Lưu Gia Huy xuất thân từ thế giới võ thuật, hoàn cảnh tương đồng với những ngôi sao mà chúng ta đã biết: Lý Liên Kiệt, Thành Long, Chân Tử Đan, Hồng Kim Bảo… Thời điểm của những năm 1970 – 1980, phim nhựa Hong Kong phát triển mạnh với những tuồng cổ trang – kiếm hiệp. Cầm trong tay những đạo cụ thô sơ, vai trò của diễn viên biết đánh võ là vô cùng quan trọng. Lưu Gia Huy chớp được cơ hội đó, cùng với người anh nuôi Lưu Gia Lương tạo nên tiếng vang khi bộ Thiếu lâm tam thập lục phòng phát hành vào năm 1978. Chính vai diễn trong phim này đã giúp Lưu Gia Huy có vị trí ngôi sao trong làng giải trí lúc bấy giờ.
Bộ phim kinh điển, nhận “cơn mưa” lời khen từ giới phê bình lẫn khán giả châu Á
Chúng ta thường nghe đến "diễn viên lá xanh TVB", cụm từ này được hiểu là những diễn viên ở tuyến phụ, đảm nhận những vai diễn nâng tầm tuyến chính. Họ xuất hiện trong hầu hết mọi phim lên sóng mỗi năm của nhà đài. Thế nhưng, không phải mọi diễn viên đều cần vai chính sao? Tại sao TVB lại đặt ra cụm từ này? Trên thực tế, những diễn viên "lá xanh" thường không còn trẻ nhưng họ rất rành nghề. Chính sự từng trải, lão luyện giúp họ có chỗ đứng riêng trong bảng phân vai.
Nếu vai chính được "đo ni đóng giày" cho các tiểu sinh thì vai diễn "lá xanh" lại đòi hỏi người diễn viên tự hòa mình vào nhân vật. Họ phải đóng rất nhiều loại vai nhỏ khác nhau. Để khán giả ghi nhớ mình, cái họ cần không phải là tần suất lên sóng mà là điểm khác biệt nổi trội và ưu thế, ví dụ như võ thuật và điển hình như diễn viên Lưu Gia Huy.
Lưu Gia Huy thời trẻ đã có bước tiến lớn trong sự nghiệp diễn xuất. Tuy nhiên, khi thị trường phim điện ảnh võ thuật dần bão hòa với nhiều cái tên nổi trội, Lưu Gia Huy chọn "chuyển sân" sang đóng phim truyền hình TVB . Kể từ cuối thập niên 80, ông đã tạm xa rời hình ảnh một “ngôi sao võ thuật” để trở thành một diễn viên "lá xanh" quen thuộc trên màn ảnh nhỏ.
Ông gây chú ý qua nhân vật kiếm khách Yến Thiên Thiên trong phim "Nhật Nguyệt thần kiếm" (1991). Đến năm 1993, trong bộ phim "Lò võ thiếu lâm", bên cạnh những diễn viên chính, khán giả còn ấn tượng với đại sư Pháp Đăng do Lưu Gia Huy thủ vai. Những phân cảnh võ thuật ông thể hiện trên phim khiến khán giả vô cùng yêu thích. Năm 1999, ông tham gia "Trung Hoa Đại trượng phu" bên cạnh nam diễn viên Triệu Văn Trác. Nhân vật hài hước Dung Bách Xuyên đã khẳng định bản lĩnh nhập vai của Lưu Gia Huy trong lòng công chúng.
Tạo hình lãng khách Yến Thiên Thiên khiến khán giả yêu thích
Nhân vật đại sư Pháp Đăng trong "Lò Võ Thiếu Lâm"
Khán giả luôn tranh cãi xem đâu là vai diễn số 1 trong sự nghiệp của Lưu Gia Huy, bởi vì khả năng diễn xuất của ông luôn thuyết phục qua mỗi nhân vật. Là Ngưu Ma Vương hóm hỉnh trong "Tây Du Ký" (1996) hay gã Thành Khôn xảo quyệt trong "Ỷ Thiên Đồ Long Ký" (2000)? Là lão ma đầu Kim Luân Pháp Vương trong "Thần điêu đại hiệp" (1995) hay Thạch Vạn Sơn trong "Tuyết Sơn Phi hồ" (1999) ? Chúng ta khó mà nhận xét đâu là vai diễn gây ấn tượng nhất của ông.
Vai phản diện Kim Luân Pháp Vương ấn tượng không kém tuyến chính
Ngưu Ma Vương duyên dáng – nhân tố gây cười trong "Tây Du Ký" năm 1996, 1998
Nhân vật Thành Khôn quỷ quyệt, xảo trá được Lưu Gia Huy lột tả trọn vẹn
Cho đến năm 2001, cuộc gọi từ Hollywood đã giúp Lưu Gia Huy có thêm những cột mốc mới trong sự nghiệp của mình. Đạo diễn quái kiệt Quentin Tarantino, người nổi tiếng đi ngược xu hướng thị trường đã chọn Lưu Gia Huy cho tác phẩm độc đáo của mình – "Kill Bill". Thành công của series phim "Kill Bill" đã được chứng minh ngay sau đó. Sự góp mặt của Lưu Gia Huy mang ý nghĩa truyền bá võ thuật Hong Kong được khán giả năm châu ghi nhận.
Tạo hình Lưu Gia Huy trong Kill Bill 1
"Kill Bill 2"
Sau những "đỉnh cao sự nghiệp", Lưu Gia Huy quay về với guồng quay phim truyền hình, với những vai diễn nhỏ không hơn không kém. Nam diễn viên đã từng nổi giận đáp: “Anh nói tôi nghe xem đỉnh cao là ở đâu? Rồi tôi nói mình đã qua đỉnh cao hay chưa” khi báo giới hỏi về vấn đề này. Vì ông không nhắm đến bất cứ đỉnh cao nào, ngoài sự cống hiến trọn đời cho truyền hình, cho khán giả của mình, ông không cần phải chứng minh hay hồi sinh bất cứ thành tựu nào cho sự nghiệp. Dù đang đối diện với cuộc sống khó khăn và con đường làm nghề trắc trở, những gì Lưu Gia Huy đã cống hiến cho khán giả vẫn còn đó, luôn được ghi nhận.
Vai diễn cuối cùng của ông hợp tác với TVB trong phim "Vạn Phụng Chi Vương" năm 2012
Sự nghiệp diễn xuất cũng lừng lẫy chẳng kém ai nhưng bệnh tật và thất bại trong hôn nhân đã khiến cuộc sống tuổi già của Lưu Gia Huy thành địa ngục. Ông từng hai lần kết hôn, có hai con một trai một gái nhưng lại cuộc sống gia đình lại "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt". Sau khi ly hôn lần lượt 2 người vợ và chọn sống cô đơn một mình, cuối năm 2011, cơn tai biến bất ngờ ập tới khiến Lưu Gia Huy liệt nửa người. Sự nghiệp của ông cũng chấm dứt từ đó.
Lưu Gia Huy gầy đi thấy rõ sau cơn tai biến
Sau khi ngã bệnh và phải ngồi xe lăn, tiền viện phí của Lưu Gia Huy mỗi tháng lên tới gần 100 ngàn đô la Hồng Kông (khoảng 290 triệu đồng). Từ tài tử võ thuật nổi tiếng võ công cao cường, thân hình cường tráng, ông gầy sọp đi và rơi vào cảnh túng quẫn vì chạy chữa bệnh tật. Thậm chí, không có tiền thanh toán viện phí, Lưu Gia Huy phải bán căn nhà duy nhất đang ở để chữa bệnh, và sau đó phải nhờ đến các đồng nghiệp tại TVB chung tay quyên góp ủng hộ ông.
Những năm gần đây Lưu Gia Huy khỏe mạnh hơn. Ông được bạn bè tổ chức sinh nhật vì không người thân thích
Nhiều bài báo thường lấy hoàn cảnh hiện tại để cho rằng “diễn viên A đã hết thời” và phủ nhận mọi thành quả lao động trước đó của họ. Cách nhìn này sẽ khiến nền nghệ thuật chân chính bị hiểu sai giá trị. Chính những sáng tạo cần mẫn, chứ không phải sự nổi tiếng phong trào, mới là thước đo độ thành công của người nghệ sĩ trong làng giải trí. Cuối đời họ không phải là danh vọng tiền bạc mà là tác phẩm. Chính tác phẩm mới giúp cái tên nghệ sĩ sống mãi trong lòng công chúng.