại, một doanh nhân thành đạt và là chủ tịch hãng đĩa nổi tiếng Def Jam Records và Roc-A-Fella. Anh còn là đồng sở hữu CLB The 40/40 Club và đội bóng rổ the New Jersey Nets, từng được MTV bầu chọn là MC nổi tiếng nhất mọi thời đại.
Huyền thoại nhạc rap Jay-Z
Vào tháng 4/2008, New York Times công bố anh đã ký hợp đồng thu âm lớn với Live Nation với giá trị vào khoảng 150 triệu dollar. Không thể phủ nhận Jay-Z là một điển hình của sự thành đạt. Jay-Z đã đạt thậm chí còn vượt quá mục tiêu đề ra. Những ca khúc do anh thể hiện có lượng hits rất cao, anh là đồng sáng lập hãng thời trang Rocawear, sở hữu một đội bóng rổ và là giám đốc điều hành của một hai hãng thu âm khác nhau. Nhưng có lẽ, ít ai biết tại sao Jay-Z lại có thể thành công đến vậy. Ngay cả khi bạn mải miết đi tìm hình ảnh những ông chủ ngân hàng, những doanh nhân thành đạt để học tập, bạn cũng không nên bỏ qua những kinh nghiệm xương máu mà huyền thoại hip-hop này đem đến. 5 bài học rút ra từ sự nghiệp của Jay-Z sau đây sẽ giúp bạn hiểu rằng, con đường đi tới thành công của ông cũng chính là con đường thành công cho các nhà lãnh đạo tài ba. Đam mê là một phần tất yếu Jay-Z là một người đàn ông rất mê thể thao nhưng không bằng lòng với việc chỉ là một fan hâm mộ. Năm 2003, anh đã thành lập một đội bóng trong đó có cả LeBron James tham gia chơi trong giải EBC (Giải bóng rổ đường phố) và trở thành đồng sở hữu CLB New Jersey Jets. Cũng như Jay-Z, nhiều người rất hâm mộ thể thao, phát cuồng vì thể thao nhưng lại ít ai biết phát triển niềm đam mê đó thành con đường sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, ngay cả khi những việc đó chưa đem lại thu nhập ngay cho bạn hoặc không bằng thu nhập hiện tại, bạn cũng nên bắt tay vào xây dựng thành con đường sự nghiệp bằng niềm đam mê cháy bỏng. Chẳng hạn, bạn thích tham gia các hoạt động mang tính chính trị nhưng hiện tại, bạn chỉ là một nhân viên bán hàng thời trang. Nhưng điều đó không thể ngăn cản việc bạn lập blog cá nhân, bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình về những vấn đề trong nước và quốc tế, miễn sao đó là những suy nghĩ đúng đắn. Như thế, bạn có thể rèn luyện kỹ năng viết lách, lập luận chặt chẽ. Dù chưa thể đi theo con đường chính trị ngay được nhưng ít nhất bạn cũng được sống với niềm đam mê của mình. Chủ động xây dựng và quảng bá hình ảnh bản thân Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến Jay-Z quyết định thành lập đội bóng rổ trong EBC là bởi anh hiểu rõ đó là lĩnh vực rất tiềm năng. Anh mang những hình ảnh đó giới thiệu nhiều nơi với thiết kế ấn tượng. Sau đó, anh đã tổ chức bữa tiệc ăn mừng ở CLB và không ngại ngần quảng bá dự án của mình. Đừng ngồi đợi ai đó mang đến điều bất ngờ cho mình, thay vào đó, hãy tự mình tìm ra và truyền bá đến mọi người. Không khoe khoang nhưng hãy đón nhận những ý kiến phản hồi từ những người xung quanh về kế hoạch của mình. Nếu bạn đang tìm kiếm việc làm, hãy nghĩ đến những thành tích đã đạt được, vị trí quan trọng bạn từng nắm giữ ở các công ty, những người sẽ hỗ trợ đắc lực cho công việc của bạn... Bạn nên chủ động tìm cách thể hiện những lợi thế của mình qua CV, hồ sơ xin việc và trực tiếp trong buổi phỏng vấn bởi nhiều khi người phỏng vấn không có đủ thời gian để hỏi bạn kỹ càng. Cố gắng tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng ngay từ đầu, tự tin, chủ động nhưng trung thực và thành thực với những gì mình có.
Biết chuyển hướng đúng lúc Năm 2003, khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, Jay-Z quyết định nghỉ hưu. Ở tuổi 34, anh cảm thấy không thể tạo cú đột phá để vượt qua cái bóng của mình được nữa nên quyết định dừng lại. Nếu bạn cảm thấy không còn đủ hứng thú, đam mê với công việc hiện tại, bạn có thể tìm một công việc mới thích hợp hơn. Kể cả có phải tiếp cận với một lĩnh vực mới, bạn cũng đừng ngần ngại. Nếu cứ lãng phí thời gian cho những thứ mình không tâm huyết, sẽ chẳng có kết quả gì đáng kể. Bạn sẽ gặt hái nhiều điều mới mẻ thú vị hơn nếu biết dừng lại hoặc chuyển hướng đúng lúc. Chia sẻ ý tưởng sáng tạo Năm 2005, khi Jay-Z chuyển sang đảm nhậm công việc ở hãng đĩa Def Jam, anh không thể tin rằng mô hình kinh doanh này nhiều thập kỷ qua vẫn đi theo lối mòn, không hề đổi mới. Những nhân viên làm việc ở đây không có động cơ phấn đấu. Jay-Z muốn mọi người cố gắng làm những điều mới mẻ, sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh và rủi ro để tạo nên những đột phá táo bạo. Nghĩ vậy, Jay-Z quyết định nói chuyện với toàn thể nhân viên về những điều anh muốn, dự định của anh trong tương lai gần và sau đó quyết định thay đổi. Kết quả là mọi người đều bị hấp dẫn bởi những điều Jay-Z nói và muốn học hỏi kinh doanh từ anh. Khi bạn không phải là sếp, bạn không thể cải tổ, thay đổi công ty dù có muốn đi chăng nữa. Tuy nhiên, các sếp lại hay chú ý đến những nhân viên có ý tưởng sáng tạo. Bởi vậy, khi bạn có những cách nhìn nhận mới, đừng ngại ciha sẻ và thuyết phục mọi người. Sếp sẽ có sự cân nhắc nếu cảm thấy ý kiến của bạn thực sự hữu ích, đem về doanh thu và nhiều lợi ích khác cho công ty. Quản lý cuộc sống riêng tư Jay-Z và Beyonce đều là những tên tuổi nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc nhưng khi họ bắt đầu hẹn hò, tất cả đều được giữ kín dù mọi người đều tò mò muốn biết về mối quan hệ đó. Họ tuyệt nhiên không nhắc tới chuyện tình cảm trước công chúng mãi cho đến khi kết hôn vào năm 2008. Bạn không phải là người của công chúng, không cần phải bí mật về cuộc sống riêng tư nhưng hãy nhớ rằng, những chuyện gia đình không cần thiết phải đưa ra bàn bạc, trao đổi nơi công sở. Ngày nay, không ít người quá chú trọng tới việc xây dựng hình ảnh cuộc sống cá nhân qua các trang mạng xã hội. Những câu chuyện nhỏ nhặt của đời sống riêng tư cũng được đưa lên "trưng bày" và người xem chẳng khó khăn gì để đánh giá cuộc sống của họ. Thế nhưng, bạn nên nhớ rằng, những chuyện riêng tư đôi khi lại ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh tiếng của bạn. Vì vậy, hãy biết kiểm soát cuộc sống riêng, hiểu rõ chuyện gì nên và không nên công bố. Tất nhiên, con đường đi tới thành công của Jay-Z không chỉ có vậy, nhưng nếu suy xét kỹ, có thể nhận thấy đây là những yếu tố giúp Jay-Z rất nhiều trên con đường xây dựng sự nghiệp lừng lẫy đến hôm nay.