PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

"Bắt mạch" những nỗi buồn “ẩm ương” của teen

Thứ hai, 05/09/2011 10:17

Teen nhà mình ở cái tuổi dở dở ương ương vẫn thường có những nỗi buồn rất lạ. Chúng ta hãy thử bắt mạch những nỗi buồn của các bạn í nhé!

Lí do cho những nỗi buồn…

Sao điểm số của mình lúc nào cũng thua kém bạn lớp trưởng, sao mình không tự tin đứng lên ứng cử chức lớp trưởng như cậu bạn thân, sao mình không được nhiều bạn gái quan tâm giống như cậu bạn hotboy ở trường… Kết quả học tập không tốt, vẻ bề ngoài không hấp dẫn, băn khoăn chưa tìm ra hướng đi cho mình, mặc cảm vì thua kém bạn bè… Tất cả đều dễ dàng trở thành những yếu tố khiến teen nhà mình rơi vào cảm giác…buồn, tự ti và mặc cảm và thay vì sửa chữa bản thân, cố gắng hơn nữa để hoàn thiện mình teen lại “nhàn hạ” dày vò chính mình. Sống khép nép và luôn cảm thấy mình thua kém người khác mà không đủ tự tin để thể hiện mình.

Có những nỗi buồn vì cô đơn, không có bạn bè thân thiết, bố mẹ không quan tâm đến cảm xúc của teen và thế là… buồn! Những teen này đã "lỡ" mang phong cách lạnh lùng ngay từ lần đầu tiếp xúc với bạn bè, nên bị "gán" cho mác "chảnh, khó gần". Trung (17t) là thành viên mới chuyển đến lớp mới, Trung có khuôn mặt khá “lạnh” và khó tiếp xúc chính vì vậy mà bạn bè nghĩ rằng cậu “chảnh”, “kiêu” vì là con ông nọ bà kia nhưng thật ra Trung là một người rất hòa đồng, nhí nhảnh và xì tin. Bởi vì cá tính nhút nhát từ bé nên Trung không mấy khi chủ động bắt bạn với bạn bè, vậy là Trung cứ bị buộc phải "đeo mặt nạ" mãi chỉ vì sự linh cảm vô căn cứ của bạn bè.

Hàng ngày, Trung lầm lũi đi học, rồi về nhà, chẳng có bạn bè gì khi bắt đầu học ở môi trường mới. Bị cô lập và cảm thấy lẻ loi, Trung luôn giữ một khuôn mặt buồn rầu và rơi vào những nỗi buồn triền miên. Teen có biết nếu cứ giữ một tâm trạng như vậy sẽ khiến teen nhà mình cảm thấy mệt mỏi, ý chí phấn đấu giảm sút, hơn hết bạn sẽ cảm thấy mặc cảm và dễ rơi vào trạng thái stress, không kiểm soát mình không?

Và đôi khi chẳng vì lí do gì cả…

Nhưng đôi khi nỗi buồn của tuổi ẩm ương lại không bởi lí do gì hết. Tự nhiên thấy buồn, thấy cuộc sống vô vị nhàm chán. Không muốn nói với ai vì đám bạn bọn nó cũng chán như mình, nói với bố mẹ cũng chẳng hiểu, có khi lại còn bị mắng vì rỗi hơi nữa ấy chứ.

Thực ra bệnh buồn chán này có nhiều nguyên nhân, những áp lực học tập từ gia đình thầy cô, chuyện tình cảm ẩm ương của tuổi mới lớn, mình nhắn tin không thấy người ta rep lại, nói chuyện với người ta thì người ta không hào hứng, bố mẹ chẳng quan tâm gì đến cảm xúc của mình, hay những hành động “vô tâm” của đứa bạn thân của “ai đó” cũng có thể làm tổn thương tâm hồn “mong manh dễ vỡ” của tuổi teen. Lên trang mạng xã hội, chúng ta thường xuyên bắt gặp những câu status: “chán quá đi!”, “buồn ơi là sầu”, “lonely…”

“Thỉnh thoảng tớ vẫn buồn một cách vô lý. Tớ cũng chẳng biết tại sao? Hình như con người ta khi buồn nhiều khi chính họ cũng ko hiểu tại sao mình buồn và vì lý do gì. Chỉ đơn giản là thấy buồn vậy thôi, tự nhiên thấy chẳng ai hiểu mình, quan tâm đến mình, tự nhiên thấy lòng mình trống trải vô cùng.” – tâm sự của cô bạn Nga (16t). Và cái nỗi buồn ấy cứ vẩn vơ ấy cứ tiếp tục hết ngày này sang ngày khác, tự dưng vui ngay đấy mà lại buồn ngay đấy thì cũng rất nguy hiểm, vì dễ dẫn tới bệnh stress, trầm cảm rất phổ biến trong đời sống teen hiện nay.

Trong cuộc sống, chúng ta không tránh khỏi những lúc buồn phiền. Nỗi buồn đôi khi như gia vị giúp ta nghiệm lại bản thân mình đã làm tốt mọi thứ hay chưa? Đã cố gắng hết mình trong công việc, học hành, cố gắng điều chỉnh những mối quan hệ bạn bè, hay tình cảm hay chưa? Và từ đó thay đổi, điều chỉnh suy nghĩ theo chiều hướng tích cực và cố gắng hành động tốt để đạt được những kết quả khả quan trong thời gian tới.

Nỗi buồn là cảm xúc của tuổi mới lớn, nhưng nhiều bạn đang thái quá cảm xúc của mình, nhiều lúc bình thường bỗng dưng… thấy buồn chẳng vì lí do gì, đã trở thành thành tình trạng chung của teen nhà mình. Thực chất cảm xúc ấy chưa chắc đã là nỗi buồn nhưng cứ liên hoàn ca thán “buồn lắm! buồn quá đi thôi, buồn ơi là buồn” vô hình đã khiến cảm xúc của teen lún sâu vào nỗi buồn và sự mặc cảm không có lí do vậy tại sao, teen lại biến mình rơi vào tình trạng ấy nhỉ?

Hãy mở lòng để chia sẻ nỗi buồn ấy với những người thân. Thực ra chỉ cần bạn mở rộng lòng chia sẻ thì có rất nhiều người lắng nghe bạn nói, đừng giấu nỗi buồn sâu tít bên trong vì nhiều nỗi buồn tích tụ không được giải tỏa, sẽ khiến bạn ngày càng trở nên “bế tắc” hơn đấy!

Hãy sống vui vẻ mỗi ngày và tìm cách hóa giải những nỗi buồn ấy làm cho cuộc sống mình thêm tươi đẹp teen nhé! “Buồn ơi, chào mi!”

PLXH
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới