- Nói một cách ngắn gọn về sự thân thiết giữa ca sĩ Bảo Yến và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chị sẽ nói gì?
Ở tôi và anh Sơn có một sự thân thiết đặc biệt đặt trên nền tảng tình đồng hương. Tôi và anh Sơn có cùng một quê hương là Huế. Tuy nhiên, tôi sinh ra ở Huế, nhưng anh lại sinh ra ở Buôn Mê Thuột. Vì vậy mà mãi đến tuổi trưởng thành tôi mới quen biết anh. Dẫu vậy, không chỉ với anh, tôi còn thân thiết với gia đình của anh. Mẹ và anh chị em của anh đều yêu quý tôi.
- Chị nhớ gì về lần đầu tiên gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?
Tôi có một người anh họ là bạn của anh Sơn. Khoảng năm 1983 có một lần, anh ấy mời tôi đến dự một buổi tiệc với mục đích khoe giọng hát của tôi cho anh Sơn nghe. Tôi còn nhớ buổi tiệc ấy có rất nhiều bạn bè của anh trong giới văn nghệ sĩ như họa sĩ Trịnh Cung, nhà văn Bửu Ý... Sau khi tôi hát xong vài ca khúc của anh, anh Sơn nói với tôi: "Trời ơi! Sao Bảo Yến hát hay quá". Từ đó hai anh em trò chuyện và trở nên thân thiết với nhau. Gần 20 năm sau đó, anh em chúng tôi cứ cách tháng lại có một buổi tiệc để gặp gỡ nhau như thế.
- Hẳn trước đó chị cũng đã từng biết về ông?
Tôi không thể nào quên được một buổi sáng khi chỉ mới 15 tuổi, tôi đã nghe "Giọt nước mắt cho quê hương". Dù còn bé nhưng tôi cảm nhận được một sự xúc động mãnh liệt và tôi đã khóc suốt buổi sáng hôm đó. Tôi tự hỏi bản thân mình, làm thế nào mà người nhạc sĩ ấy lại có thể nói về quê hương mình một cách trọn vẹn và đầy cảm xúc như thế. Rồi liền sau đó tôi tiếp tục say mê với những ca khúc nhạc tình của anh như Như cánh vạc bay, Diễm xưa...
Mãi thêm một thời gian sau nữa, tôi thật sự "say đắm" với Ru ta ngậm ngùi và Rừng xưa đã khép. Mấy chục năm ca hát, 2 ca khúc này luôn được tôi "gối đầu giường". Mỗi khi ra Hà Nội hay có chương trình biểu diễn yêu cầu hát nhạc của anh, tôi đều mang hai bài này ra để hát tặng khán giả. Có thể nói, anh Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ không có sáng tác nào dở, sự nghiệp sáng tác của anh đều là những ca khúc hay và rất hay.
- Nhiều người nhận xét nhạc Trịnh phức tạp, nhiều người lại nghĩ nhạc của ông đơn giản. Quan điểm của chị như thế nào?
(Cười!) Trên đời, cái gì thường nhất thì lại là phi thường, cái gì bình dị nhất tức là phi bình dị. Tôi dám chắc dẫu cho 100 năm nữa chắc gì Việt Nam có được một Trịnh Công Sơn thứ hai. Anh Sơn đọc rất nhiều, từ tiểu thuyết lãng mạn của Pháp đến kinh Phật. Bao nhiêu là văn hóa được tích tụ trong con người của anh được anh nhào trộn chung với văn hóa của bản thân mình để chắt lọc ra được những ca từ nghe tưởng chừng như dễ hiểu nhưng lại thâm sâu vô cùng.
Như anh từng viết "bốn mùa thay lá, thay hoa, thay mãi đời ta". Những câu chữ giản đơn tưởng chừng ai cũng hiểu nhưng ẩn sâu trong đó là lời của anh để nói đến tuổi già. Như ở thời bây giờ, để diễn tả một điều tương tự, người ta dùng từ ngữ ghê gớm lắm, nào là "héo gầy", "cằn cỗi" hay những kiểu diễn đạt rất loằng ngoằng chứ không thể nào gắn gọn, súc tích và bình dị như ngôn ngữ của anh Sơn.
Còn về giai điệu, tôi cho rằng anh Sơn là một bậc thượng thừa trong việc xếp đặt nốt nhạc. Đứng trên sân khấu nhiều năm, tôi không chỉ hát nhạc của anh mà còn của nhiều nhạc sĩ khác nữa. Có những ca khúc không phải chỉ một mình tôi hát mà còn phải nhờ đến cả dàn nhạc mới đẩy được cảm xúc đến người nghe. Nhưng nhạc anh Sơn thì không. Hát nhạc của anh chỉ cần một cây guitar thùng là quá đủ.
- Chị cho rằng làm thế nào để hát “đúng” nhạc Trịnh?
Một người hát “được” nhạc Trịnh Công Sơn phải là một người sống nhiều, đã từng đau khổ không chỉ cho thân phận của mình mà còn cho người khác nữa. Chỉ khi đó, người hát mới nhận ra được những khúc thức, những ca từ của anh có khả năng diễn đạt, gói gọn được một cách chính xác cái buồn, cái khổ của đời người. Thêm vào đó, như tôi đã nói ở trước, anh Sơn không viết ca khúc cho mình. Anh viết cho “tha nhân”, cho những người khác. Vì vậy mà người hát nhạc của anh cũng nên có suy nghĩ đó để thấu hiểu được trọn vẹn cảm xúc của anh.
- Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói trong một câu chuyện: “Trong Nam, ngoài Cẩm Vân chỉ có Bảo Yến là hát hay nhạc anh Sơn”. Chị nghĩ gì về lời khen này?
Tôi không có thói quen nhận lời khen vì chắc gì những lời khen đó là thật. Nhưng nếu đó là Trịnh Vĩnh Trinh, một người mà tính thật thà của cô ấy không còn lạ lẫm gì với tôi, thì có lẽ 80% là đúng như thế thật. - Xin cảm ơn chị rất nhiều